1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Tình tiết mới vụ kiện triệu đô của Vietnam Airlines

(Dân trí) - Kéo dài suốt 15 năm, gây bàng hoàng dư luận, chiều qua 16/3, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) khẳng định, đã phát hiện bằng chứng cho thấy phía nguyên đơn gian lận khiến hãng phải chịu bản án bất công - thua kiện tới 5,2 triệu USD.

Tình tiết mới vụ kiện triệu đô của Vietnam Airlines - 1
Máy bay của VNA (ảnh minh họa: Phúc Hưng).
 
Dấu hiệu khuất tất!
 
Trao đổi với phóng viên vào chiều 16/3, ông Nguyễn Văn Du, Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra Vietnam Airlines (VNA) đã đưa ra những tình tiết chưa từng được công bố liên quan đến vụ kiện triệu đô mà VNA đeo đuổi suốt 15 năm qua.
 
Theo đó, trong quá trình thu thập tài liệu để theo đuổi vụ kiện, VNA đã phát hiện có dấu hiệu dàn xếp giữa ông Liberati và luật sư của Công ty Falcomar nhằm mục đích trục lợi, gây tổn hại cho VNA. Điều này thể hiện ở 2 bức thư đề ngày 23/9/1996 và 13/11/1996 được cho là xuất phát từ 2 cá nhân kể trên.
 
Phát hiện này càng khiến phía bị đơn (VNA) đặt nghi vấn khi Falcomar tự tuyên bố giải thể vào năm 1998 để chuyển phần trách nhiệm sang VNA với tư cách là bị đơn thứ 2 (lời khai đơn phương của nguyên đơn và Falcomar).
 
Cùng với đó, VNA khẳng định: sau lần duy nhất nhận được giấy triệu tập của Tòa sơ thẩm Roma vào năm 1994, VNA hoàn toàn không nhận được bất cứ thông báo, giấy triệu tập tới các phiên tòa tiếp theo nào. Ngay cả bản án tháng 3/2000 của Tòa sơ thẩm Roma cũng không được tống đạt đến VNA.
 
Trong cuộc trao đổi với báo giới vào chiều 16/3, ông Du một lần nữa khẳng định việc đã ký hợp đồng đại lý bán vé máy bay với Falcomar theo mẫu của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA). Điều 2 của hợp đồng nêu rõ: VNA không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ hợp đồng nào khác với bên thứ ba do Falcomar ký kết.
 
Phía luật sư của VNA nhận định, ngày 2/4/2009 sẽ là phiên xem xét cuối cùng (Đơn đặc biệt xin hủy án) của Tòa sơ thẩm Roma liên quan tới vụ việc.
 
VNA có còn hy vọng?
 
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu VNA có khả năng thay đổi tình thế hay phải cắn răng nộp khoản thua kiện đến hàng chục triệu USD?
 
Theo nhìn nhận của một số luật sư tại Việt Nam, khả năng Tòa án Italia mở phiên tòa xét lại bản án đã được xét xử hơn 10 năm trước là “có thể” mặc dù thời hạn để các bên đương sự kháng cáo đã qua từ rất lâu.
 
Lý do bởi, dù bản án của Tòa án Rome dành cho VNA đã có hiệu lực nhưng vẫn có thể được xem xét lại theo một trình tự nào đó khi đương sự phát hiện các tình tiết mới hoặc vi phạm về thủ tục pháp lý.
 
Ngày 9/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã giao các bộ, ngành liên quan có hình thức tác động phù hợp và hỗ trợ VNA đề nghị phía Italia xét xử vụ kiện một cách công bằng, khách quan.
 
Vì sao?
 
Vụ kiện có nguồn gốc từ năm 1991 khi Tổng Công ty hàng không Việt Nam có hợp đồng chỉ định Falcomar là đại lý tại thị trường Italia.
 
Tháng 11/1994, VNA nhận được giấy triệu tập của Tòa sơ thẩm Roma và theo giấy triệu tập, ngày 30/11/1995 đại diện VNA phải có mặt tại Tòa án Roma (Italia) để tham dự phiên tòa do một luật sư người Italia mang tên Maurizio Liberati khởi kiện.
 
Đến thời điểm trên, Tòa án Rome mở phiên tòa xét xử vụ kiện giữa luật sư với Công ty Falcomar, yêu cầu công ty này phải thanh toán chi phí cho các công việc mà luật sư Liberati thực hiện. Do Falcomar là đại lý của VNA nên tòa đã triệu tập đại diện VNA tham dự tòa.
 
Phiên tòa vắng mặt đại diện của VNA bởi phía VNA cho rằng không có ràng buộc pháp lý gì. Cũng vì lý do này, VNA không biết rằng trong phiên tòa phúc thẩm năm 2000, Tòa án Roma đã tuyên VNA phải bồi thường cho ông Liberati hơn 4,8 tỉ lia, đồng thời phải thanh toán chi phí luật sư là 58,5 triệu lia (tương đương với 4,37 triệu Euro). VNA cũng không kháng cáo bản án này.
 
Năm 2002, phía nguyên đơn là luật sư Liberati yêu cầu VNA phải thanh toán số tiền trên nhưng VNA không chấp nhận do những dấu hiệu khuất tất của vụ kiện và đang tiến hành các thủ tục kháng án.
 
Phía nguyên đơn đã đề nghị thi hành án và tháng 8/2004, Ủy ban đòi nợ và Tịch biên Pháp tiến hành phong tỏa số tiền 1,3 triệu euro của VNA trong tài khoản tại Pháp.
 
VNA khởi kiện, yêu cầu Tòa án Paris giải tỏa lệnh kê biên nhưng bản án sơ thẩm ngày 28/5/2004 của Tòa án Paris đã tuyên bác yêu cầu của VNA.
 
Ngày 9/3/2006, Tòa án Paris đã mở phiên phúc thẩm tuyên bố bác yêu cầu giải tỏa kê biên của VNA, đồng thời buộc VNA phải nộp vào tài khoản cho đủ số tiền 5,2 triệu euro để thi hành bản án do Tòa án Rome xét xử.
 
Phúc Hưng