Tình cảm đặc biệt của Bác Hồ với Thanh Hóa
(Dân trí) - Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thanh Hóa luôn là địa phương được Người quan tâm, dành tình cảm đặc biệt và mong muốn “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”.
Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang ra sức thi đua, phấn đấu lập thành tích chào mừng kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2019); 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và 50 năm ngày mất của Người (2/9/1969 -2/9/2019).
Sinh thời Người đã nhiều lần trực tiếp về thăm cũng như gửi thư thăm hỏi, đông viên, biểu dương những thành tích của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hoá làm được trong sản xuất và chiến đấu.
Bốn lần Bác về quê Thanh
Giữa lúc cả nước đang bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, dù đường sá xa xôi đi lại khó khăn, nguy hiểm nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định về thăm Thanh Hóa.
Sáng ngày 20/2/1947, Bác Hồ đã có mặt tại núi Rừng Thông (nay là thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn) để nói chuyện với cán bộ chủ chốt, thân sĩ trí thức, các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa.
Bác nói chuyện với hơn 1 vạn các đại biểu tầng lớn nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, bà con Hoa kiều, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc tại sận vận động thị xã Thanh Hóa ngày 13/6/1957 (Ảnh: tư liệu)
Tại đây, Bác bày tỏ mong muốn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh xây dựng tỉnh nhà thành một tỉnh “kiểu mẫu”. “Thanh Hoá muốn trở thành một tỉnh “kiểu mẫu” nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt. Xây dựng tỉnh “kiểu mẫu” trên mọi mặt phải bắt đầu từ cá nhân mỗi người trước, làm một người “kiểu mẫu”, một nhà “kiểu mẫu”, một làng “kiểu mẫu”, một huyện “kiểu mẫu”, một tỉnh “kiểu mẫu…” – lời Bác nhắn nhủ.
Mười năm sau, ngày 13/6/1957, Thanh Hóa tiếp tục vinh dự được đón Bác về thăm. Lần này, đã có gần 4.000 đại biểu và các tầng lớn nhân dân hân hoan chào đón Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi và đánh giá cao công lao to lớn của nhân dân tỉnh này trong vai trò là “hậu phương lớn” của cuộc kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại buổi nói chuyện Bác khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Bác cùng ngư dân Sầm Sơn đánh cá. (Ảnh: tư liệu)
Lần thứ 3 về với Thanh Hóa, Bác đã chọn Sầm Sơn là điểm đến. Tại đây, Người đã hòa mình với thiên nhiên, cùng ngư dân kéo lưới. Nói chuyện với cán bộ và nhân dân Sầm Sơn, Bác căn dặn “Nếu nơi đây có một hệ thống du lịch khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây”.
Khắc ghi lời Bác, Sầm Sơn đã từng bước vươn mình và hiện trở thành một trong những địa điểm du lịch biển nổi tiếng nhất cả nước, hàng năm đón hàng triệu lượt du khách về tham quan, nghỉ mát.
Hình ảnh Bác Hồ về thăm HTX Yên Trường (Yên Định) năm 1961. (Ảnh: tư liệu)
Hơn một năm sau, ngày 11/12/1961, Bác về Thanh Hóa và tới thăm HTX Nông nghiệp tiên tiến Yên Trường (xã Yên Trường, huyện Yên Định), là lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp của huyện và tỉnh. Đây là địa phương có các phong trào thi đua lao động, sản xuất được Trung ương khen ngợi, đánh giá cao.
Trong lần về thăm này, Bác đã chuyện trò rất thân mật với lãnh đạo xã, bà con nông dân, Bác thưởng huy hiệu có in hình của Người cho những nông dân xuất sắc, có thành tích trong lao động, sản xuất. Bác cổ vũ bà con nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, coi hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ, ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội. Rồi Bác nói sẽ tặng nhân dân Yên Trường một chiếc máy cày.
Lần cuối cùng về thăm Thanh Hóa, Bác đã tới thăm nói chuyện với công nhân nhà máy cơ khí Thanh Hóa. (Ảnh: tư liệu)
Bác Hồ tại buổi lễ mít tinh ngày 1212/1961 trước sự cổ vũ reo hò của 40.000 quân, dân tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là lần cuối Bác về với đất và người xứ Thanh trước khi về cõi vĩnh hằng (Ảnh: Tư liệu).
Phấn đấu làm theo mong ước của Người!
Thấm nhuần lời dạy và Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã hoạch định những đường hướng, lộ trình cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế. Với sự đồng lòng, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, từ một tỉnh nghèo, Thanh Hóa đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu trên mặt trận kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Đến nay, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hóa đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đến nay, Thanh Hóa đã trở thành địa phương đứng đầu khu vực Bắc miền Trung trong lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu với giá trị tăng trưởng bình quân 15%/năm.
Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hóa đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. (Ảnh: Một góc TP Thanh Hóa ngày nay)
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Sản lượng lương thực hàng năm ổn định ở mức 1,6 triệu tấn. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp đạt kết quả khả quan.
Nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao đã và đang được triển khai. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Đến nay, đã có 2 huyện, 312 xã và 783 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Thanh Hóa hiện đã đón tàu hàng container quốc tế vào Cảng Nghi Sơn, hứa hẹn trở thành trung tâm logictics của khu vực. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Nhiều dự án sản xuất, hạ tầng lớn đã hoàn thành và đưa vào vận hành, sử dụng, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm Thanh Hóa có khoảng 3.000 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 14.814 doanh nghiệp.
Không chỉ một điểm nhấn Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD, đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước, mà đó còn là sự hiện diện của hàng loạt các dự án công nghiệp sau lọc hóa dầu, cùng hàng loạt các dự án đang thi công ngày đêm ở Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Bình Minh