1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tiểu thương chợ Trời “không dại gì” bày bán đồ trộm cắp!

(Dân trí) - Đại diện lực lượng Quản lý thị trường nhận định, các chủ cửa hàng kinh doanh phụ tùng ô tô ở "chợ Trời" “không dại gì” bày bán đồ trộm cắp, nếu có. Cảnh sát hình sự thì cho rằng rất khó để chứng minh những phụ tùng thu giữ tại đây là đồ trộm cắp.

Khó chứng minh đồ trộm cắp

Liên quan đến đợt ra quân kiểm tra, thu giữ phụ tùng ô tô không rõ nguồn gốc xuất xứ ở chợ Hòa Bình (còn gọi là chợ Trời, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và khu vực xung quanh, ông Nguyễn Văn Thanh - Đội phó Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5 (Chi cục QLTT Hà Nội) - thông tin, qua 2 đợt kiểm tra, lực lượng liên ngành đã kiểm tra 25 cơ sở kinh doanh, thu giữ 780 sản phẩm phụ tùng, linh kiện ô tô.

“Số phụ tùng, linh kiện này đã qua sử dụng, không đồng bộ, không rõ chất lượng, do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ” - ông Thanh cho biết.

Lực lượng liên ngành kiểm tra, thu giữ phụ tùng ô tô không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ tại chợ Hòa Bình và khu vực xung quanh.
Lực lượng liên ngành kiểm tra, thu giữ phụ tùng ô tô không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ tại chợ Hòa Bình và khu vực xung quanh.

Theo Đội phó Đội QLTT số 5, lực lượng QLTT chỉ có thẩm quyền kiểm tra các hàng hóa bày bán công khai, nếu phát hiện hàng không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ thì tịch thu, xử lý theo quy định. Trên thực tế, theo ông Thanh, số hàng hóa bị lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ hầu hết là đồ cũ, hỏng. Các chủ cơ sở kinh doanh “không dại gì” bày bán đồ trộm cắp, nếu có.

“Rất khó để chứng minh các đồ bị thu giữ là đồ trộm cắp. Các phụ tùng này hầu như đều đã hỏng, không đồng bộ, khó có thể định giá chứ chưa nói đến xác định nó có nguồn gốc là đồ trộm cắp hay không.” - ông Thanh chia sẻ và cho rằng chỉ cơ quan công an mới đủ nghiệp vụ để điều tra làm rõ phụ tùng trộm cắp bán tại chợ Trời được lấy từ xe nào, cất giấu ở đâu.

Trung tá Mai Văn Thuần - Đội trưởng Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu (Đội 6, Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội) - đồng tình rằng khó có thể xác định các đồ thu giữ là đồ gian. Các phụ tùng này, theo Trung tá Thuần, đều là đồ cũ, có thể chủ cơ sở mua của người dân đem bán hay từ những chiếc xe tai nạn.

“Để chứng minh các phụ tùng cũ này là đồ gian rất khó, không đơn giản như chứng minh một cái xe máy vì xe thì đã có số khung, số máy” - Trung tá Thuần cho hay.

Bên cạnh đó, Đội trưởng Đội 6 - PC45 cũng cho rằng, lực lượng liên ngành có kiểm tra cũng khó thu giữ được đồ trộm cắp. Cảnh sát kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cửa hàng nhưng chưa xác định họ phạm tội nên không có lệnh khám xét.

“Họ cất giấu đồ gian ở sâu trong nhà thì khó mà moi ra được. Chỉ khi xác định được đồ nào mua của kẻ gian thì cảnh sát mới có căn cứ để khám xét, thu hồi được” - Trung tá Thuận nhận định.

Trộm cắp phụ tùng ô tô “hết đường” làm ăn?

Cũng theo Trung tá Mai Văn Thuần, lực lượng cảnh sát hình sự không chỉ kiểm tra, bắt giữ những vụ việc đơn lẻ mà còn tập trung truy xét, làm rõ các đường dây trộm cắp cắp tài sản, trong đó có trộm cắp phụ tùng ô tô; bắt giữ các đối tượng thay vì kiểm tra, thu giữ những phụ tùng không rõ nguồn gốc, khó chứng minh là đồ gian.

“Chúng tôi triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nạn trộm cắp, đặc biệt là trộm cắp phụ tùng ô tô. Từ mồng 7 Tết (ngày 14/2), đường dây nóng tiếp nhận tin báo trộm cắp của Phòng Cảnh sát hình sự không nhận được tin báo trộm cắp nào liên quan đến phụ tùng ô tô. Các lực lượng triển khai đồng loạt, đối tượng trộm cắp phụ tùng ô tô không có chỗ bán nữa thì trộm làm gì” - Trung tá Thuần cho biết.

Số phụ tùng ô tô bị thu giữ đều là đồ cũ, hỏng, không đồng bộ, khó định giá.
Số phụ tùng ô tô bị thu giữ đều là đồ cũ, hỏng, không đồng bộ, khó định giá.

Về việc xử lý số phụ tùng ô tô thu giữ trong các đợt kiểm tra, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, sau khi phân loại, lực lượng QLTT sẽ tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật. Các chủ cơ sở kinh doanh sẽ bị xử lý căn cứ theo giá trình hàng hóa bị thu giữ.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, do các đồ bị thu giữ đều là đỗ cũ nên rất khó định giá. Lực lượng QLTT căn cứ vào giá niêm yết tại các cửa hàng vào thời điểm thu giữ. Bên cạnh đó, đối với những phụ tùng đắt tiền hoặc không có giá niêm yết, lực lượng QLTT sẽ yêu cầu một đơn vị thẩm định giá độc lập.

Trong 2 đợt lực lượng liên ngành kiểm tra chợ Hòa Bình và khu vực xung quanh, cơ sở bị thu giữ nhiều nhất là một cửa hàng trên phố Đỗ Ngọc Du với 36 sản phẩm. Qua thẩm định giá, lực lượng QLTT xác định số hàng trên trị giá gần 10 triệu đồng. Với lỗi vi phạm bày bán đồ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, chủ cơ sở trên đã bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt hành chính với số tiền 2 triệu đồng.

Theo Đội phó Đội QLTT số 5, bên cạnh việc kiểm tra, thu giữ đồ cũ, không rõ nguồn gốc, lực lượng liên ngành tập trung tuyên truyền, răn đe các chủ cơ sở kinh doanh không được tiếp tay cho kẻ gian, không buôn bán đồ có nguồn gốc trộm cắp.

Tiến Nguyên