1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tốc độ giảm nghèo của đồng bào dân tộc còn chậm

(Dân trí) - Thông tin trên được nêu tại cuộc hội thảo “Giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2011-2015” tại Hà Nội ngày 3/12.

Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) tăng liên tục trong giai đoạn 1993 và 2008 và còn hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của DTTS là 18%, con số này đã tăng lên đến 29% vào năm 1998, 39% vào năm 2004, 47% vào năm 2006, 55% vào năm 2008. Trong khi DTTS chiếm 14.6% tổng dân số.

 

Năm 2009, tỷ lệ nghèo ở vùng dân tộc và miền núi có giảm đáng kể xuống còn hơn 31%, tuy nhiên vẫn gấp hơn 2.5 lần so với trung bình cả nước (12%). Dự kiến năm nay 2010, tỷ lệ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn sẽ giảm xuống còn gần 30%.

 

Thu nhập bình quân của đồng bào DTTS và miền núi chỉ bằng khoảng 1/3 so với mức thu nhập trung bình của cả nước. Theo ước tính khi “chuẩn nghèo 400.000/người/tháng” được áp dụng từ năm 2011, tỷ lệ nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn sẽ tăng lên 60%, thậm chí một số nơi còn lên tới 70-75%.

 

Tốc độ giảm nghèo của đồng bào dân tộc còn chậm - 1

Bộ trưởng Giàng Seo Phử phát biểu tại hội thảo
 
Phát biểu tại cuộc hội thảo, ông Giàng Seo Phử - Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộc và Miền núi, cho biết các hoạt động xóa đói giảm nghèo của Chính Phủ Việt Nam nhìn chung khá toàn diện, bao trùm tất cả các lĩnh vực, các khía cạnh của đời sống xã hội. Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn thừa nhận sự trùng lặp về nội dung của các dự án giảm nghèo.

 

Hiện nay trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi có tới trên 50 đầu chính sách giảm nghèo và liên quan đến giảm nghèo với khoảng hơn 200 văn bản pháp lý. Trung bình mỗi xã đang triển khai khoảng 20-30 chính sách. Tuy có nhiều chính sách nhưng với mức đầu tư thấp, thiếu tập trung, nên hiệu quả tác động giảm nghèo còn thiếu bền vững, chưa tạo ra đột phá.

 

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách giảm nghèo còn chưa khuyến khích được được quyết tâm vươn lên thoát nghèo của các địa phương nghèo. Tâm lý chung của họ là vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Trong quá trình thực hiện chương trình 135 rất ít các xã xin ra khỏi diện đầu tư của chương trình.

 

Tại hội thảo, ông John Hendra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh “Công tác giảm nghèo trong thời gian tới sẽ khó khăn, phức tạp và cần nhiều kinh phí hơn giai đoạn trước và đòi hỏi phải có tư duy mới. Cần phải lưu ý rằng tình trạng đói nghèo rất đa dạng giữa các nhóm dân tộc khác nhau. Điều này cho thấy ngày càng cần có những giải pháp mục tiêu phù hợp văn hóa và bối cảnh từng vùng để có thể tiếp tục giảm nghèo và phát triển đồng bộ kinh tế, xã hội, văn hóa và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính dành cho vùng dân tộc và miền núi.”

 

Hội thảo “Giải pháp giảm nghèo nhanh và bên vững vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2011-2015” có sự tham gia của các lãnh đạo Ủy Ban Dân tộc, đại diện các bộ, ngành, Đại sứ quán một số nước tại Hà Nội, các tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước.

 

Sự kiện này nhằm chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm, phân tích thực trạng, nguyên nhân nghèo và đề xuất các giải pháp giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi, từ đó hoạch định chính sách, xây dựng các chương trình giảm nghèo, nhằm tập trung nguồn lực của Chính phủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ tạo ra bước đột phá trong công cuộc giảm nghèo ở vùng dân tộc và miền núi.
 

Gần 10.500 căn hộ cho người nghèo

 

Theo báo cáo từ Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa, trong năm qua, tỉnh đã triển khai sâu rộng chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại 7 huyện miền núi là những huyện nghèo nhất tỉnh và nằm trong 62 huyện nghèo nhất cả nước.

 

Đến nay toàn tỉnh đã đưa vào sử dụng gần 10.500 nhà ở cho hộ nghèo.

 

Tốc độ giảm nghèo của đồng bào dân tộc còn chậm - 2
Những căn nhà khang trang từ chương trình 167 của Nhà nước

 

Bên cạnh đó là việc thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách, chế độ đối với người có công. Chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào các dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đều được quan tâm đúng mức.

 

Song song với đó là việc tổ chức dạy nghề cho 53.000 lao động, giải quyết việc làm cho 55.000 lao động, trong đó có 10.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về công tác xuất khẩu lao động. Trong đó phần lớn là những lao động nông nhàn ở khu vực nông thôn, miền núi.

 

Đến nay tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương trên giảm 2,72% so với năm 2009. Thời gian tới, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm đến công tác giảm nghèo nhanh và bền vững tại các khu vực khó khăn trên. (Duy Tuyên)

 

Nam Hằng