1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tiếng cồng làng Đong

(Dân trí) - Đến làng Đong (xã Nghĩa Tiến, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) hôm nay, ai cũng ngỡ ngàng trước sự đổi thay của bản làng người Thổ. Dừng chân bên sườn dốc, tình cờ nghe tiếng hát ví ngân nga: “Mấy khi cho Tấn gặp Tần, mấy khi khách lạ xa gần tới đây...”.

Quay sang hỏi cán bộ phụ trách văn hoá địa phương Phan Văn Trinh mới biết đó là tiếng hát của già làng Phạm Thị Đường, một nghệ nhân hát ví của làng.

 

Nghe tiếng xe máy, biết là có khách lạ tới thăm, già Đường cẩn thận để chiếc kèn sâu ma (kèn làm bằng gỗ cây mít và tổ kén của con sâu) xuống rồi vào buồng cầm hũ rượu quý ra rót mỗi người một chén thay cho chén nước mời khách. “Ồ khách quý à, uống hết đi rồi già kể chuyện tiếng kèn, tiếng cồng, tiếng chiêng cho mà nghe”. 

 

Vừa đặt chén rượu thơm nồng xuống, mắt nhìn thẳng vào từng vị khách, già Đường kể: “Bà con tộc Thổ ngày xưa chỉ có khoảng mười hộ gia đình cùng nhau lập bản giữa chốn rừng núi rậm rạp, con thú dữ thường về phá phách. Già làng lúc đó cử những chàng trai khoẻ mạnh tìm cách xua đuổi mà không được. Khi đó, có một ai trong đám trai bản lấy cồng ra đánh. Nghe tiếng cồng con thú dữ khiếp sợ chạy một mạch về rừng sâu”. 

 

Từ đó, tiếng cồng, tiếng chiêng đã trở thành vũ khí để chống lại thú dữ và xua đuổi tà ma. Lâu dần, bà con thường mang cồng, chiêng ra đánh rồi hát cho nhau nghe những điệu ví câu hò dưới ánh trăng rằm sáng vằng vặc sau những ngày làm việc mệt nhọc nơi nương rẫy. 

 

Tiếng cồng, tiếng chiêng còn giúp trai làng gái bản tìm đến nhau qua điệu ví câu hò. Ở làng Đong này sinh ra đã mê tiếng cồng, tiếng chiêng rồi. Cầm chiếc kèn sâu ma rồi bảo đứa cháu nội đánh vài nhịp cồng chiêng, già Đường vui vẻ tặng khách đôi lời hát đối cổ. 

 

Theo như lời cán bộ văn hoá Trinh thì ở làng Đong, bà con hễ nghe được tiếng cồng chiêng trong dịp lễ, tết vọng về là gọi nhau tìm đến để nhảy múa reo hò.

 

Ngoài ra, đồng bào dân tộc Thổ nơi đây còn sử dụng cồng chiêng trong các lễ như mừng mùa vụ thắng lợi, đưa tiễn người làng xuống cõi âm...

 

Làng Đong với gần 700 nhân khẩu trên tổng số 169 hộ đồng bào Thổ sinh sống nhờ lúa nước và trồng hoa màu. Với họ, tiếng cồng, tiếng chiêng là nét sinh hoạt văn hoá được lưu truyền từ xa xưa.

 

Hiện chính quyền địa phương đang nỗ lực cùng bà con gìn giữ nét văn hoá cồng chiêng bằng việc mời các nghệ nhân cao tuổi mở các lớp truyền dạy cho con cháu. Hàng năm, vào các dịp lễ hội xã cử đội cồng chiêng làng Đong đi thi, biểu diễn ở trung tâm văn hoá các cấp và giành được nhiều giải thưởng cao. 

 

Tiếng cồng, tiếng chiêng và các điệu hát ví của làng Đong đã chinh phục được ban giám khảo và đông đảo bà con bởi sự độc đáo trong cách các nghệ nhân biểu diễn. 

 

Năm 1982, các nghệ nhân làng Đong vinh dự được cử đi thi và đạt giải 2 toàn quốc do Bộ VH - TT (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức; từ năm 1985-1990 đến nay cồng chiêng làng Đong đi biểu diễn ở tỉnh mỗi năm 2 lần và Trung ương 3 lần, chưa kể biểu diễn ở các vùng, tỉnh lân cận...

 

“Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng để cồng chiêng của người Thổ không chỉ vang lên trong bản làng mà còn vang xa hơn nữa” - anh Trinh tự hào nói.

 

Nguyễn Duy - Ngọc Thái