1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tiếng kêu cứu từ rừng xanh!

(Dân trí) - Đầu tháng 3, chúng tôi theo chân người dân bản địa xã Mà Cooih (Đông Giang, Quảng Nam), lên đường đi thăm hàng ngàn bẫy thú rừng; chứng kiến một khu rừng pơ mu quý hiếm đã bị lâm tặc tàn phá quá nặng nề...

Hàng ngàn bẫy thú giăng kín rừng

Người dẫn đường cho chúng tôi là ông A Lăng M. (thôn PachePalanh, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang). Sau một đêm ngủ lại nhà ông A Lăng M., sáng sớm hôm sau, khi sương mù còn giăng khắp núi rừng, ông M. đã gọi chúng tôi dậy lên đường.
 
Đường vào rừng không đơn giản với dân ngoại đạo
Đường vào rừng không đơn giản với "dân ngoại đạo"
 
Sau hơn chục lần nghỉ chân, uống gần cạn số nước gùi theo; và chân đã mỏi, mắt đã mờ, nói không ra hơi, chúng tôi mới đến được căn lều của ông M. dựng để trông coi khu rừng của nhà. Tuy nhiên, đây chưa phải là điểm đặt bẫy thú.
 
Ông M. cho biết, ở khu rừng này có khoảng 1.000 bẫy thú của người dân các nơi đặt để bắt thú rừng. Có người từ Quảng Bình vào tận đây đặt bẫy và nhiều người trong số họ bỏ lại bẫy suốt từ sau tết đến nay. Còn lại phần lớn là bẫy của người dân địa phương. Anh em ông M. cũng có đến cả trăm chiếc bẫy đang đặt khắp rừng.
 
Theo lời ông M., ngoài những chiếc bẫy, trong rừng còn có rất nhiều người đi săn thú. Họ mang theo súng tự chế và thường chỉ trở về khi đã có "sản phẩm".
 
Rất khó để nhận ra chiếc bẫy thú vòng tròn bằng sắt dưới tảng đá
Rất khó để nhận ra chiếc bẫy thú vòng tròn bằng sắt dưới tảng đá
 
Chỉ quả núi sừng sững trước mắt, ông M. bảo: “Đó, bẫy thú đặt trên đó. Ngoài này không còn thú nữa nên không ai đặt bẫy ngoài này cả”. Bám theo anh em ông M., chúng tôi đến thăm chiếc bẫy thú đầu tiên. Ông M. dặn chúng tôi hết sức cẩn thận kẻo trúng bẫy. Đi thăm hơn trăm chiếc bẫy, không thấy con thú nào dính bẫy. Ông M. bảo bây giờ thú rừng đã cạn kiệt rồi, kiếm con thú dính bẫy rất khó. Ông M. nói từ tết đến nay, ông đã 3 lần lội rừng thăm bẫy nhưng cả 3 lần đều về tay không. Có lần thấy một con khỉ dính bẫy nhưng đã chết thối, không thể ăn được, đành vứt bỏ. 
 
Theo ông M., đây là khu rừng già cuối cùng còn sót lại nằm giáp ranh giữa các xã Mà Cooih, Cà Dăng và Zà Hung của huyện Đông Giang.
 
Chiến tích 10 đầu thú treo trên trần nhà ông M. - là những con thú do cha ông đã săn được
"Chiến tích" 10 đầu thú treo trên trần nhà ông M. - là những con thú do cha ông đã săn được
 
Khi chúng tôi ra khỏi rừng thì đồng hồ đã chỉ 5 giờ chiều. Gặp những người dân cùng đi làm rừng về, họ kể ở xóm trên hôm nay bẫy được con mang to lắm, mấy gia đình chia nhau ăn chứ không bán. Chúng tôi vội lấy xe máy chạy lên xem thử nhưng chú mang xấu số đã được bỏ vào nồi.
 
Trong nhà ông M. có tất cả 4 đầu con nai treo trên cột
Trong nhà ông M. có tất cả 4 đầu con nai treo trên cột
 
Những khối gỗ quý bị lãng quên?
 
Khu rừng pơ mu hiếm hoi còn sót lại thuộc thôn PachePalanh, xã Mà Cooih, có hàng chục cây pơ mu và một số loại gỗ quý khác.
 
Những cây pơ mu to 2-3 người ôm
Những cây pơ mu to 2-3 người ôm
 
 
Khu rừng còn khoảng vài chục cây pơ mu
Khu rừng còn khoảng vài chục cây pơ mu
 
Hàng chục cây pơ mu vươn mình cao vút, thân cây 2-3 người ôm không xuể, nhìn "đã con mắt". Nhưng ông M. bảo, qua thời gian, hàng chục m3 gỗ quý nơi đây đã bị triệt hạ không thương tiếc.
 
Đi vài trăm mét trong khu rừng, chúng tôi nhẩm tính có vài chục cây pơ mu, cây nào cũng cao trên 30 mét, thân 2-3 người ôm. Xen kẽ có những gốc pơ mu đã bị lâm tặc triệt hạ. Cách đó không xa, hàng chục khối gỗ quý bị lâm tặc khai thác, vứt ngổn ngang khắp rừng.
Theo nhận định của ông M., số gỗ này không phải pơ mu mà là gỗ dổi, bị khai khác cách đây khoảng vài năm. Những phên gỗ đã được cưa xẻ vuông vắn nhưng không hiểu sao lại bị bỏ lại, cây dại phủ đầy. Có nơi gỗ nằm rải rác từng phách, có nơi được tập kết thành bãi. Nhiều tấm rộng đến gần 1m cũng bị bỏ lại.
 
Số gỗ dổi bị lâm tặc bỏ lại hiện trường

Số gỗ dổi bị lâm tặc bỏ lại hiện trường

Lý giải cho số gỗ bị bỏ quên này, ông M. cho rằng sau khi cưa xẻ xong, lâm tặc bị kiểm lâm phát hiện nên không có đường vận chuyển gỗ về nơi tiêu thụ. Theo ông này, gỗ dổi tuy không quý bằng gỗ pơ mu nhưng hiện nay nếu đưa ra ngoài thị trường bán cũng có giá gần 20 triệu đồng/ mét khối.

“Ở đây hiểm trở quá, nếu không số gỗ này người dân đã mang về nhà từ lâu rồi”, ông M. nói.

Chúng tôi rời rừng, gặp những người dân đi làm rẫy về, nghe họ than thở, lúc này bị khỉ xuống phá rẫy dữ quá; bắp, đậu bị chúng phá hết, không còn gì ăn cả. Trộm nghĩ, có phải vì ngôi nhà tự nhiên của thú rừng bị con người tàn phá quá dữ dội nên thú rừng đã quay sang "trả đũa" loài người?  

Công Bính