1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:

Tiếp tục “cắt” các dự án thủy điện làm như… trò chơi

(Dân trí) - “Các trường hợp vỡ đập, xả lũ không đúng quy trình đều đã xảy ra, đều có xử lý nhưng những vi phạm chưa đến mức hình sự. Chính phủ rất kiên quyết xử lý những chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, nghĩ làm thủy điện như trò chơi là không được…”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao đổi với báo chí về vấn đề xử lý thủy điện làm ẩu, gây nhiều sự cố, thiệt hại rất bức xúc thời gian qua.

Thưa Phó Thủ tướng, người dân đang rất bức xúc vì “nhân tai” thủy điện liên tiếp xảy ra qua 2 đợt bão lụt gần đây. Quan điểm của Chính phủ về vấn đề này như thế nào?

Thông điệp của Chính phủ trong quản lý về thủy điện rất rõ. Thứ nhất, việc phát triển các hồ thủy điện là việc cần thiết phải làm và tiếp tục phải làm. Lý do vì chúng ta là quốc gia thiếu nước, nếu muốn đủ nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, du lịch,  dịch vụ... thì phải phát triển các hồ chứa nước thủy điện và thủy lợi. Những hồ đó nếu kết hợp được đa mục tiêu là tốt nhất. Nếu không ai quản, bỏ hết đi thì “khỏe” quá, nhưng bỏ đi thì lấy gì mà sống, bao nhiêu địa phương thiếu nước. Khi chưa phát triển, chúng ta có thể chỉ cần một ít nước để ăn uống, sinh hoạt, nhưng khi đã phát triển thì cần rất nhiều nước. Bây giờ, kể cả với nhu cầu nước để ăn uống, sinh hoạt nhiều vùng cũng đã không bảo đảm được rồi, nếu không có các hồ chứa nước trên cao, sau mùa mưa, toàn bộ mực nước ngầm xuống hết, giếng càng ngày càng phải đào sâu xuống chỉ để lấy được ít nước sinh hoạt chứ đừng nói đến nước cho nông nghiệp, công nghiệp.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Nghĩ làm thủy điện như trò chơi là không được

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Nghĩ làm thủy điện như trò chơi là không được"

Nhưng  dư luận lo ngại là các hồ thủy điện hiện nay đặt mục tiêu phát điện để đem lại giá trị kinh tế cho chủ đầu tư lên quá cao, khả năng chống lũ lụt không lớn, khả năng giữ nước cũng hết sức hạn chế vì ngay cả mùa khô cũng phải phục vụ mục tiêu sản xuất. Rồi việc các liên hồ thủy điện vận hành thiếu liên thông nên thực tế đã tạo nên những “nhân tai” gây hậu quả nặng nề?

Điều tôi nói ở trên là mặt phải của hồ thủy điện, thủy lợi. Còn những vấn đề dư luận bức xúc chính là mặt trái. Đã xác định là phải sống có thủy điện, thủy lợi, vấn đề còn lại là hạn chế tối đa những mặt trái nhằm chung sống một cách bền vững.

Quan trọng là chúng ta phải kiểm tra. Vừa rồi Chính phủ cho đi kiểm tra toàn bộ các hồ thủy điện, thủy lợi để quy hoạch lại, loại bỏ, hạn chế những gì không hợp lý. Chúng ta đã cố gắng hạn chế những phát triển thủy điện, thủy lợi theo phong trào và tăng cường trách nhiệm của các chủ đầu tư làm hồ. Đó là điều phải làm.

Còn lại như tôi nói, làm hồ thủy điện, thủy lợi chúng ta đã phát triển được nhiều thứ, trong đó có cả việc thu dịch vụ môi trường rừng, thu thuế tài nguyên nước… Việc bảo đảm cho phát triển hồ chứa nhưng hài hòa với cuộc sống của người dân  thì Chính phủ đã phải đưa ra các quy trình vận hành. Tất nhiên, quy trình vận hành không phải là cái gì tuyệt đối, khi vận hành dần  thì sẽ phát hiện ra những bất hợp lý của nó và điều chỉnh. Khó để yêu cầu ra một quy trình vận hành là tuyệt đối luôn.

Dần dần chúng ta phải đưa quản lý hồ chứa đi vào nề nếp. Chủ đầu tư có hồ chứa phải có trách nhiệm gì, phải kiểm tra hàng năm ra sao, vì hồ chứa nước như một quả bom trên đầu người dân, vậy thì cơ quan quản lý Nhà nước làm gì trước mỗi mùa mưa bão, kiểm tra tình trạng hồ, đánh giá độ an toàn, kiểm định kiểm tra nếu bảo đảm an toàn thì mới cho tích nước.. Dần dần, chúng ta sẽ  đưa cơ quan quản lý  có trách nhiệm hơn với an toàn của các hồ chứa. Các chủ hồ cũng phải có trách nhiệm hơn. Đó là việc Chính phủ sẽ làm và sẽ phải đạt được mục đích đó.

Thực tế, “nhân tai” thủy điện-thủy lợi đã xảy ra nhiều rồi mà chưa có ai bị xử lý cả thưa Phó Thủ tướng?

Các trường hợp vỡ đập, xả lũ không đúng quy trình đều đã xảy ra rồi, đều có xử lý nhưng những vi phạm chưa đến mức hình sự thì không thể xử hình sự được. Tâm lý của mọi người thường đặt vấn đề, người gây ra hậu quả phải đi tù, nhưng rõ ràng phải đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì cơ quan điều tra mới làm được. Còn bồi thường thì  nhiều chủ đầu tư đã phải bồi thường rồi, nếu bồi thường chưa đầy đủ thì địa phương, người dân họ tiếp tục yêu cầu bồi thường.

Vừa rồi, Chính phủ đã cho kiểm tra và cắt mấy trăm hồ chứa, quan điểm của Chính phủ là rất rõ ràng, kiên quyết  xử lý những chủ đầu tư thiếu trách nhiệm. Anh làm một hồ thủy điện hay thủy lợi mà nghĩ như trò chơi là không được, phải rất trách nhiệm với nó bởi đó là “thủy hỏa đạo tặc”, cực kỳ nguy hiểm.

Dù đã loại bỏ khỏi quy hoạch hơn 400 thủy điện nhưng việc đó đã đủ đảm bảo an toàn khi vẫn còn hàng trăm dự án, công trình khác tiếp tục thời gian tới, với tỷ lệ không các thủy điện vừa và nhỏ?

Phải rà soát tiếp. Sau khi rà soát, phát hiện cái nào chưa hợp lý lại cắt tiếp. Vừa qua, Chính phủ đã loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện bậc thang và 418 dự án thủy điện nhỏ do hiệu quả thấp và có nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường, xã hội (chiếm 34,2% tổng số dự án đã quy hoạch). 2 dự án thủy điện bậc thang thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian qua là Đồng Nai 6 và 6A cũng bị loại khỏi quy hoạch. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Các dự án, vị trí thủy điện tiềm năng bị đưa ra khỏi quy hoạch vì 2 lý do chính: hiệu quả đầu tư thấp, không có nhà đầu tư quan tâm; có tác động xấu đến môi trường và kinh tế - xã hội.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

P.Thảo (ghi)