1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Khe Sanh - Quảng Trị (9/7/1968-9/7/2018):

Tìm đồng đội giữa trùng điệp rừng xanh

(Dân trí) - Hơn 15 năm tiến hành tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 đã quy tập hàng trăm mộ liệt sĩ đưa về an táng tại nghĩa trang, làm tròn trách nhiệm với những người đã anh dũng hy sinh, góp phần làm ấm lòng những thân nhân liệt sĩ.

Những chuyến đi nặng nghĩa tình

Chuẩn bị xong các vật dụng cần thiết, các cán bộ, chiến sĩ Đội quy tập hài cốt liệt sĩ Đoàn 337 lại lên đường. Điểm đến của hành trình là ngọn đồi thuộc thôn Coóc, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.

Như bao cuộc tìm kiếm trên dải đất này, các chiến sĩ mang hy vọng sẽ tìm thấy và đưa được thật nhiều hài cốt liệt sĩ về an táng. Thế nhưng, sau 50 năm kể từ khi bom đạn ngừng rơi trên mảnh đất này, các dấu vết dường như bị xoá và công việc tìm kiếm chưa hề dễ dàng.

Trách nhiệm với đồng đội, với thân nhân liệt sĩ đã khuất trở thành động lực thôi thúc bước chân của các chiến sĩ trong đội tìm kiếm.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 thực hiện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Hướng Linh
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 thực hiện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Hướng Linh

Dựa vào nguồn thông tin người dân cung cấp, cùng với việc tra cứu dữ liệu, hồ sơ, bản đồ, khảo sát địa hình, các cán bộ, chiến sĩ bắt tay vào thực hiện tìm kiếm.

Thiếu tá Trần Mạnh Hà - Đội trưởng Đội quy tập liệt sĩ Đoàn 337 cho biết, từ đầu tháng 3/2018 đến nay, lực lượng của đơn vị đã quy tập được 18 mộ liệt sĩ tại xã Hướng Linh.

Hiện cán bộ, chiến sĩ đang triển khai tìm kiếm tại thôn Cóoc. Đây là khu rừng trồng của già Hồ Văn Oi – cán bộ công an huyện đã nghỉ hưu. “Sau khi tiếp nhận thông tin, Đội quy tập hài cốt liệt sĩ Đoàn 337 đã tiến hành tra cứu hồ sơ, khảo sát và bắt tay vào tìm kiếm. Đến nay, đơn vị đã quy tập được 9 hài cốt liệt sĩ tại vị trí này; trong đó, có 2 mộ có ghi danh tính”, thiếu tá Hà cho hay.

Thiếu tá Trần Mạnh Hà và già Hồ Văn Oi trao đổi thông tin về khu vực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ
Thiếu tá Trần Mạnh Hà và già Hồ Văn Oi trao đổi thông tin về khu vực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Gìa Hồ Văn Oi cho biết, ông sinh ra và lớn lên tại xã Hướng Linh. Những năm ông mới 14-15 tuổi, ông biết được nơi đây có một đơn vị bộ đội chiến đấu.

Theo nhận định của Đội quy tập 337, những hài cốt được tìm thấy có thể là của liệt sĩ đã hy sinh vào những năm 1967-1968, thời điểm diễn ra chiến dịch Khe Sanh. Dựa theo tài liệu, nơi này trước kia là trạm phẫu nên có nhiều bộ đội ta đóng quân.

Tìm đồng đội giữa trùng điệp rừng xanh - 3

Băng rừng, lội suối quy tập hài cốt liệt sĩ

Theo vị đội trưởng Đội quy tập hài cốt liệt sĩ Đoàn 337, quân số của đơn vị chỉ khoảng 15 người, đảm nhận công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại địa bàn huyện Hướng Hóa và những vùng thuộc đơn vị phụ trách. Công tác tìm kiếm được đơn vị chủ động triển khai, thực hiện từ năm 2000 đến nay. Tuy nhiên, từ năm 2013, Chính phủ ban hành đề án 1237/QĐ-TTg về tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ nên lực lượng của đơn vị được trang bị đầy đủ các thiết bị, có chính sách, quân số chuyên trách. Từ đó đến nay đã quy tập được hơn 250 mộ liệt sĩ.

