"Tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, có ảnh hưởng"

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tư pháp yêu cầu quyết liệt thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát và tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi vừa ký quyết định ban hành chương trình công tác trọng tâm trong lĩnh vực thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2023.

"Ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực. Phấn đấu nâng cao chất lượng thi hành án dân sự, tỷ lệ thi hành xong trên 82,5% về việc và trên 45,5% về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành", quyết định nêu rõ mục tiêu năm 2023.

Tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, có ảnh hưởng - 1

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi (Ảnh: An Như).

Bộ Tư pháp yêu cầu tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự và pháp luật có liên quan để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là các quy định liên quan đến rút ngắn thời gian thi hành án; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.

Chú trọng kiểm tra đột xuất, kiểm tra chuyên đề, nhất là ở địa bàn có nhiều khiếu nại, tố cáo, thông tin báo chí phản ánh để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.

100% các Cục, Chi cục thi hành án dân sự ban hành và thực hiện kế hoạch tự kiểm tra và kiểm tra. Cục Thi hành án dân sự kiểm tra toàn diện tối thiểu 1/3 số Chi cục trên địa bàn. "Xem xét, xử lý trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nơi để xảy ra vi phạm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong thi hành án dân sự", quyết định nêu rõ.

Đặc biệt, Bộ Tư pháp yêu cầu tập trung nguồn lực, thực hiện quyết liệt việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, ưu tiên thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành.

Ngành thi hành án cần chủ động phối hợp, đề nghị các cơ quan liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế, tương trợ tư pháp về hình sự từ công tác điều tra, truy tố, xét xử đến giai đoạn thi hành án để đảm bảo hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành đối với các vụ việc thu hồi tài sản cho nhà nước, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo, nhằm kịp thời chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, hạn chế sai sót, tiêu cực có thể xảy ra.

"Tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các cơ quan thi hành án dân sự", Bộ Tư pháp yêu cầu toàn ngành thi hành án.

Thu hồi tài sản tham nhũng tăng trong năm 2022

Bộ Tư pháp cho biết, kết quả thi hành án dân sự năm 2022 (1/10/2021-30/9/2022) đã xong 539.290 việc (tăng 44.785 việc), đạt tỉ lệ 82,50% với tổng số tiền thi hành xong trên 75.000 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 45,42%).

Trong đó, đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng đã thi hành xong trên 6.000 việc, thu được trên 22.000 tỷ đồng.

Đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã thi hành xong gần 1.900 việc thu được gần 16.000 tỷ đồng - tăng gần 11.900 tỷ so với cùng kỳ năm 2021.