1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Tiểu thương lo phá sản vì quầy "hết phép", thuốc “đội giá”

(Dân trí) - “Các doanh nghiệp đều “hết phép” nên nếu mang thuốc ra bán thì vi phạm, lực lượng quản lý thị trường tóm được sẽ hết cửa làm ăn. Tại Hà Nội, nhiều nhà thuốc đang lâm vào tình trạng khan hàng nghiêm trọng”, chị Mai - đại diện quầy dược công ty Traphaco cho biết.

Hàng chục doanh nghiệp tại Trung tâm Dược 168 Ngọc Khánh (đối diện Trung tâm Dược 148, Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội) được cấp phép và kinh doanh dược ổn định từ năm 1995. Hiện Trung tâm này có tới 50 doanh nghiệp dược lớn kinh doanh tại đây với hơn 200 gian hàng, góp phần ổn định thị trường dược tại TP Hà Nội và trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, vấn đề xảy ra từ ngày 30/6, khi giấy phép kinh doanh dược phẩm do Sở Y tế TP Hà Nội cấp của tất cả các quầy hàng kinh doanh tại đây đều hết hạn.
 
Trong ảnh: Một góc Trung tâm dược 168 Ngọc Khánh đang chờ Sở Y tế Hà Nội kiểm tra
Một góc Trung tâm dược 168 Ngọc Khánh đang chờ Sở Y tế Hà Nội kiểm tra và cấp phép.

Các doanh nghiệp dược phẩm kinh doanh tại đây cho biết, mặc dù đã hết hạn giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng Sở Y tế Hà Nội lại không có động tĩnh gì về việc này khiến hàng chục doanh nghiệp với hơn 200 gian hàng và hàng nghìn lao động hoang mang. Theo họ, nếu bị đóng cửa thì hàng ngàn lao động sẽ mất việc, thị trường dược sẽ bị xáo trộn. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Anh Lê Xuân Chiến, Trưởng quầy của Công ty CP Dược phẩm TƯ2 kinh doanh dược tại Trung tâm Dược 168, cho biết doanh số kinh doanh trong thời gian qua đã suy giảm nghiêm trọng trước hiệu ứng hết thời hạn giấy phép.

“Doanh số giảm hai phần ba, ngày thường quầy tôi bán 150 triệu tiền thuốc thì nay chỉ bán được chưa đầy 40 triệu đồng/ngày. Mỗi quầy đều phải chịu doanh số quy định của công ty, nay hết hạn giấy phép, hàng không được bán thì lấy đâu doanh số để chúng tôi được trả lương”, anh Chiến than thở.

Lo phá sản là tâm lý chung của chủ các quầy thuốc. Anh Bân, Công ty CP Dược phẩm Tây Hồ cho hay phần lớn vốn của doanh nghiệp đều là vốn đi vay, nay hàng không bán được, quầy đóng cửa, tiền lương vẫn phải trả cho cán bộ. Trong khi đó, cả tháng nay, riêng chuyện lo tiền lãi cũng khiến doanh nghiệp bạc đầu.

“Cả tài sản, tương lai học hành của con cái chúng tôi đều trông vào mấy quầy thuốc, nay lâm vào tình trạng chưa có lối ra như hiện nay khiến ai nấy đều như ngồi trên đống lửa”, anh Bân sót ruột nói.

Công ty dược phẩm Traphaco cũng trong tình cảnh tương tự bởi thị trường dược tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Thị trường tỉnh lẻ không đặt được hàng, giá thuốc bị thổi lên khá cao… là những hệ lụy nhãn tiền.

“Các tỉnh gọi về đều không thể đặt được hàng. Hiện các doanh nghiệp “hết phép” nếu mang thuốc ra bán thì vi phạm, lực lượng quản lý thị trường mà tóm được thì hết cửa làm ăn. Tại thị trường Hà Nội, nhiều nhà thuốc nhập hàng từ hệ thống phân phối của chúng tôi đang lâm vào tình trạng khan hàng nghiêm trọng”, chị Mai, đại diện quầy dược công ty Traphaco cho biết.

Hàng khan hiếm, các doanh nghiệp thì chưa biết lúc nào được cấp phép để tiếp tục hoạt động khiến giá nhiều loại thuốc tăng cao.

“Một số quầy thuốc lợi dụng tình hình khó khăn đã “thổi” giá thuốc lên cao. Có loại bình thường giá chỉ có 330.000 đồng/hộp, nay đã có nơi bán 350.000 đồng/hộp. Điều đáng nói đây là những mặt hàng có lượng tiêu thụ lớn vậy nên với lượng hàng ngàn hộp được bán trên thị trường/ngày thì lượng tiền “vênh” lênh lên mà người tiêu dùng phải trả lớn như thế nào”, chủ một doanh nghiệp kinh doanh dược lo lắng.

Lo ngại tình hình xấu nhất là “sập tiệm”, hàng chục doanh nghiệp đã trực tiếp gửi đơn kêu cứu lên Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bí thư Thành ủy Hà Nội với nguyện vọng, mong muốn các cấp ngành liên quan sớm cấp phép cho doanh nghiệp trở lại hoạt động.

Trước những động thái này của người dân, ngày 5/7, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã ra văn bản số 2454/VP-VX truyền đạt chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội gửi Sở Y tế Hà Nội với nội dung xem xét, giải quyết theo quy định, báo cáo kết quả với UBND thành phố.

Được biết, hôm 3/7, Văn phòng Thành ủy Hà Nội cũng ra công văn số 11-CV/VPTU gửi Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội chỉ đạo đề nghị xem xét kiến nghị tiếp tục cấp phép kinh doanh bán buôn, bán lẻ dược phẩm để các doanh nghiệp dược ổn định kinh doanh lâu dài tại Trung tâm Dược số 168 Ngọc Khánh, Giảng Võ.

Những động thái này của lãnh đạo TP Hà Nội đang tạo cho các tiểu thương tại Trung tâm Dược 168 Ngọc Khánh niềm hy vọng rằng Sở Y tế Hà Nội sẽ sớm vào cuộc để hoàn thiện các thủ tục cấp phép kinh doanh cho doanh nghiệp, cứu vãn tình thế thị trường dược đang ngày càng xấu đi như hiện nay chỉ vì “hết phép”.

Quỳnh Anh