1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Tìm cái chân bị mất dưới chân cầu Chữ Y

Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Phú Lợi 2 thuộc Phân khu 3, đánh vào cánh Nam Sài Gòn. Sau 2 đợt tiến công, Tiểu đoàn của ông quân số 400 chỉ còn khoảng 50 người, ông bị thương mất 1 chân. Ông đã nhiều lần trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội và cả cái chân bị mất của mình.

Nhân chứng sống

Dịp Tết vừa qua, ông Ngô Văn Phê – Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Long An – khá bận bịu với những cuộc họp mặt, nói chuyện chuyên đề về cuộc Tổng tiến công và nổi dây Xuân Mậu Thân 1968, không chỉ ở tỉnh Long An, mà cả ở TP.HCM. Sau 50 năm cuộc Tổng tiến công, giờ để tìm lại một nhân chứng sống, khó tìm được người tiêu biểu hơn ông, người đã dẫn một cánh quân vào Sài Gòn, có mặt vào thời khắc nổ súng tiến công, rồi trải qua 99 ngày đêm sinh tử giữa “chảo lửa”. Trước khi rút khỏi Sài Gòn, kết thúc chiến dịch, ông đã bỏ lại một cái chân cùng với rất nhiều đồng đội nằm lại dưới chân cầu Chữ Y, cầu Sập, cầu Mật…

Ông Phê kể: Chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công, Đặc khu Sài Gòn – Gia Định thành lập 6 Phân khu. Trong đó Phân khu 3 gồm Tiểu đoàn 1, Tiểu Phú Lợi 2 và Tiểu đoàn 5 Nhà Bè từ cánh Nam Sài Gòn thuộc tỉnh Long An, đánh vào khu vực Quận 4, Quận 7, Quận 8 và huyện Nhà Bè. Tiểu đoàn Phú Lợi 2 được thành lập trên cơ sở một đơn vị quân giải phóng từng chiến đấu bên nước bạn Lào và chiến trường miền Đông – Tây Nguyên. Ông Phê lúc đó đang là cán bộ Tiểu đoàn 1 (thuộc Tỉnh đội Long An), do có thời gian dài sống và rành đường phố Sài Gòn, được tăng cường về làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Phú Lợi 2. Chuẩn bị vào chiến dịch, Tiểu đoàn Phú Lợi 2 ém quân tại xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Trưa ngày 30 Tết, các ông được lệnh hành quân cấp tốc về Sài Gòn. Quân giải phóng đi tới đâu cũng được bà con sống hai bên đường tiếp lương thực, bánh tét, bánh mứt… Lực lượng dân công tiếp lương, tải đạn nườm nượp theo sau đoàn quân giải phóng. Vượt qua quảng đường gần 30km, đến tối Tiểu đoàn vào đến Sài Gòn thuộc khu vực Quận 8. Ông Phê nhớ lại, giờ giao thừa Tết Nguyên đán Mậu Thân 1968, Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài thơ chúc Tết của Bác Hồ: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”. Đối với ông Phê và các đồng đội, lời kêu gọi “Tiến lên” trong thơ Bác chính là hiệu lệnh mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Hơn 400 quân Tiểu đoàn Phú Lợi 2 phối hợp với Tiểu đoàn 1 đồng loạt nổ súng đánh vào các khu vực cầu Sập, Bến Đá, Kiều Công Mười, Bình Đông, cầu Nhị Thiên Đường…; cùng với quân và dân toàn miền Nam làm nên cuộc Tống tiến công và nổi dậy lịch sử.

Ông Phê với cái chân bị mất dưới chân cầu Chữ Y.
Ông Phê với cái chân bị mất dưới chân cầu Chữ Y.

