Tìm mọi cách để ứng phó khi bão số 4 sắp đổ bộ
(Dân trí) - Để ứng phó với bão số 4, tại các địa bàn của tỉnh Nghệ An, Quảng Trị... người dân hối hả tìm mọi biện pháp để chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền về nơi trú bão...
Tại Nghệ An, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh này, trên địa bàn tỉnh này hiện còn 1.355 tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Tất cả các tàu đều đã nắm bắt được thông tin về cơn bão số 4 để phòng tránh.
Nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 4, các địa phương trên toàn tỉnh Nghệ An chấp hành nghiêm túc Công điện số 12 của Trung ương, 2 công điện của tỉnh này về phòng, chống bão số 4. Hiện, người dân vùng ven biển đang khẩn trương “chạy đua” với bão để bảo vệ tài sản của gia đình.
Ngư dân đã neo đậu tàu thuyền ở khu vực an toàn.
Ghi nhận tại thị xã Cửa Lò, hiện có tổng số 260 tàu thuyền, trong đó 170 tàu có công suất dưới 90 CV, chủ yếu đánh bắt gần bờ. Hiện các tàu này đang trên đường quay trở về. Dự kiến, vào rạng sáng 30/8, các tàu sẽ về bờ đầy đủ. Tất cả các tàu đã nhận lệnh không được phép ra khơi từ ngày mai.
Đối với 90 tàu có công suất trên 90 CV (50 chiếc dưới 400 CV đánh ở vùng lộng, gần bờ, 40 chiếc trên 400 CV đánh xa bờ), hiện nay, thị xã Cửa Lò đã ra thông báo và yêu cầu chủ tàu đưa tàu quay trở về bờ để tránh trú.
Người dân gia cố mái tôn trước khi bão vào.
Dự kiến trong ngày 30/8, 100% số tàu thuyền sẽ về đến nơi để neo đậu an toàn. Tất cả tàu thuyền hiện vẫn giữ liên lạc ổn định.
Tại huyện Quỳnh Lưu, hiện có gần 1.200 phương tiện tàu thuyền, trong đó có hơn 900 tàu đánh bắt xa bờ của bà con ngư dân các xã Tiến Thủy, Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa, Sơn Hải đã và đang trên đường vào bờ.
Tranh thủ đưa thuyền thúng vào bờ để tránh bão.
"Riêng các phương tiện đã về bờ, huyện yêu cầu các lực lượng xuống khu vực neo đậu tàu thuyền để kiểm tra và hướng dẫn ngư dân cách neo đậu, tránh va đập tàu thuyền khi có sóng to, gió lớn. Với những phương tiện đang trên đường di chuyển vào bờ, tỉnh yêu cầu Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận tiếp tục gọi điện để cập nhật tình hình, đồng thời yêu cầu các tổ hợp tác khai thác trên biển báo tin cho nhau, không được để phương tiện nào ở lại ngư trường đánh bắt".
Bắt đầu từ 5h sáng 29/8, UBND tỉnh Nghệ An sẽ ra lệnh cấm biển đối với các tàu thuyền ra khơi.
Tàu cá cùng 16 ngư dân chờ cứu nạn khẩn cấp trên biển
Chiều 29/8, thông tin từ UBND thị xã Cửa Lò, Nghệ An cho biết, các lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Hải đội 2, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An đã xuất phát từ cảng Cửa Hội ra tiếp cận hiện trường tàu cá bị chết máy trên biển.
Trước đó, vào khoảng 4h sáng cùng ngày, tàu cá mang số hiệu NA 95688 TS, do ông Bùi Ngọc Kiên (42 tuổi, ngụ xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm thuyền trưởng đang hoạt động tại khu vực cách biển Hà Tĩnh khoảng 60 hải lý thì bị hỏng máy, rò nước có nguy cơ bị chìm. Thời điểm này trên tàu có 16 ngư dân.
