1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tiếp cận nhóm thợ lặn trục vớt thi thể nạn nhân vụ chìm xe khách

(Dân trí) - Lao ra giữa dòng nước cuồn cuộn chảy, vật lộn dưới đáy sông hàng giờ đồng hồ, cùng với các lực lượng cứu hộ, cuối cùng nhóm thợ lặn đã trục vớt nhiều thi thể cùng chiếc xe bị nạn. Tiếp cận đời thường, ở họ là những câu chuyện rất dung dị.

Tiếp cận nhóm thợ lặn trục vớt thi thể nạn nhân vụ chìm xe khách  - 1
 Thợ lặn Nguyễn Văn Hoàn, người góp phần không nhỏ trong cuộc trục vớt chiếc xe khách bị nạn

Các thợ lặn của 5 công ty: Công ty CP Vận tải và thương mại Trường Thành, Công ty TNHH Ngọc Hải, Công ty Thiên Tài, Công ty CP Đình Cẩm và Doanh nghiệp  An Cường đã tổ chức một đội cứu hộ độc lập tham gia tìm kiếm chiếc xe khách bị lũ đánh chìm hôm 18/10. Đúng 16 giờ ngày 20/10, sau chưa đầy 1 giờ đồng hồ triển khai tìm kiếm đội thợ lặn chuyên nghiệp của 5 công ty trên đã xác định vị trí chiếc xe khách bị mắc kẹt dưới lòng sông ở độ sâu khoảng 15m. Hơn 8 giờ vào cuộc với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của các lực lượng cứu hộ, đặc biệt là các thợ lặn chuyên nghiệp, thi thể các nạn nhân xấu số cùng chiếc xe gặp nạn đã được kéo lên khỏi lòng sông.

Trục vớt với tinh thần tình nguyện

Roạc, rục rục liên hồi rồi tĩnh lặng. Sóng dữ sông Lam mùa lũ thật khủng khiếp và chỉ những ai có mặt chứng kiến cảnh các thợ lặn làm việc thì mới thấu hết sự hung dữ của nó cũng như những khó khăn, gian khổ và hiểm nguy mà các thợ lặn phải đối mặt. 

Tiếp cận nhóm thợ lặn trục vớt thi thể nạn nhân vụ chìm xe khách  - 2
Thợ lặn Nguyễn Văn Thảnh.

Chỉ một động tác nhún mình rất nhẹ rồi một tiếng "ùm" vang lên các anh đã mất hút dưới dòng sông Lam vẫn đang ầm ầm réo. Trên bờ hàng trăm con tim thổn thức, nín thở chờ đợi. Một phút, rồi hai, ba phút trôi đi cả khúc sông im ắng đến rợn người rồi bỗng vỡ òa khi đến phút thứ 10 người thợ lặn nổi lên ra hiệu đặc biệt. “Đúng rồi, chiếc xe đang nằm dưới đó”. Mọi ánh mắt như giãn ra hướng về lòng sông nơi xác định được vị trí chiếc xe và hàng chục hành khách đang ký thác dưới lòng sông.
 
“Hơn 30 năm làm thợ lặn nhưng chưa lần nào lại thấy xúc động như lần này. Sông Lam mùa nước lũ thì khủng khiếp lắm, nhiều thợ lặn lành nghề cũng phải sợ. Với tôi, lúc này mong muốn làm sao để đưa thi thể của các nạn nhân lên bờ một cách nhanh nhất. Tâm tư thúc giục tôi phải làm như thế, vì sinh nghề tử nghiệp mà anh…”, anh Nguyễn Văn Hoàn thành viên đội lặn Công ty Trường Thành tâm sự cùng Dân trí.

Được biết, anh Nguyễn Văn Hoàn (52 tuổi, trú xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đã đi khắp nơi, từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quy Nhơn, Móng Cái... thậm chí sang cả Trung Quốc cùng công ty CP Vận tải và thương mại Trường Thành để trục vớt tàu, vớt người bị chìm dưới biển sâu.

Tiếp cận nhóm thợ lặn trục vớt thi thể nạn nhân vụ chìm xe khách  - 3
Anh Trần Nhất Thành (bên trái) - PGĐ Công ty Vận tải biển và thương mại Trường Thành chia sẻ với PV Dân trí.

