1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tìm “thuốc” trị tội phạm công nghệ cao

(Dân trí) - 42 vụ án "công nghệ cao” gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng và 11,3 triệu USD đã bị phanh phui thời gian qua. Tuy nhiên, cảnh sát kinh tế mới khởi tố được 35 vụ, thu hồi 120 tỷ đồng vì xử lý tội phạm mạng đang thiếu nhiều… “thuốc”.

Bộ Công an vừa tổ chức hội thảo về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, đầu tư tài chính trên mạng Internet. Lực lượng CSĐT tội phạm kinh tế, các nhà khoa học, quản lý, tư pháp cùng tham gia “hiến kế”.

“Vòi bạch tuộc” từ nước ngoài

Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15) - Bộ Công an cho biết, số vụ việc phạm tội công nghệ cao vẫn ngày càng gia tăng, nhất là lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, đầu tư tài chính và kinh doanh trên mạng.

Đã có tình trạng nhiều người nước ngoài vào Việt Nam sử dụng hộ chiếu, thẻ tín dụng giả để thanh toán các dịch vụ khách sạn, mua vé máy bay, chiếm đoạt tiền, hay ăn cắp thông tin cá nhân trong tài khoản in thẻ giả lấy trộm tiền, tấn công vào các trang web bán hàng trên mạng lấy tài khoản bán kiếm lời.

Cuối năm 2007 là thời điểm những đối tượng lừa đảo dưới dạng đầu tư tài chính đa cấp qua mạng hoành hành. Nhiều mạng đầu tư như Colony, Call Invest… được mở để tuyên truyền quảng cáo tiếp thị hoạt động đầu tư tài chính cho các công ty ở nước ngoài, “hút” tiền đầu tư của nhiều người dân ở hang chục tỉnh thành.

Khi 2 mạng đầu tư tài chính lừa đảo này bị sập, 12 đối tượng bị bắt giam, số tiền chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng thì rất nhiều nạn nhân cũng đã trắng tay với chiêu lừa “mới toe”.

Cơ quan quản lý cũng xác nhận, lĩnh vực chứng khoán đã xuất hiện hoạt động thao túng trên thị trường như: thông đồng cấu kết, cùng lúc vừa đặt lệnh mua vừa đặt lệnh bán với khối lượng lớn chứng khoán nhằm thao túng giá, “đột nhập” website sửa các thông tin về doanh nghiệp, làm cho nhà đầu tư ngộ nhận dẫn đến quyết định đầu tư sai lầm… Từ năm 2007 đến nay, Thanh tra Uỷ ban chứng khoán đã phát hiện, xử lý hành chính 125 vụ.

“Bắt bệnh” tội phạm công nghệ

Khó chống lại nhiều loại tội phạm mới xuất hiện, thủ đoạn hoạt động tinh vi khi hệ thống CNTT trong các ngân hàng, doanh nghiệp còn lạc hậu, nhất là trong vấn đề bảo mật thông tin đối với hệ thống mạng, tạo điều kiện “phát dịch”.

Cơ quan công an cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu thu thập, củng cố chứng cứ định tội danh như: trang web bị đánh sập, công ty đăng ký kinh doanh tại nước ngoài (khó xác minh), tội phạm là người nước ngoài (không đủ cơ sở pháp lý), không xác định được nhân thân người phạm tội (do cơ quan quản lý nước ngoài không hợp tác), không xác định được người bị hại (chủ tài khoản ở ngân hàng nước ngoài), không chứng minh được ý thức chủ quan của hành vi gian dối, đối tượng cầm đầu người nước ngoài đã bỏ trốn khỏi Việt Nam…

Bộ luật Tố tụng hình sự, cũng như các văn bản hướng dẫn cũng chưa quy định về vấn đề chứng cứ điện tử.

Tuy nhiên Giám đốc trung tâm An ninh mạng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Tử Quảng lại cho rằng, bản chất của tội phạm công nghệ cao gắn với công nghệ, nếu nắm được công nghệ sẽ xử lý được, thậm chí còn dễ hơn vụ án thông thường vì tội phạm luôn để lại dấu vết trên mạng.

Theo ông Quảng, quan trọng hiện nay vẫn là cản trở của hành lang pháp lý. "Dùng công nghệ có thể chứng minh 100% người này vi phạm, chỉ ra họ ở đâu, tên là gì nhưng những chứng cứ điện tử đó không dễ được chấp nhận và cơ quan điều tra phải chuyển hoá thành những chứng cứ thông thường, mất thời gian ảnh hưởng đến tiến độ điều tra" - ông Quảng phân tích những “cái khó”.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm nhấn mạnh: Bộ coi trọng giải pháp phòng ngừa là chính, chủ động phát hiện và ngăn chặn từ đầu các hành vi vi phạm.

Để xử lý nghiêm những hành vi cố tình vi phạm cũng cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế thực thi trong phối hợp giữa các bộ, ngành, các lực lượng liên quan để phòng ngừa, đấu tranh đạt hiệu quả cao hơn. Các giải pháp đề xuất sẽ được Bộ tập hợp, báo cáo Chính phủ.

P.Thảo