Các thuyền viên trên tàu đã cố gắng khắc phục nhưng không thể sửa chữa, khắc phục được. Trước tình thế nguy cấp, để kịp thời tránh bão và cứu nạn các thuyền viên và tàu cá, chủ tàu đã phát lệnh khẩn cấp, liên lạc với lực lượng biên phòng.
Đến trưa nay, lực lượng cứu nạn đã tiếp cận được tàu cá bị nạn và dự kiến lai dắt về đất liền trong đêm.
Nguyễn Tú
Tại huyện Diễn Châu có 1.546 tàu thuyền, trong đó có 280 tàu công suất trên 90 CV, do đó phần lớn tàu thuyền của địa phương đánh bắt gần bờ, hiện nay đã vào bờ neo đậu tránh bão số 4 một cách an toàn.
Trao đổi với PV, ông Tăng Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: “Thực hiện công điện về phòng, chống cơn bão số 4 của tỉnh, từ chiều nay (29/8), huyện Diễn Châu cấm biển đối với tất cả các tàu thuyền. Đối với số tàu công suất trên 90 CV đang hoạt động trên biển, các địa phương đã liên lạc, yêu cầu về đất liền trong ngày 29/8...”.
Trong một diễn biến khác, chiều tối cùng ngày tại địa bàn huyện Anh Sơn xuất hiện lốc xoáy đã làm hàng chục ngôi nhà, cây cối gãy đổ gây thiệt hại nặng nề cho người dân.
Lốc xoáy gây thiệt hại lớn tại huyện miền núi Anh Sơn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo, từ sáng sớm đến trưa mai (30/8), bão số 4 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Tại Quảng Trị, trước nguy cơ bão số 4 đổ bộ có thể gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất, người dân tỉnh này đang nỗ lực phòng, chống bão. Các tàu thuyền hoạt động ngoài khơi bắt được liên lạc đã vào bờ trú ẩn.
Ghi nhận của PV Dân trí, chiều 29/8, ngư dân vùng biển các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong... đã đưa tàu vào bờ neo đậu. Bà con ngư dân đã thực hiện các biện pháp đưa tàu, thuyền lên bờ, buộc ngư lưới cụ để đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại do mưa bão gây ra.
Chủ tịch tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống bão.
Ông Bùi Xuân Chiến, xã Gio Hải, huyện Gio Linh cho biết, trước thông tin dự báo bão có khả năng đổ bộ, chính quyền và các ngành chức năng đã động viên ngư dân đưa tàu thuyền vào bờ, bảo quản ngư lưới cụ để giảm thiệt hại. Hiện hầu hết bà con tại địa phương đã neo thuyền an toàn trên bờ.
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh có 2.303 tàu cá với 7.061 thuyền viên hành nghề. Hiện toàn bộ các tàu cá của tỉnh Quảng Trị đang hoạt động trên biển đã nhận được thông tin và tìm nơi tránh trú bão an toàn.
Các tàu, thuyền neo đậu an toàn tại cảng Cửa Việt.
Ngư dân đưa ngư lưới cụ lên tàu để bảo quản.
Ngày 29/8, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xuất hiện mưa lớn trên diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến cả đợt 150 – 250 mm. Mưa lớn khiến các sông suối trên địa bàn có khả năng xuất hiện lũ với đính lũ từ báo động 1 – báo động 2, nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt là rất lớn.
Trong chiều 29/8, ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng các đơn vị liên quan đã đi kiểm tra công tác ứng phó bão số 4. Đoàn đã có mặt tại đập Nam Thạch Hãn – nơi đang nâng đập để sửa chữa các hạng mục xuống cấp.
Chủ tịch tỉnh Quảng Trị kiểm tra đập Nam Thạch Hãn.
Theo nhận định, nếu mưa lớn trong vòng khoảng 2h đồng hồ, tại đây có nguy cơ xuất hiện lũ, đe dọa đến hàng nghìn hộ dân ở hạ lưu.