Cách đây 4 năm (2004), anh Hoàn cùng đồng nghiệp và lãnh đạo Công ty đã trục vớt thành công còn tàu chở hơn 800 tấn than gặp nạn trên biển. Anh Hoàn cho biết: “Năm đó chiếc tàu của Việt Nam chở than sang Trung Quốc trên đường đi gặp lốc xoáy đã bị nhấn chìm dưới biển sâu gần 35m. Tôi cùng đồng đội mất ròng rã gần một tháng trời mới trục vớt xong con tàu. Tuy nhiên, công việc trục vớt tàu ở biển không khó và không nguy hiểm như ở sông. Đặc biệt là con sông Lam, vì nước chảy  xiết, quá mạnh”.

Năm 2006 trong vụ đắm Chôm Lôm (huyện Con Cuông, Nghệ An) anh cũng tham gia vớt thi thể 18 học sinh xấu số trong một buổi sáng định mệnh. Anh kể: “Năm đó cũng theo tiếng gọi của lương tâm tôi cũng hụp dưới dòng sông Lam tìm xác các em nhỏ. Phía thượng nguồn sông Lam hồi đó không hung dữ như sông Lam hạ nguồn vào thời điểm này".

Tiếp cận nhóm thợ lặn trục vớt thi thể nạn nhân vụ chìm xe khách  - 4
Thợ lặn Nguyễn Văn Sơn.

Và trong lần trục vớt chiếc xe khách cùng gần 20 thi thể nạn nhân xấu số này, tinh thần cứu giúp các nạn nhân đã được các thợ lặn đặt lên trên hết.

“Mấy ngày tìm kiếm nhưng vẫn chưa có tin tức chúng tôi cũng nóng ruột lắm. Nghệ An, Hà Tĩnh suốt những ngày qua chìm trong tang tóc, đau thương. Số phận chiếc xe khách bị lũ cuốn mất tích cũng là điều được nhiều người quan tâm. Sau khi bàn bạc với anh em (5 công ty) chúng tôi quyết định xin ý kiến của UBND tỉnh Hà Tĩnh để tham gia tìm kiếm chiếc xe này theo tinh thần tình nguyện", anh Trần Nhất Thành - PGĐ Công ty Vận tải và thương mại Trường Thành cho PV Dân trí biết.

“Chỉ mong sao vớt được thi thể các nạn nhân càng sớm càng tốt”

Người xưa vẫn thường nói “sinh nghề tử nghiệp”, đúng vậy. Với những người thợ lặn dường như suốt đời họ chơi với nước, giỡn mặt với tử thần... Nhưng vẫn âm thầm lặng lẽ làm việc mà ít ai biết đến đó là tìm vớt xác trên những dòng sông, cửa biển.

Tiếp cận nhóm thợ lặn trục vớt thi thể nạn nhân vụ chìm xe khách  - 5
Thợ lặn Nguyễn Văn Sơn tâm sự với PV Dân trí.

Sau hơn một ngày dầm mình trong dòng nước lạnh buốt, chẳng kịp ăn chỉ uống vội mấy chai nước suối cầm chừng trên sông cho qua bữa nên ai cũng thấm mệt vì đói. Tâm sự với PV Dân trí tại bữa ăn “bù” sau hơn một ngày nhịn đói ngụp lặn trên dòng sông dữ, anh Nguyễn Văn Thảnh - Công ty CP Vận tải biển và thương mại Trường Thành cho biết: “Lúc đầu nhìn xuống dòng sông Lam nước chảy xiết, dữ dội cũng thấy sợ. Lao mình xuống rồi chẳng biết sợ là thế nào nữa, chỉ mong sao vớt được thi thể các nạn nhân càng sớm càng tốt”.

“Nước chảy xiết quá nên lao xuống để luồn giây cáp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Lúc chui luồn dưới gầm xe để mắc dây cáp tôi vớ phải cái áo có giật mình tý chút nhưng chẳng sao”, anh Thảnh cho biết thêm.

Lên 18 tuổi anh Thảnh đã là một thợ lặn có tiếng ở Nghệ An. Cùng với các anh em trong đội anh cũng rong ruổi đi cứu người, trục vớt tàu, thuyền đắm khắp nơi.

Còn với anh Nguyễn Văn Sơn - thành viên đội lặn của Công ty Vận tải và thương Mại Trường Thành thì vẫn chưa quên cái cảm giác khi lặn xuống để luồn dây cáp qua chiếc xe bị nạn. Phải mất 2 lần lao xuống dòng nước chảy xiết sâu gần 15m mới cùng đồng đội luồn được dây cáp qua thân xe. Phía trên trời vẫn nắng chói chang nhưng ở độ sâu 15m nước thì lạnh khủng khiếp.