Xuất phát từ tinh thần trách nhiệm với đồng đội, lực lượng đoàn 337 đã quên đi khó khăn để hăng say thực hiện nhiệm vụ. Có những chuyến quy tập hài cốt liệt sĩ kéo dài 10 ngày đến nửa tháng nhưng anh em chiến sĩ vẫn quyết tâm, không ngại gian khổ.

“Việc tìm kiếm có khi được triển khai giữa rừng sâu, núi thẳm, địa hình địa vật đã có nhiều thay đổi nên sau khi đã khảo sát kỹ, anh em chiến sĩ phải lật từng thớ đất để tìm cho được hài cốt liệt sĩ đưa về an táng. Hầu hết hài cốt liệt sĩ được gói trong tăng, võng bộ đội, có nhiều di vật đi kèm: cúc áo, bút, vỏ đạn, sao mũ…”, Thiếu tá Trần Mạnh Hà cho hay.

Trung úy Hồ Văn Trọng, người con của Quảng Trị đã có thâm niên nhiều năm trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ
Trung úy Hồ Văn Trọng, người con của Quảng Trị đã có thâm niên nhiều năm trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Hơn 15 năm tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Trung úy Hồ Văn Trọng cho biết, chúng tôi luôn luôn mong muốn mỗi cuộc tìm kiếm phát hiện được nhiều hài cốt liệt sĩ để quy tập. “Những lần phát hiện dấu hiệu của hài cốt, anh em đều rất mừng rỡ, bao nhiêu mệt mỏi được xua tan. Dù khó khăn nhưng chúng tôi cùng nhau xắn tay áo, lật từng mảng đất để quy tập hài cốt”, anh Trọng bày tỏ.

Công tác tìm kiếm dẫu khó khăn nhưng các chiến sĩ đều quyết tâm
Công tác tìm kiếm dẫu khó khăn nhưng các chiến sĩ đều quyết tâm

Thiếu tá Hoàng Chí – Đội phó Đội quy tập hài cốt liệt sĩ, người có thâm niên tham gia nhiệm vụ hơn 10 năm không bao giờ quên được những kỷ niệm trong quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. “Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn đó nhiều liệt sĩ còn nằm lại giữa rừng sâu. Thậm chí, có những hài cốt liệt sĩ không còn nguyên vẹn, chỉ còn lại những nắm đất do đã quá lâu. Mỗi hài cốt liệt sĩ được tìm thấy là niềm động viên để anh em chúng tôi tiếp tục với công việc”.

Các cán bộ, chiến sĩ cất bốc hài cốt liệt sĩ (Ảnh: Công Sang)
Các cán bộ, chiến sĩ cất bốc hài cốt liệt sĩ (Ảnh: Công Sang)

Thượng úy Ngô Phi Lập cũng không dấu được cảm xúc khi chia sẻ về công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Anh nói rằng, công việc của Đội quy tập hôm nay là trách nhiệm, là nghĩa tình với đồng đội, đồng chí và gia đình liệt sĩ. Dẫu có khó khăn, vất vả nhưng anh em đều vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Nửa thế kỷ trước, vùng đất Khe Sanh – Hướng Hóa là chiến trường khốc liệt, với đầy rẫy đạn bom. Ngày nay, chính quyền và nhân dân địa phương đang nỗ lực khắc phục khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng phát triển trên những hố sâu bom đạn. Và, công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vẫn tiếp tục, đó là trách nhiệm lớn lao, sự tri ân những người đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, vì hòa bình của đất nước.

Đăng Đức