1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tổ quốc sau những cánh buồm

(Dân trí) - Mỗi ngày, hàng vạn ngư dân Việt Nam có mặt trên biển Đông và cánh buồm của họ ghi dấu biên cương tổ quốc. Bảo tàng những “cánh buồm chủ quyền” vừa được tỉnh Quảng Ngãi đưa vào sử dụng càng khẳng định: Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.

 
Tổ quốc sau những cánh buồm - 1
Tượng đài “Hùng binh Hoàng Sa” đặt tại đảo Lý Sơn (Ảnh: Trà Ban)
 
Cánh buồm thay cột mốc biên cương
 
Trong hai năm 1951 và 1953, nhà khảo cổ học người Mỹ - Giáo sư W.G Solheim - Đại học Hawaii đã khai quật trong hang động Kalanay, đảo Masbate của Philippines và bất ngờ phát hiện ra nhiều loại gốm rất giống với các lọ chum mà nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện tại Sa Huỳnh, Việt Nam từ năm 1909.
 
Giáo sư W.G Solheim đặt tên cho dòng gốm này là “phức hệ gốm Sa Huỳnh-Kalanay”. Các cuộc khai quật khảo cổ tiếp theo tại quần đảo Trường Sa của các nhà khảo cổ học Việt Nam cũng phát hiện ra nhiều đồ gốm rất giống với gốm Sa Huỳnh và Kalanay. Vậy là, có một dòng chảy mang tên “gốm” từ Sa Huỳnh xuyên biển Đông để dừng chân tại Kalanay.
 
Những cư dân miền Trung Việt Nam từ hàng ngàn năm trước đã biết “nối mạng” với thế giới bên ngoài bằng những cánh buồm vượt trùng khơi. Trường Sa chính là điểm dừng chân của họ trong cuộc viễn du đến những chân trời mới. Đồ gốm sứ như là cái cớ để những chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh khám phá thêm một vùng đất mới, để hiểu hơn biển xanh trước mặt họ dài rộng đến nhường nào.
 
Và số cư dân này đã xem biển Đông như là chỗ đi-về sau những tháng ngày ruổi dong tứ xứ. Với họ, biển xanh kia đã là Tổ quốc từ thuở nào rồi. Chính họ đã cắm những chiếc cột mốc cho biên cương đất nước bằng những cánh buồm ngang dọc biển xanh.
 
Anh Huỳnh Thọ, quê xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi), người đã cứu sống 9 ngư dân bị “tàu lạ” tấn công trên biển Đông hồi giữa tháng 7 năm rồi, nói những điều như được chắt ra từ máu huyết lòng mình: “Chúng tôi bám biển không phải chỉ để đánh cá nuôi vợ con đâu mà còn để cho người ta biết rằng, biển Đông luôn luôn có chủ”.
 
Anh Thọ kể, mỗi lần ra khơi, trong bụng lo “tàu lạ” thì ít mà “sướng” thì nhiều. Hỏi vì sao sướng? Anh cười: “Khó nói lắm, chỉ biết trong người mình nó cứ rạo rực lên mỗi khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng bay lật phật trong nắng mai”.
 
Khái niệm Tổ quốc đối với những ngư dân như Huỳnh Thọ thật giản đơn như chính cuộc đời ngư phủ của anh. Chỉ cần nghe âm thanh “lật phật” được phát ra từ lá cờ đỏ sao vàng trong nắng mai thì cũng đã thấy “sướng” rồi, vì chính lúc đó, cột mốc biên cương của Tổ quốc lại hiện lên.
 
Tổ quốc sau những cánh buồm - 2
Dựng lại không khí trước ngày lên đường ra Hoàng Sa (Ảnh: Trà Ban)
 
Sự có mặt của những ngư phủ này trên biển Đông, nói như anh Huỳnh Thọ, không đơn thuần là để kiếm kế sinh nhai, mà còn để nói với thiên hạ rằng, những con tàu nào mà không có âm thanh “lật phật” được phát ra từ lá cờ đỏ sao vàng đều là “tàu lạ”.
 
Thọ nói: “Mình có hiện diện trong ngôi nhà của mình thì mình mới gọi người ngoài là khách chớ!”. Một “chân lý” tưởng như giản đơn nhưng hàng triệu ngư dân đã phải đánh đổi biết bao nhiêu đời, qua nhiều thế hệ, phải trả giá bằng chính mạng sống của mình nữa, mới đúc rút được.
 
Mộ gió và lính Hoàng Sa
 
Mùa hè năm ngoái, tôi có mặt tại đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đúng vào lúc dòng họ Đặng ở thôn Đồng Hộ chuẩn bị lễ cúng tiên linh ông bà trước khi giao “Tờ lệnh” cho Nhà nước.
 
