1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tìm “khoá” chỉnh quy định cho Việt kiều mua nhà

(Dân trí) - Dự thảo sửa đổi luật để mở hơn với việc cho Việt kiều mua nhà đất vừa được đưa ra bàn thảo rộng rãi tại các Ủy ban, Hội đồng dân tộc của Quốc hội lại vấp nhiều “tâm tư”. Nhiều đại biểu lo ngại nội dung dự luật “nhầm” mục đích…

Tìm “khoá” chỉnh quy định cho Việt kiều mua nhà - 1
Chung cư hay nhà ở gắn liền với đất, có hay không giới hạn số lượng được mua là những nội dung còn nhiều băn khoăn.

Theo dự thảo luật sửa đổi điều 126 Luật nhà ở và điều 121 Luật đất đai, Việt kiều được mua nhà được nới tay hơn nhiều cả về diện đối tượng, về điều kiện và về quyền sở hữu. Những người còn quốc tịch Việt Nam, có giấy phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên hoặc người gốc Việt Nam thuộc các trường hợp là nhà văn hóa, nhà khoa học, người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu, người kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước đều được mua nhà đất không giới hạn số lượng.

Những Việt kiều không thuộc các trường hợp trên, nếu được miễn thị thực và đang tạm trú hợp pháp trong nước có giới hạn quyền sở hữu một căn nhà riêng lẻ hoặc một căn hộ.

Tại hội nghị các Ủy ban của Quốc hội sáng nay, 10/3, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo đặt câu hỏi, sửa luật với mục đích đẩy mạnh, kích cầu thị trường nhà đất hay để tạo điều kiện về chỗ ở cho Việt kiều về nước đầu tư, làm ăn… Ông Thảo cho rằng, nếu “đèo” thêm mục đích kinh tế thì quy định mới hợp lý, không thì cần cài “khóa” chặt chẽ hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng dự thảo luật “hở sườn”. Theo quy định, có tới 4 loại giấy tờ khác nhau để chứng minh việc còn quốc tịch Việt Nam trong khi dự thảo luật sửa đổi chỉ bám theo hộ chiếu, “hổng” các cửa khác. Khái niệm người gốc Việt Nam theo ông Lý vẫn “lùng nhùng”, gồm cả nhóm người kết hôn với công dân Việt Nam là không đúng.

Đại diện cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thừa nhận việc liệt kê người gốc Việt Nam bao gồm các đối tượng như dự luật không chặt chẽ. Nhóm người kết hôn với công dân Việt Nam cũng cần sửa thành người có vợ/chồng là người Việt Nam để tránh nhầm lẫn.

Theo các tiêu chí này, hiện có hơn 2/3 triệu người Việt định cư tại nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam, trong đó, khoảng 750.000 người được cấp hộ chiếu. Điều kiện ràng buộc về hộ chiếu cũng được Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại, đại sứ Ngô Quang Xuân chỉ ra là ít ý nghĩa vì thực tế, khi đã có quốc tịch thì việc cấp hộ chiếu khá dễ dàng.

Ông Xuân cũng nhìn nhận, kiều bào về nước, nếu không phải là mua một nhà để ở thì nghĩa là mua để buôn bán, đầu cơ. Hoạt động này phải xem xét, điều chỉnh ở Luật kinh doanh bất động sản.

Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết nêu thẳng quan điểm, nếu luật xây dựng vì mục đích tạo điều kiện cho kiều bào về nước làm ăn có chỗ ở ổn định thì quy định được quyền sở hữu một nhà ở là đủ. “Nới quyền” rộng rãi rồi sau này lại phải bàn chuyện thít lại là việc làm… ngược.

Còn nếu vì mục đích kích cầu thị trường bất động sản trong nước, ông Thuyết cho là một giải pháp không bền vững, không nên đưa thành luật để sau một thời gian lại phải sửa.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định rành rọt: Luật sửa đổi này là để tạo điều kiện cho kiều bào có nhu cầu nhà ở mua nhà để có chỗ cư trú ổn định tại Việt Nam.

P.Thảo