1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tội ác “nảy mầm” từ web đen

(Dân trí) - Cháu bé 4 tuổi bị xâm hại tình dục vì đối tượng đang tuổi vị thành niên muốn bắt chước các hình ảnh trên một trang web đen. Một nhóm học sinh dựng kịch bản để cướp xe máy của bạn, bán đi lấy tiền trả nợ game...

Phạm tội vì bắt chước trên mạng

Thượng tá Trần Văn Dũng, Phó công an phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội kể lại một vụ án đau lòng về một bé gái 4 tuổi bị xâm hại tình dục: Vào trung tuần tháng 9/2008, công an phường tiếp nhận đơn trình báo của chị Nguyễn Thị H. (sinh năm 1960, tại phường Lĩnh Nam) về việc của cháu Phùng Phương T. (là con đẻ, sinh năm 2004) bị xâm hại tình dục. Nạn nhân quá nhỏ tuổi nên không hề ý thức được sự việc mà chỉ biết sợ hãi và kêu đau.

Sau nhiều ngày, cháu T. mới mô tả về một anh thanh niên thỉnh thoảng đưa cháu đi mua bim bim rồi đưa vào nhà văn hoá, doạ có ma để thực hiện hành vi gây đau đớn cho cháu...

Rà soát các đối tượng, công an điều tra đã xác định kẻ gây ra vụ việc là Nguyễn Khoa Hùng, sinh năm 1993, trú tại phường Trần Phú, Q. Hoàng Mai.

Hùng dù còn ít tuổi nhưng lúc đầu tỏ ra rất lì lợm trước cơ quan điều tra và phủ nhận mọi hành vi của mình. Cho đến khi mọi bằng chứng được đưa ra, Hùng mới khai nhận: không muốn làm hại bé T. mà chỉ muốn bắt chước cách sống bản năng trên một trang web của Nhật Bản (có 5 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt, đang được giới trẻ phổ cập và truyền nhau, lượng người truy cập những web đen này tăng nhanh, lên mức hơn 30.000 người/ tháng).

Theo số liệu thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chỉ tính riêng mấy tháng đầu năm 2008, trẻ em dưới 16 tuổi có 7.000 vụ vi phạm, chiếm đến 70% tội phạm vị thành niên dưới 18 tuổi.

Công an các địa phương đã khởi tố điều tra 8.531 vụ với 11.732 đối tượng ở tất cả các tội danh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được xác định bắt đầu từ… internet.

Một vụ án đau lòng khác có nguyên nhân từ Internet cũng mới được TAND TPHN đưa ra xét xử. Nhóm Quân “bụi” và 3 đồng bọn đang ở độ tuổi 17-18 gây ra vụ cướp tài sản, giết người dã man ở Q. Hoàng Mai.

Vào ngày 26/11/2008, Trần Bảo Long (SN 1993), học sinh trường cấp 3 đang đi học về thì gặp Nguyễn Hồng Quân (SN 1992, tức Quân “bụi”, bạn cùng xã và cũng là bạn chát, chơi game). Quân rủ Long đi chơi game cùng với mấy người bạn khác. Long đồng ý mà không ngờ đã vào “tầm ngắm” của nhóm đối tượng này. Sau đó nạn nhân đã bị chúng chém nhiều nhát lên cơ thể, cướp đi một xe máy (BKS: 30F8-7559). Các đối tượng khai nhận giết Long vì muốn cướp xe để trả tiền chơi game (gần 5 triệu đồng).

Ngày càng nhiều trẻ vị thành niên phạm tội

Thượng tá Trần Văn Dũng cho biết, không phải bây giờ tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội do những ảnh hưởng xấu từ internet mới có. Từ nhiều năm trước, khi công tác ở Đồng Nai, thượng tá Dũng đã có một chuyên án về tội phạm vị thành niên phạm tội có liên quan đến internet. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ vị thanh niên phạm tội như thiếu tiền chơi điện tử, thiếu tiền tiêu xài, hút chích… nhóm thanh niên chát sẽ cùng nhau tập hợp lại đi cướp giật tài sản, thậm chí giết người. Trong rất nhiều vụ án có xuất phát từ internet, các trinh sát vẫn băn khoăn không hiểu các thuật ngữ, ký hiệu mà các đối tượng thường ám thị cho nhau trước khi gây án như: kết thúc mỗi dòng là một chữ “j” hoặc biểu tượng mặt cười, khóc...

Trên thực tế, không ai có thể phủ nhận được vai trò quan trọng của internet trong cuộc sống hiện đại. Nhưng ở nước ta, mặt trái của internet đã ngày càng bộc lộ rõ. Quá nhiều web sex và những địa chỉ cung cấp các trò chơi bạo lực vẫn mọc lên như nấm.

Theo những nghiên cứu mới đây, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ngày càng nhiều trẻ vị thành niên phạm tội là do chức năng giáo dục của gia đình đang bị quên lãng và buông lỏng. Điều tra cụ thể cho thấy: trong số vụ phạm tội do lứa tuổi này gây ra có 8% có bố mẹ ly hôn; 28% do mẹ không đáp ứng nhu cầu cơ bản của các em, 49% do cách đối xử của bố mẹ... Nhiều bậc phụ huynh không tin nổi khi nhận được thông báo của cơ quan công an về việc con mình vi phạm pháp luật và cho biết đã hoàn toàn phó thác cho nhà trường nơi con mình đang theo học.

“Ngoài việc tăng cường thông tin giữa gia đình và nhà trường, cơ quan chủ quản phải có những biện pháp đủ mạnh và hữu hiệu trong phòng ngừa, kiểm duyệt, quản lý chặt chẽ và thường xuyên đối với các cơ sở cấp phép mở internet công cộng. Bởi đây chính là những địa điểm nhạy cảm, có sức truyền bá rộng rãi và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của giới trẻ hiện nay”- Thượng tá Trần Văn Dũng kiến nghị.

P.Thanh