99 ngày đêm sinh tử

Ông Phê cho biết, đánh vào Sài Gòn, Tiểu đoàn Phú Lợi 2 được trang bị chủ yếu là súng trường (AK), tiểu liên… Hỏa lực mạnh nhất là B40 chống tăng, không có súng cao xạ chống máy bay. Nhờ yếu tố táo bạo, bất ngờ, Tiểu đoàn của ông đã nhanh chóng làm chủ trận địa, gây cho đối phương nhiều tổn thất. Nhưng chỉ mấy ngày sau, quân giải phóng bắt đầu đón nhận sự phản công quyết liệt của quân đội Mỹ và Sài Gòn. Chiến trận diễn ra từng ngày, từng giờ giữa lòng thành phố. Khoảng cách giữa đôi bên thường rất hẹp, chỉ vài chục mét, cách một dãy nhà, một con đường, con rạch… Bộ đội quen chiến đấu trong rừng núi, giờ đánh trong thành phố không quen, gặp nhiều bỡ ngỡ. Đó là lúc người Tiểu đoàn phó từng là cậu học sinh năng động lớp đệ tứ ở trường Chi Lăng - Sài Gòn phát huy thế mạnh của mình. Ông Phê len qua từng tòa nhà, luồn lách dưới cống thoát nước, trèo lên nóc sân thượng tìm vị trí cao nhất… để quan sát trận địa, vẽ sơ đồ, nắm bắt lực lượng đối phương, đề ra cho Tiểu đoàn phương án bố trí lực lượng và cách đánh hiệu quả nhất. Tiểu đoàn bắt đầu có nhiều tổn thất khi đối phương phản công bằng máy bay trực thăng, bắn rocket suốt ngày vào đội hình của Tiểu đoàn, trong khi các ông không có súng cao xạ chống máy bay, phải ẩn náu trong các tòa nhà để tránh đạn.

Sau gần 2 tháng giằng co, đợt 1 của chiến dịch kết thúc, quân số của Tiểu đoàn Phú Lợi 2 còn khoảng 300. Tiểu đoàn không rút ra ngoại thành để củng cố lực lượng trước khi tiến công đợt 2, mà trụ lại trong nội thành, ém quân trong các nhà dân ở khu vực Lò heo Chánh Hưng. Trận chiến quá ác liệt, nhà cửa cháy ngùn ngụt vì bom đạn, hầu hết dân trong khu vực đều tản cư đi nơi khác. Bị cắt đứt chi viện của hậu phương, lương thực, thuốc men, sáng đạn cũng cạn dần. Đó là lúc tấm lòng của người dân Sài Gòn dành cho quân giải phóng thể hiện rất rõ. Nhiều người đã không ngại bom đạn, không sợ sự bắt bớ của cảnh sát, tìm cách chuyển gạo, bánh tét, nhu yếu phẩm… vào khu vực Tiểu đoàn Phú Lợi 2 đang ẩn náu. Về sau chính quyền Sài Gòn cách ly gắt gao hơn, khó có người dân nào lọt được vào vùng “tử địa”. Ông Phê nhớ, có một lúc các chiến sĩ đã cạn thức ăn, có nguy cơ bị đói. Bất ngờ, một buổi chiều, các ông thấy ai đó đã cố ý lùa cả bầy vịt cho chạy về hướng các chiến sĩ. Thì ra, do bị cảnh sát cấm không được lân la đến khu vực “cách ly”, người dân đã nghĩ ra cách lùa cả bầy vịt vào cho các chiến sĩ. Nhờ thịt vịt mà các ông tiếp tục cầm cự chờ đợt 2 cuộc Tổng tiến công.

Vào đợt 2 cuộc Tổng tiến công, mức độ khốc liệt được đôi bên đẩy lên cao hơn. Những cuộc quần thảo cận chiến giữa quân giải phóng, quân đội Mỹ và Sài Gòn diễn ra như cơm bữa dưới chân cầu Chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường, quanh cầu Mật, cầu Sập, ở Đồng Diều… Vẫn là chiến thuật ẩn náu trong nhà dân để đánh địch, nhưng giờ đây Tiểu đoàn Phú Lợi 2 gặp vấn đề nan giải khi không quân Mỹ dùng bom xăng thiêu rụi hết dãy nhà này đến dãy nhà khác, cả khu vực ngùn ngụt khói lửa, các chiến sĩ hẹp dần nơi ẩn náu. Rồi đối phương dùng trực thăng thả chất độc hóa học, các chiến sĩ phải dùng khăn tẩm nước tiểu phủ lên mặt để chống chọi… Từng đoàn xe tăng của đối phương đã sang được cầu Chữ Y, áp sát trận địa, nả đạn vào vào đội hình của Tiểu đoàn Phú Lợi 2.

