Tổ chức, cá nhân luôn phải đối mặt với các vụ tấn công mạng
(Dân trí) - Theo tờ trình Dự án Luật An toàn thông tin cá nhân, tổ chức luôn phải đối mặt với nhiều loại hình tấn công trên mạng với mức độ ngày càng thường xuyên hơn. Hình thức tấn công chủ yếu như làm biến dạng trang tin, lừa đảo trên mạng, tấn công từ chối dịch vụ…
Ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày trước Quốc hội dự thảo Luật An toàn thông tin. Theo ông Nguyễn Bắc Son tính hai mặt của công nghệ Internet đang là thách thức đối với việc thực thi luật pháp để điều chỉnh những hành vi lợi dụng mạng Internet nhằm truyền đưa, lưu trữ, phát tán thông tin sai trái, độc hại, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Các cá nhân, tổ chức luôn phải đối mặt với nhiều loại hình tấn công trên mạng với mức độ ngày càng thường xuyên hơn. Hình thức tấn công chủ yếu như làm biến dạng trang tin, lừa đảo trên mạng, tấn công từ chối dịch vụ, phát tán mã độc hại và vi rút máy tính, phần mềm gián điệp, tấn công hệ thống ngân hàng và mạng lưới bán hàng trực tuyến, tin nhắn lừa đảo.
Việc tấn công vào các trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử và dịch vụ trực tuyến ở Việt Nam được dàn dựng bởi các nhóm tội phạm đang ngày càng phổ biến hơn, nhằm làm gián đoạn, gây thiệt hại về uy tín chính trị và kinh tế của đất nước. Các nhóm tội phạm khác nhau như: khủng bố, tình báo nước ngoài và quân đội của một số nước đang hoạt động hiện nay nhằm mục đích xâm hại lợi ích của Việt Nam trên mạng.
Từ các vấn đề trên, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam cần có các quy định pháp lý về an toàn thông tin để nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với thông lệ quốc tế bảo đảm an toàn thông tin, tạo môi trường bình đẳng cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội chỉ rõ không nên đưa vấn đề chủ quyền không gian mạng vào dự thảo Luật. Vì trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào tuyên bố chủ quyền trên không gian mạng. Hơn nữa, để thực hiện nhiệm vụ trên, dự thảo đã có các quy định về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng.
Ngoài ra, việc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng cũng được Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội chỉ rõ, trong dự thảo Luật có thể hiểu các quy định này chỉ tập trung vào việc bảo vệ các thông tin cá nhân trên mạng được nắm giữ và xử lý bởi các tổ chức, cá nhân với mục đích thương mại, kinh doanh. Còn đối với việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân nhằm các mục đích khác hoặc do các cơ quan nhà nước nắm giữ, xử lý lại chưa rõ cơ chế bảo vệ như thế nào.
Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định có tính khả thi hơn về bảo vệ thông tin cá nhân trên cơ sở Bộ luật dân sự (sửa đổi), kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Quang Phong