Thế nhưng tất cả chưa thấm tháp vào đâu khi đang chăm chú luồn dây qua để đồng đội bắt lấy và néo lại thì trong làn nước mờ mờ, đục đục anh cảm thấy như ai đó đang áp sát cơ thể mình. Bất ngờ bàn tay anh chạm vào đầu của ai đó...

Tiếp cận nhóm thợ lặn trục vớt thi thể nạn nhân vụ chìm xe khách  - 6
Anh Nguyễn Văn Bình (trước) - người điều khiển - chỉ huy các thợ lặn làm nhiệm vụ đem lại thành công sớm nhất trong vụ trục vớt xe khách.

"Nói thật lúc đó mình hơi hoảng. Nhưng cảm giác đó chỉ thoáng trong chốc lát. Nếu nổi lên mặt nước bây giờ lại phải lặn thêm một lần nữa mới có thể luồn được dây cáp qua, như thế người nhà của các nạn nhân lại phải đợi thêm một khoảng thời gian nữa. Mỗi phút, mỗi giờ trôi qua là tinh thần và cả thể xác họ thêm kiệt quệ. Nén nỗi sợ hãi, mình cố đẩy đầu dây sang phía bên kia. May mắn là lần này cáp chui qua, đồng đội phía bên kia đón lấy rồi buộc lại, thế là ổn có chi đâu”, anh Nguyễn Văn Sơn tâm sự.

Công đoạn khó khăn nhất kết thúc cũng là lúc các anh em thợ lặn thở dài nhẹ nhõm. Ngoi lên khỏi mặt nước, ra dấu cho chỉ huy nhiệm vụ đã hoàn thành. Giữa cái nắng chói chang những ngày sau lũ, khuôn mặt anh Sơn dường như đỡ đen sạm hơn.

Sông Làm chiều tà, xác chiếc xe đã được kéo lên, thi thể các nạn nhân được đưa về quê mai táng. Nhưng nó vẫn gầm rú, còn những người thợ lặn, họ đã chinh phục được sóng gầm rú của dòng sông, lại trở về với công việc thường ngày và sẵn sàng hứng chịu hiểm nguy nếu có sự cố sông nước ở đâu đó. Công việc dẫu khó khăn, gian khổ và đầy rẫy hiểm nguy nhưng tâm hồn và tấm lòng của những người thợ lặn như anh Hoàn, anh Sơn, anh Thành... vẫn khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng.

“Thằng con trai mình cũng quyết tâm nối nghiệp cha đi làm “lính” sông. Cái nghề lặn ngụp cướp cơm Hà Bá này không sợ thất truyền rồi”, anh Nguyễn Văn Hoàn tếu. Nhưng thoáng chốc, gương mặt anh bỗng chùng xuống, “Ước gì không còn những cảnh đau thương như thế này nữa, như vậy cái nghề này chẳng cần đến những người nối nghiệp phải không chú?”.
 
 
Một số hình ảnh PV Dân trí ghi lại thợ lặn của 5 công ty thành phố Vinh tham gia trục các nạn nhân vụ chìm xe vì lũ:

Tiếp cận nhóm thợ lặn trục vớt thi thể nạn nhân vụ chìm xe khách  - 7
 
Tiếp cận nhóm thợ lặn trục vớt thi thể nạn nhân vụ chìm xe khách  - 8

Tiếp cận nhóm thợ lặn trục vớt thi thể nạn nhân vụ chìm xe khách  - 9

Tiếp cận nhóm thợ lặn trục vớt thi thể nạn nhân vụ chìm xe khách  - 10
Ngay từ chiều ngày 20/10, nhóm thợ lặn đã hoàn thành níu tàu bằng dây cáp.
 
Tiếp cận nhóm thợ lặn trục vớt thi thể nạn nhân vụ chìm xe khách  - 11
Nhóm thợ lặn cân nhắc trước khi xuống đáy sông
Tiếp cận nhóm thợ lặn trục vớt thi thể nạn nhân vụ chìm xe khách  - 12
Thợ lặn Nguyễn Văn Sơn miệt mài trên sông Lam

Tiếp cận nhóm thợ lặn trục vớt thi thể nạn nhân vụ chìm xe khách  - 13

Tiếp cận nhóm thợ lặn trục vớt thi thể nạn nhân vụ chìm xe khách  - 14
Thợ lặn Nguyễn Văn Hoàn đang đứng trên nóc xe khách, khi chiếc xe đang cách mặt nước 1m.
 
