Thanh Hóa:
Tình mẹ nơi làng trẻ SOS
(Dân trí) - Hi sinh cả tuổi xuân, cống hiến cả cuộc đời của mình để sưởi ấm, xoa dịu nỗi đau cho những mảnh đời bất hạnh. Đó là mẹ Ngô Thị Sự ở làng trẻ SOS Thanh Hóa.
Gian truân vất vả
Mẹ Ngô Thị Sự sinh năm 1963, quê ở Thạch Thành, người mẹ nhiều tuổi nhất trong làng trẻ SOS, cho đến bây giờ mẹ đã gắn bỏ với làng với những người con của mình 6 năm có lẻ. Cũng như những người mẹ trong làng SOS, ai cũng chịu nỗi khó khăn vất vả, gian truân khi chăm sóc một lúc gần 10 người con, đủ mọi lứa tuổi khác nhau, nhưng có lẽ mẹ Sự là người vất vả hơn cả.
Mẹ sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo, có 7 anh chị em, ai cũng có gia đình, riêng mẹ Sự, cơ duyên đã đưa mẹ đến với làng SOS. Mẹ không nghĩ đến bản thân mình, có lẽ chính tình yêu thương con trẻ đã khiến mẹ đổi tuổi xuân của mình để ươm mầm cho những mảnh đời bất hạnh.
Hằng ngày khi chưa đến 5h sáng, mẹ phải dậy lo lắng cơm nước cho các con, chuẩn bị cho các con đến trường, tất bật làm đủ việc trong nhà, rồi lại lo nấu cơm cho các con về ăn trưa. Quần quật làm cả ngày như vậy nhưng buổi tối mẹ lại thức học bài cùng đứa lớn, dỗ đứa nhỏ ngủ nên phải đến hơn 10 giờ tối mẹ mới được nghỉ.
Mẹ Sự xúc động nhớ lại những ngày tháng vất vả: “Tôi vẫn còn nhớ vào một ngày cuối tháng 4, mưa và rét, tôi được nhận trách nhiệm nuôi một cháu mới được sinh sau gần 3 tiếng đồng hồ và bị bỏ rơi, làng đã nhận cháu về nuôi và giao cho tôi chăm sóc cháu, lúc đó tôi rất lo không biết có đủ khả năng không vì đây là lần đầu tiên tôi nuôi trẻ sơ sinh”.
Những ngày đầu làm mẹ của người phụ nữ độc thân, chưa một lần sinh con, chưa từng chăm sóc trẻ nhỏ, nay phải chăm đến gần chục đứa trẻ rồi lại thêm một đứa mới lọt lòng, hẳn ai cũng hiểu được nỗi vất vả lớn đến nhường nào. Những đêm con ốm, quấy khóc, mẹ vẫn kiên trì nhẫn nại thức trắng trông con. Có lẽ trái tim khao khát con trẻ của người phụ nữ chưa một lần được làm mẹ là động lực để mẹ Sự dành tình “mẫu tử” một cách trọn vẹn cho những đứa con nuôi của mình.
Ông Phan Văn Ẩm, Giám đốc làng trẻ SOS tâm sự: “Phải có trái tim biết yêu thương và lòng nhiệt huyết vô bờ bến mới có thể vượt qua những khó khăn, gian khổ khi nuôi những đứa trẻ bất hạnh này”.
Với mẹ Sự, nỗi vất vả không chỉ có thế, khi đứa con mẹ Sự nhận nuôi là Lưu Thị Lan, sau một thời gian nhận về nuôi đã bị bệnh nặng. Mấy năm liền mẹ theo con hết lên bệnh viện Nhi Thanh Hóa đến bệnh viện Nhi Trung ương để chăm sóc con, có những khi phải ở lại chăm con cả nửa tháng trời ở bệnh viện. Các con chính là niềm vui là hạnh phúc là nguồn động viên an ủi của mẹ nên dù khó khăn vất vả mẹ vẫn cố gắng vượt qua.
Nếu được chọn lại, mẹ vẫn chọn các con
Gắn bó từ những ngày đầu thành lập làng, 6 năm qua, gần 10 người con đều được đích thân mẹ Sự đưa đón đi học, chăm lo cho từng bữa cơm, giấc ngủ, đêm đêm mẹ lại cùng các con học bài, mỗi khi con đau, con ốm mẹ lại thức trắng đêm lo lắng. Từ bao giờ mẹ quên rằng các con từ đâu đến, mẹ chỉ biết chăm sóc các con, nuôi nấng các con như chính những đứa con ruột thịt của mình. Con của mẹ lần lượt khôn lớn trưởng thành, chỉ có mẹ thì già đi, nỗi vất vả càng nhiều hơn khi tuổi già sức yếu nhưng tình thương yêu và sự chăm sóc các con thì vẫn vẹn nguyên như thế.
Giờ đây, trong gia đình nhỏ bé của mẹ có 8 người con, đứa con nhỏ nhất của mẹ Sự cũng đã được 3 tuổi còn đứa lớn nhất đã 16 tuổi.
“Xác định vào đây là vất vả, nhưng nhìn các con khoẻ mạnh, chăm ngoan, học giỏi đó là nguồn động viên để mình vượt qua tất cả. Niềm vui của mình là các con, hạnh phúc mỗi ngày của mình cũng từ các con. Các con chính là nơi mình tìm về sau những nỗi niềm riêng trong cuộc sống. Vì thế nếu được chọn lại lần nữa mình vẫn chọn con đường đến với các con”, mẹ Sự nói trong xúc động.
Hiện tại, làng trẻ SOS Thanh Hóa có tất cả 14 ngôi nhà, trong 14 ngôi nhà ấy có 147 đứa con, 147 đứa con lớn bé nhưng chỉ có 17 mẹ và dì nuôi dưỡng và chăm sóc. Thầm cảm phục biết bao những người mẹ, người dì ở đây cũng như mẹ Sự, đang thầm lặng hi sinh cuộc đời mình để bù đắp, xoa dịu nỗi đau cho những mảnh đời bất hạnh.
Nguyễn Thùy - Duy Tuyên