Khu vực cầu Chữ Y - nơi ông Phê và đồng đội trải qua 99 ngày đêm sinh tử.
Khu vực cầu Chữ Y - nơi ông Phê và đồng đội trải qua 99 ngày đêm sinh tử.

Tìm cái chân bị mất

Ngày 8.5.1968, sau 99 ngày quần nhau với quân Mỹ và Sài Gòn, Tiểu đoàn Phú Lợi 2 đã bị tổn thất rất nặng, lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi dãy nhà nơi các chiến sĩ ẩn náu bị bom xăng thiêu rụi, trong khi xe tăng Mỹ áp sát dãy nhà liên tục nả đạn. Tiểu đoàn trưởng Ngọc Loan hi sinh cùng nhiều chiến sĩ. Ông Phê thay thế chỉ huy trận địa, cho chôn cất liệt sĩ ngay dưới chân cầu Mật. Ông phải lao ra đường chạy về dãy nhà đối diện để tìm chỗ ẩn náu cho các chiến sĩ. Một chiếc xe tăng nấp ngay đầu đường lia đạn về phía ông. Ông chỉ thấy cái chân phải tê buốt, không tuân theo ý mình… Ông nhảy “cò cò” tránh đạn vào dãy nhà chưa bị cháy, tiếp tục chỉ huy trận đánh. Chiếc xe tăng bị bắn cháy, quân địch kêu khóc thảm thiết… Không còn người chỉ huy, quân số còn quá mỏng, Tiểu đoàn Phú Lợi 2 được lệnh rời Sài Gòn. Ông Phê được đồng đội chuyển ra ngoài, đưa về Trạm quân y tiền phương ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Điểm lại lực lượng, Tiểu đoàn Phú Lợi 2 còn khoảng 50 quân, trong đó bị thương khoảng một nữa, Tiểu đoàn trưởng hi sinh, Tiểu đoàn phó mất 1 chân… “Dù hi sinh rất lớn, bị bao vây dài ngày giữa Sài Gòn, nhưng không một chiến sĩ nào đầu hàng hay bỏ ngũ”, ông Phê nói.

Kết thúc chiến dịch Mậu Thân, ông Phê được điều về Hậu cần Phân khu 3. Năm 1972, ông vượt Trường Sơn ra Bắc trị bệnh và tiếp tục đi học. Sau giải phóng, ông trở về quê hương công tác trong ngành Thanh tra đến năm 2000 về hưu. Trở về quê hương sau ngày giải phóng, ông đã cùng với ngành chức năng Quận 8 truy tìm, quy tập được nhiều hài cốt đồng đội. Trong đó đáng kể nhất là lần quy tập được gần 20 hài cốt đồng đội nằm dưới chân cầu Sập, và xây dựng Bia tưởng niệm tại đây. Còn lần ông xúc động, bồi hồi nhất là lần tìm được 15 hài cốt đồng đội ở khu vực cầu Mật, dưới chân cầu Chữ Y. Bồi hồi bởi lẽ, đó cũng là nơi ông bỏ lại một phần thân thể. Khi đi tìm hài cốt đồng đội, ông cũng có ý tưởng tìm lại một chân của mình được chôn ở đâu đó. Nhưng đến khi đào tìm được hố chôn tập thể 15 đồng đội hi sinh năm xưa, ông mừng quá nên quên mất chuyện cái chân bỏ lại của mình. Với lại cái chân của ông có lẽ cũng hòa lẫn với hài cốt của đồng đội, như ngày nào các ông từng kề vai sống chết bên nhau.

Ngày ấy các ông còn khoảng 50 người, Tiểu đoàn Phú Lợi giải tán, quân số nhập vào đơn vị khác, các chiến sĩ tiếp tục chiến đấu và hi sinh, nay nếu ai còn thì cũng đã già. Mỗi người một nơi trên khắp đất nước, các ông chưa một lần họp mặt. Ông Phê mong muốn, qua bài báo này các đồng đội năm xưa sẽ nhờ cầu nối Báo Lao Động mà gặp lại nhau, ở ngay nơi các ông từng có 99 ngày đêm chiến đấu sinh tử bên nhau!

Theo Nguyễn Phấn Đấu
Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm