1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Nam:

Tỉnh cho nhà máy cồn hoạt động lại sau 6 tháng “tê liệt”, dân chưa thông

(Dân trí) - UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đồng ý cho nhà máy cồn Đại Tân hoạt động trở lại sau 6 tháng bị "tê liệt"; tuy nhiên người dân vẫn chưa đồng ý.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa đồng ý cho phép nhà máy sản xuất cồn Đại Tân (đóng tại xã Đại Tân, huyện Đại Lộc) được hoạt động trở lại kể từ khi xảy ra sự cố tràn dầu fusel (dầu fusel là sản phẩm chiết xuất từ quá trình sản xuất cồn, khi phát tán ra môi trường sẽ gây mùi hôi) tại nhà máy này vào tháng 9/2019.

Tỉnh cho nhà máy cồn hoạt động lại sau 6 tháng “tê liệt”, dân chưa thông - 1
Tỉnh cho nhà máy cồn hoạt động lại sau 6 tháng “tê liệt”, dân chưa thông - 2

Người dân dựng lều trước cổng nhà máy cồn Đại Tân phản đối vì để xảy ra ô nhiễm

Chính quyền tỉnh Quảng Nam yêu cầu đơn vị quản lý nhà máy phối hợp với UBND huyện Đại Lộc, UBND xã Đại Tân tiến hành mở van xả nước tại hồ sinh học, khơi thông đường ống thoát nước mưa của nhà máy để thoát nước trong nhà máy, tránh để tràn ra môi trường gây mất mỹ quan; thực hiện đúng và đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá môi trường đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt và các quy định khác về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.

Đồng thời, tiếp tục rà soát các biện pháp bảo vệ môi trường (đặc biệt là các biện pháp phòng ngừa sự cố) trong quá trình hoạt động của nhà máy, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thời gian hoạt động trở lại.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo Công an huyện Đại Lộc bám sát địa bàn tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện các hành vi cố ý vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; có giải pháp ngăn chặn kịp thời các phản ứng tiêu cực của nhân dân gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Sáng 21/2, trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo nhà máy cồn Đại Tân cho hay, dự kiến trong tuần tới nhà máy sẽ hoạt động trở lại. Chiều qua (20/2), chính quyền địa phương đã tổ chức thông báo cho người dân ở khu vực nhà máy biết về quyết định cho nhà máy hoạt động trở lại theo văn bản của tỉnh nhưng một số hộ dân vẫn chưa “thông”.

Để nhà máy hoạt động trở lại, đơn vị cũng cam kết 6 nội dung. Theo đó, nhà máy cam kết cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 44 hộ dân; chi tiền hỗ trợ hàng tháng cho các hộ dân này với mức 300 ngàn đồng/tháng; chỉ sử dụng đường ống bằng kim loại, cố định qua các trạm cấp phát dầu fusel vào xe bồn…

Đặc biệt, Công ty CP nhiên liệu sinh học Tùng Lâm (đơn vị sở hữu nhà máy) cam kết tuyệt đối không để xảy ra các sự cố môi trường tương tự để ảnh hưởng đến bà con nhân dân và chính quyền địa phương, nếu để tiếp tục xảy ra sự cố tràn dầu fusel hoặc có phát hiện đường ống ngầm xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường thì Công ty sẽ tự nguyện đóng cửa nhà máy.

Như Dân trí đã phản ánh, khoảng 2h ngày 19/9/2019, do lỗi của công nhân vận hành quá trình chiết xuất dầu fusel làm cho một lượng dầu tràn ra khu vực kho chứa có tường đê chống tràn bao quanh. Khi dầu tràn ra gặp trời mưa nên dầu rò rỉ theo vết nứt của tường bao ra khu vực hồ sinh thái phía trong khu vực nhà máy.

Ngay khi phát hiện sự cố, nhà máy đã cho cô lập, đóng các cống xả, chặn các vị trí không cho dầu tràn ra môi trường bên ngoài; đồng thời huy động công nhân thực hiện biện pháp thu hồi dầu bị rò rỉ, chứa vào các can nhựa kín để đưa về khu vực sản xuất và chiết tách lại.

Sự cố tràn dầu fusel đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của các hộ dân sống xung quanh nhà máy nên ngay sáng 19/9/2019, người dân đã bao vây khu vực nhà máy cồn Đại Tân. Nhà máy đã gặp gỡ người dân, giải thích về tình hình sự cố rò rỉ dầu fusel cũng như cam kết khắc phục sự cố trong thời gian ngắn nhất.

Bên cạnh đó, các ban, ngành của địa phương đã đến kiểm tra hiện trường, lấy mẫu nước thải, khí thải và cùng với lãnh đạo nhà máy tổ chức họp dân để lắng nghe ý kiến của người dân, giải thích những vấn đề liên quan đến sự cố nhằm ổn định tình hình.

Tuy nhiên, người dân vẫn tiếp tục bao vây và đến chiều cùng ngày đã cho dựng lều ở các cổng ra vào nhà máy, bố trí người tập trung trước cổng nhà máy cản trở không cho xe phục vụ sản xuất kinh doanh ra vào nhà máy, không cho ở công nhân lao động đến làm việc tại nhà máy, cản trở việc xe giao thực phẩm vào nhà máy để chế biến thức ăn cho công nhân khiến nhà máy cồn Đại Tân bị “tê liệt”.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm