1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Bình:

Tiếng gõ mõ đặc biệt của lão ngư 75 tuổi trên sông Gianh

(Dân trí) - Đêm đến, những tiếng lóc cóc lại vang lên vang cả một khúc sông Gianh. Đó là thứ âm thanh “gõ mõ” bắt cá quen luộc của một lão ngư bên bến Kinh Trừng.

Với bàn tay rắn chắc, làn da sạm nắng vì lam lũ, lão ngư Mai Tân (75 tuổi) ở thôn Kinh Trừng, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) hằng đêm vẫn xuôi dòng sông Gianh giăng lưới, bắt cá. Ông đã chọn đó là cái nghiệp gắn với cuộc đời mình từ tuổi thơ đến đầu bạc và đã có thâm niên hơn 60 năm chìm nổi giữa dòng sông Gianh này.

Trắng đêm trên dòng sông Gianh

Chập choạng tối, vào mùa gió lặng ở phía thượng nguồn sông Gianh, đứng bên bến Kinh Trừng nhìn về phía chân cầu Chợ Gát, lẫn khuất trong ánh trăng mờ ảo là những chiếc thuyền nhỏ, thấp thoáng bóng người cần mẫn thả lưới đánh cá. Trên đoạn sông ngắn này, bao thế hệ ngư dân đã dùng tiếng mỏ chọn nghề “ăn đêm”.

Khi mặt trời đã tắt trên rặng núi, bến Kinh Trừng yên tĩnh đến lạ thường, lão ngư Mai Tân lom khom chuẩn bị đầy đủ tất cả các ngư cụ trên con thuyền nhỏ cho chuyến xuôi dòng sông Gianh đánh bắt cá. Thuyền từ từ xuôi dòng về phía hạ nguồn chừng 5km, ông Tân dừng tay chèo mặc thuyền trôi lơ lững trên dòng nước rồi bắt đầu giăng lưới.


Ông Tân đang thả lưới cho một chuyến mưu sinh trong đêm

Ông Tân đang thả lưới cho một chuyến mưu sinh trong đêm

Cầm trên tay một tay lưới tầm hơn 50m, ông Tân thả mẻ đầu tiên xuống mặt sông vắng, tay phải ông khua mái chèo lướt nhẹ trên dòng nước, tay trái thoăn thoắt giăng lưới theo hướng mà con thuyền đang đi. Công việc cứ thế được diễn ra một cách nhịp nhàng dưới đôi bàn tay của lão ngư đầy kinh nghiệm. Chỉ mất 10 phút tay lưới đầu tiên đã nằm một vòng tròn dưới sông.

“Làm cái nghề ni cực lắm các chú à, đêm may mắn thì được vài ba ký cá, có đêm thì không được con mô. Nhưng cũng may là trời cho sức khoẻ nên ngày mô tui cũng đi thả lưới bắt cá”, ông Tân tâm sự.

Trên con thuyền nhỏ ngoài các tay lưới ra còn có 2 thanh gỗ, mỗi thanh dài chừng 50cm. Theo lời ông đây là những cái mõ, khi dùng mõ này đánh vào mạn thuyền sẽ vang lên những tiếng động lớn, nghe thấy tiếng động này cá sẽ đua nhau bỏ chạy rồi mắc vào lưới đã được giăng sẵn. Với bàn tay rắn chắc, ông nắm lấy hai thanh gỗ gõ liên tục vào mảnh ván tạo ra những thứ âm thanh rất đặc biệt, lúc lên bổng lúc xuống trầm, khi mạnh khi yếu. Tiếng gõ mõ liên tục xé tan sự tĩnh lặng vốn có của dòng sông.


Những tiếng mõ vang lên khiến cho đàn cá mất hướng di chuyển mắc vào lưới

Những tiếng "mõ" vang lên khiến cho đàn cá mất hướng di chuyển mắc vào lưới

Đến công đoạn thu lưới. Con thuyền nhẹ nhàng lướt theo hướng lưới giăng, ông Tân mon men thu lại từng mẻ lưới, tay trái thu từng mảnh lưới rất đều đặn, tay phải cụ miệt mài chèo nhẹ con thuyền. Mỗi khi phát hiện những chỗ cá mắc lưới, ông lại cho thuyền dừng rồi gỡ nhẹ nhàng từng con cá bỏ lên thuyền.