 

Danh tính những nạn nhân được tìm thấy ngày 21/10:

1. Phạm Văn Tưởng (25 tuổi), trú xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

2. Nguyễn Thị Duyên (20 tuổi), huyện Krông May, tỉnh Đắc Nông.

3. Đinh Văn Lương (37 tuổi), trú ở xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, Nam Định - tài xế xe khách.

4. Đinh Xuân Trường (21 tuổi), xã Tân Thắng, Cư jút, Đăk Nông)-là em trai của anh Lương.

5. Đỗ Thị Lan (24 tuổi), trú ở Hải Xuân, huyện Hải Hậu, Nam Định.

6. Nguyễn Thị Ngọc Ánh (7 tháng tuổi), trú ở Hải Xuân, huyện Hải Hậu, Nam Định - con chị Lan.

7. Hà Văn Luyến (47 tuổi), quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

8. Mai Nhi (31 tuổi), phường Khánh Xuân, Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk.

9. Đỗ Duy Gôn (3 tuổi), Khánh Xuân, TP Buôn Mê Thuật, Đăk Lăk.

10. Trần Thị Huệ (36 tuổi), quê Hải Phương, Hải Hậu, Nam Định-có con là Phạm Thị Vy chưa tìm được.

11.Phạm Thị Cúc (37 tuổi), trú tại Hải Xuân, Hải Hậu, Nam Định.

12. Lê Thị Phương Thảo (8 tháng tuổi), trú tại Hải Xuân, Hải Hậu, Nam Định -con chị Cúc

13. Nguyễn Văn Huy (19 tuổi), trú huyện Chư Xê, Gia Lai.

14. Đỗ Thị Lan (15 tuổi), trú Đồng Minh, Thanh Thủy, Tĩnh Gia, Thanh Hóa -em ruột của chị Phượng, chưa tìm thấy.

Danh sách 6 người chưa tìm được thi thể:

1. Trần Đăng Khoa (19 tuổi), trú EaPo, Cư Jút, Đắk Nông.

2. Nguyễn Thị Thùy (17 tuổi), trú Hoàng Nam, Nghĩa Hưng, Nam Định.

3. Đỗ Thị Phương (17 tuổi), Đồng Minh, Thanh Thủy, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

4. Phạm Văn Tuyên (19 tuổi), Đắk Ruồng, Kon Rẫy, Kon Tum.

5. Phạm Thị Yêu (54 tuổi, trú TP Buôn Ma Thuột).

6. Phạm Thị Vy (2 tuổi, trú Hải Hưng, Hải Hậu, Nam Định)- là con của nạn nhân Trần Thị Huệ (đã tìm được thi thể).

18 hành khách thoát nạn trong chuyến xe tử thần vào ngày 18/10:

1. Trần Văn Tấn (57 tuổi, Hải Thịnh, Hải Hậu, Nam Định)

2. Ngô Văn Đề (40 tuổi, Hải Nậu, Hải Hậu, Nam Định.

3. Đinh Công Luận (28 tuổi, Gia Phong, Gia Viễn, Ninh Bình.

4. Lường Hữu Thành (33 tuổi, Hoàng Thanh, Hoằng Hoá, Thanh Hoá.

5. Lường Thị Khánh Linh (2 tuổi, Hoàng Thanh, Hoằng Hoá, Thanh Hoá)-con ông Thành

6. Cao Đắc Chí (43 tuổi, Giao Phong, Giao Thuỷ, Nam Định.

7. Đỗ Văn Toàn (30 tuổi, Giao Phong, Giao Thuỷ, Nam Định).

8. Phạm Đình Nghiệp (39 tuổi, Trực Ninh, Nam Định).

9. Trần Đăng Lực (E A Pô, Cư Giút, Đắc Nông).

10. Nguyễn Văn Giá (35 tuổi, Hải Hậu, Nam Định).

11. Hà Xuân Toạ (46 tuổi Phú Lễ, Quan Hoá, Thanh Hoá).

12. Phan Văn Độ (Hải Hậu, Nam Định).

13 Trần Văn Tấn (Hải Hậu, Nam Định).

14. Nguyễn Thanh Thắng (Hải Hậu, Nam Định).

15. Trần Thị Mừng (46 tuổi), Đắc Ruồng, Con Rẫy, Đắc Nông.

16. Trần Văn Trường (nhà xe, quê Hải Hậu, Nam Định).

17. Phan Anh Quý (nhà xe, TP Buôn Mê Thuật, Đắc Lắc).
18. Đinh Văn Lộc (Giao Thủy, Nam Định
 
 
Nguyễn Duy - Quang Anh - Điền Bắc