Suốt đêm hôm trước ngày giao “Tờ lệnh”, những người đàn bà ở thôn Đồng Hộ gần như thức trắng để làm những loại bánh. Tôi thắc mắc: Sao trên mâm cỗ lại có bánh ít lá gai? Có cả bán thuẫn, bánh nổ và nhiều thứ bánh khác mà chỉ ở đảo Lý Sơn mới có?
 
Bà vợ ông Đặng Lên - tộc trưởng họ Đặng vỡ vạc: “Các loại bánh này  phục vụ cho lính đi Hoàng Sa. Ngày xưa, những người mẹ, người bà trên hòn đảo này làm những loại bánh ấy thay lương khô, để có thể giữ được lâu ngày trên biển mà không bị hỏng. Và các loại bánh này không bao giờ thiếu trên mâm cỗ mỗi khi giỗ lính Hoàng Sa trong các tộc họ ở đảo Lý Sơn này”.
 
Tổ quốc sau những cánh buồm - 3
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Ảnh: Trà Ban)
 
Các cuộc giong buồm ra Hoàng Sa của những chàng Kinh Kha “một đi không trở lại” nơi đảo Lý Sơn đã chấm dứt lâu rồi. Hẳn những người đàn bà trên đất đảo hôm nay không hề có chút ký ức nào trong những lần tiễn con “ra trận” từ hàng trăm năm trước, song như một sự tiếp biến vô hình từ máu huyết, họ vẫn không quên chế biến các loại lương khô từng được những người lính đi Hoàng Sa mang theo mỗi khi nhận lệnh lên đường.
 
Tổ quốc đã lặn vào trong những loại lương khô, bất chấp lớp bụi thời gian cùng những biến thiên của lịch sử đã phủ lên mình nó. Đó là một thứ cột mốc biên cương không dễ gì xô ngã vì nó đã cắm rễ sâu bền vào lòng người.
 
Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Ngãi thông báo một tin sốt dẻo: “Tỉnh đã có tờ trình lên Bộ đề nghị được công nhận “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” thành lễ hội cấp quốc gia”.
 
Không rõ khi lễ này được nâng cấp như thế thì hình thức và quy mô của nó sẽ như thế nào? Vì thực ra, dù có là cấp quốc gia hay chỉ là “cấp đảo” thì mấy trăm năm qua, người Lý Sơn vẫn duy trì lễ ấy như một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của họ.
 
Cũng như cây dâu trên đảo Lý Sơn vẫn tồn tại như một lẽ đương nhiên dù chức năng của nó ở hòn đảo này không phải là để lấy lá nuôi tằm. Hay như mộ gió vẫn cứ song hành với hai vạn dân trên đảo dù quỹ đất của Lý Sơn ngày một ít đi mà bên dưới lớp cỏ xanh rì của những hàng hàng mộ gió kia chỉ là một nắm đất sét mang tính ước lệ cho thân xác của những người lính hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ vùng lãnh hải của Tổ quốc.
 
Tổ quốc sau những cánh buồm - 4
Thả đèn trên biển trong Lễ khao lề (Ảnh: Trà Ban)
 
Ông Nguyễn Văn Toại, truyền nhân của nhiều đời dòng họ Nguyễn trên đảo Lý Sơn năm nay đã ngoài bảy mươi, ký ức nơi ông không hề lưu giữ một hình bóng nào về những cuộc đi Hoàng Sa của cha ông từ hàng trăm năm trước, song ông vẫn thuộc nằm lòng về hành trang của họ mỗi khi nhận được “Tờ lệnh” để lên đường. Này là tấm thẻ bài khắc tên người lính, này là bảy sợi dây mây, này là hai đòn tre, này đôi chiếu mới…
 
Tất cả những “hành trang” không báo hiệu một điềm lành nào ấy sẽ thành huyệt mộ của những người lính đi Hoàng Sa chẳng may hy sinh trên biển. Khi hy sinh, những người lính sẽ được đồng đội bó xác lại và thả xuống biển. Họ nhập vào lòng biển xanh và hóa thân thành những cột mốc biên cương cho Tổ quốc. Đó là thứ cột mốc mà không một thế lực hắc ám nào có thể gạch xóa được. Những cột-mốc-tượng-đài bất tử trong lòng dân.
 
Sau cơn bão, những cánh buồm khát gió lại trực chỉ phía trùng khơi xanh thẳm. Tổ quốc lại hiện lên sau mỗi cánh buồm.
 
Trà Ban