Ông Tân nói: “Công đoạn này mệt nhất, khi cá, tôm đã mắc lưới thì phải chịu khó gỡ làm sao để nó sống được và đủ độ tươi nguyên vẹn”. Việc làm này đòi hỏi phải có sự kiên trì, nhẫn nại và bằng kinh nghiệm thực tiễn của một ngư dân đánh cá lâu năm, nếu những người không biết cách gỡ, gỡ được cá ra rồi sẽ khiến cá chết rất nhanh và đợi đến lúc trời sáng thì dễ ươn, không bán được.

Mất hơn 1 giờ thu lưới, trên khoang chiếc thuyền nhỏ của ông Tân đã đầy những chú cá rô, cá chép nhỏ, cá heng… Thành quả đêm nay thu về được khoảng 5kg. Thành quả đó đủ khiến ông Tân hài lòng.

Mặt trời bắt đầu nhô lên phía hừng đông, con thuyền ông Tân lại tất tả ngược dòng trở về bến để kịp cho buổi chợ sớm. Tại đây, bà Thược vợ ông đã chờ sẵn, bán cá cho chồng. Bà cho biết một đêm đánh cá như vậy cho thu nhập đều đặn từ 100 - 200 ngàn đồng.

9 năm chèo đò vận tải tiếp tế cho bộ đội

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, nghèo khó, sống bằng nghề sông nước, ông Tân là con thứ 7 trong 9 anh chị em. Từ nhỏ, ông là người con duy nhất theo bố dọc ngang sông nước với nghề chài lưới, được bố dạy bơi, dạy gõ mõ bắt cá.

Ông nhớ lại, năm hơn 10 tuổi ông đã ra sông cùng bố ngược lên thượng nguồn Thanh Lạng, rồi quay về hạ nguồn sông Gianh, có những chuyến đi mất đến hai ba ngày, cá bắt được đến đâu bán cho người dân đến đó. Suốt cuộc đời neo mình trên dòng Gianh, ông đã nếm trải bao khó khăn nhọc nhằn của nghề chài lưới.

Thời trai trẻ, vào năm 1963, khi Mỹ - Nguỵ đánh vào đất Quảng Bình, là một tay chèo kinh nghiệm trong làng nên ông là một trong số 2 người dân Đức Hoá được cử đi tiếp tế vận tải bằng đường thuỷ cho bộ đội.

“Hồi đó tui với một người nữa khi đang chèo đò vận chuyển muối từ Phong Nha (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) về cho bộ đội và người dân nơi đây, khi chèo đò đến gần bến Kinh Trừng, thấy chúng tôi máy bay Mỹ ném bom liên tục, nó thả một quả bom rất lớn giữa sông hất tui văng hẳn lên bờ, thuyền thì lật, tưởng là chết rồi, nhưng khi tỉnh lại thấy vợ và các con đang bên cạnh, mừng lắm!”, ông Tân nhớ lại.

Hồi đó nhiều lần ông làm dân quân vận tải trên sông Gianh vận chuyển muối từ Cù Lạc (Phong Nha, xã Sơn Trạch) lên cho bộ đội và bà con vùng trên, rồi lại chở gạo xuống cấp phát cho dân quân tuyến dưới.

Dòng sông Gianh gắn liền với cuộc đời của lão ngư già Mai Tân
Dòng sông Gianh gắn liền với cuộc đời của lão ngư già Mai Tân

Mọi thứ đều diễn ra vào ban đêm, ban ngày ông nép vào các hang, chờ trời tối lại tiếp tục hành trình đầy nguy hiểm. Trong những năm tháng ấy, có những trận bom tưởng chừng không thể qua khỏi, nhưng cuối cùng bom đạn của giặc không cướp đi được mạng sống của ông.

Với nhiều chiến công trong 9 năm làm dân quân vận tải, ông đã vinh dự được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao tặng Bằng khen. Tuy nhiên đến nay ông vẫn không được hưởng một chế độ gì.

“Nhiều lần lên xã để xin chế độ nhưng mấy anh cán bộ bảo tui không có giấy tờ nên không thể xin cấp chế độ. Trận lũ lịch sử hồi 2010 đã cuốn mất căn nhà và toàn bộ giấy tờ, tui chỉ kịp ôm cái huân chương mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao tặng và xem đó như là một kỷ niệm”, ông Tân tủi phận.

Giờ đây ở tuổi 75, ông vẫn miệt mài từng đêm gõ mõ bắt cá. “Nghề nào cũng cao quý, miễn là nó lương thiện”, người ngư phủ già tự dặn lòng mình.

Đặng Tài - Hoàng Phương