Để ứng phó với bão số 4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 13 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, triển khai ứng phó với bão số 4. Tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, triển khai quyết liệt việc sắp xếp đảm bảo an toàn tàu thuyền tại các nơi neo đậu.
Người dân cố định các bè cá để tránh hư hại.
Người dân vùng bãi ngang neo đậu tàu, thuyền.
Ngư dân đưa thuyền vào nơi an toàn tránh bão.
Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho tàu và khách du lịch trên đảo Cồn Cỏ. Rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, vùng thấp trũng, khu vực ngập úng đô thị để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi cần thiết.
Gánh thuyền lên bãi cát để tránh hư hỏng.
Các địa phương triển khai tổ chức thu hoạch nhanh lúa vụ Hè Thu 2019, hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”. Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Công an tỉnh, Sư đoàn 968… chuẩn bị lực lượng, phương tiện thường trực để sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ sơ tán dân khi có lệnh điều động. Công an tỉnh triển khai lực lượng hướng dẫn giao thông, chốt chặn, nghiêm cấm người qua lại ở các khu vực nguy hiểm như bến đò, khu vực sạt lở đất, lũ quét, ngầm tràn… Các đơn vị, địa phương chủ động kiểm tra, rà soát, triển khai các biện pháp an toàn hồ đập, tổ chức gia cố các vị trí đê, kè có nguy cơ mất an toàn (nếu có); bố trí phương tiện, vật tư để chủ động xử lý khi có sự cố, bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
51 tàu cá ngư dân Bình Định đang ở khu vực nguy hiểm
Chiều 29/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện còn 51 tàu đang ở khu vực nguy hiểm. Hiện, tất cả các tàu đang neo đậu tránh, trú bão tại quần đảo Hoàng Sa.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 4, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố ven biển đã phối hợp với gia đình chủ tàu thông báo vị trí, hướng di chuyển của bão để tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết, chủ động phòng tránh.
Liên quan đến tình hình tàu thuyền bị nạn, lúc 7h ngày cùng ngày (29/8), tàu cá BĐ 94204 TS, công suất 360CV, trên tàu có 3 thuyền viên do ông Huỳnh Thạnh (ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) làm chủ. Khi tàu đang hoạt động ở vùng biển có tọa độ 17003’N - 108010’E, thì bị hỏng máy thả trôi theo hướng 90 độ, tốc độ trôi 1,2 hải lý/giờ.
Nhận được tin báo, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh, Phòng Nông nghiệp huyện Phù Mỹ, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn xác minh thông tin, phối hợp với gia đình chủ tàu duy trì liên lạc, kêu gọi các tàu trong tổ đội và các tàu hoạt động trong khu vực hỗ trợ tàu bị nạn.
Trước đó, tàu cá BĐ 98032 TS, công suất 430CV, trên tàu có 8 người, chủ tàu kiêm thuyền trưởng là ông Nguyễn Văn Bình (ở xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn) bị phá nước.
Theo đó, lúc 10h30’ ngày 28/8, khi tàu đang hoạt động ở vùng biển có tọa độ 120 47’N - 111025’E (cách Nha Trang 134 hải lý theo hướng Đông Bắc) thì gặp sự cố. Các thuyền viên nỗ lực khắc phục, đến 7h20’ sáng nay (29/8) tàu bị nạn đã tự khắc phục sự cố. Dự kiến, ngày 30/8 tàu sẽ chạy về đến bờ.
Trong khi đó, tàu BĐ 96863 TS, công suất 804CV, có 9 thuyền viên, chủ tàu kiêm thuyền trưởng là ông Đỗ Văn Rằng (ở xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn) bị hỏng máy thả trôi tự do ở vùng biển Đông Nam cách TP Quy Nhơn 135 hải lý. Hiện đang được tàu cá trong tổ đội tiếp cận lại dắt kết hợp đánh bắt, nên chưa về bờ.
Doãn Công
Duy Tú - Đăng Đức