1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tiếp tục hoàn thiện dự án Luật đặc xá

(Dân trí) - “Tờ trình cũng như trong dự thảo Luật đặc xá mới chỉ phản ánh thực tiễn đặc xá, chưa phân tích rõ cơ sở lý luận nhất là sự khác nhau giữa chế định đặc xá với đại xá, ân giảm hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù…”. Đó là ý kiến của Ủy ban Pháp luật báo cáo Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sáng nay 7/3.

Xung quanh dự thảo Luật đặc xá còn rất nhiều ý kiến khác nhau, về nhiều Điều, khoản trong dự thảo. Ngay trong Thường trực Ủy ban Pháp luật có hai ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh của Luật đặc xá.

Ý kiến thứ nhất cho rằng đặc xá là thẩm quyền đặc biệt của Chủ tịch nước. Chủ tịch nước quyết định thời điểm đặc xá, đối tượng, điều kiện được đặc xá. Những ý kiến khác lại cho rằng, nên quy định chung về thời điểm, điều kiện, đối tượng được đặc xá, quyết định thực hiện đặc xá của Chủ tịch nước.

Ý kiến thứ 2 của không ít đại biểu nêu: không nên quy định Chủ tịch nước ra quyết định đặc xá cho từng người cụ thể hoặc danh sách người được đặc xá mà chỉ nên giao cho Chủ tịch nước ra Quyết định đặc xá, trong đó quy định thời điểm, đối tượng, điều kiện đặc xá.

Về quyền của người được đặc xá, Ủy ban pháp luật QH cho rằng, người được đặc xá được coi như người đã chấp hành xong hình phạt tù, do đó việc quy định chính sách riêng đối với người được đặc xá là chưa phù hợp và không thống nhất với các chính sách chung về hình sự của Nhà nước ta.

Về đặc xá đối với người nước ngoài, Thường trực Ủy ban pháp luật nêu ý kiến: việc quy định trả tự do ngay cho người nước ngoài được đặc xá để họ trở về nước sẽ gặp khó khăn về kinh phí. Vì theo quy định tại Điều 39 (của dự thảo luật - PV) thì kinh phí bảo đảm cho công tác đặc xá được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước.

Ủy ban đề nghị Bộ công an nghiên cứu quy định nội dung này theo hướng người nước ngoài được đặc xá có các quyền, nghĩa vụ như người nước ngoài đã chấp hành xong hình phạt tù tại Việt Nam.

Cũng trong phiên họp sáng nay, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luật về việc có hay không việc thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá cấp tỉnh (Điều 27). Trong dự thảo có ghi, Hội đồng tư vấn đặc xá cấp tỉnh có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ của người được đề nghị đặc xá trình Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương.

Ông Tráng A Pao, Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc Quốc hội ủng hộ quan điểm nêu trong dự thảo luật vì theo ông, cấp tỉnh đã có phân cấp trong công tác xét xử, do đó một Hội đồng tư vấn đặc xá tại địa phương sẽ đảm bảo sâu sát hơn. Ông Nguyễn Đức Khiển - Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế ngân sách QH cũng chia sẻ quan điểm này.

Trong khi đó, một số đại biểu khác lại cho rằng không nên thành lập Hội đồng này bởi nếu có, cũng chỉ xét được ở các trại tù, trại tạm giam do địa phương quản lý chứ không thể “vươn tới” các trại của Bộ. Do đó, công tác xét duyệt tại địa phương nên trao cho cơ quan tư pháp tại địa phương chủ trì.

Ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của QH lại cho rằng: không nên tổ chức Hội đồng tư vấn đặc xá cấp tỉnh với cơ cấu mà Bộ công an trình (do Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá trung ương quyết định thành lập, thành phần bao gồm Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch - PV). Mặt khác, cũng không nên lấy tên là “Hội đồng tư vấn đặc xá cấp tỉnh”.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ QH tiếp tục làm việc, cho ý kiến về việc để người lao động được nghỉ thêm ngày giỗ tổ Hùng Vương.

Phúc Hưng - Thái Sơn