Tiên Yên - Quảng Ninh: Nơi hủ tục còn sót lại
(Dân trí) - Kinh tế kém phát triển, người dân ít được học hành là một trong những nguyên nhân để các hủ tục vẫn còn “đất” bám rễ. Tại một số bản vùng cao ở Quảng Ninh, chuyện tảo hôn, coi phụ nữ như một món hàng sẵn sàng gả bán, đổi chác khi “không thích nữa”… đang diễn ra như cơm bữa.
Con gái bản ế, cán bộ có chịu trách nhiệm được không?
Theo chân chị Tô Thị Dương - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Tiên Yên, tôi tìm về xã Phong Dụ - một xã nghèo miền núi có số dân gần 4.000 người với 5 dân tộc anh em chung sống. Phong Dụ là xã thuộc chương trình 135 của Chính Phủ, nhìn những mái nhà tranh vách đất xiêu vẹo, lơ lửng lưng chừng núi, ai cũng có thể hiểu được rằng cuộc sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn.
Trong số các dân tộc ít người ở xã Phong Dụ thì người Dao Thanh Phán là tộc người vẫn mang nặng nhiều phong tục lạc hậu nhất, đặc biệt là trong chuyện dựng vợ, gả chồng. Theo anh Đặng Văn Quân - Trưởng Ban Văn hoá xã Phong Dụ, con gái người Dao Thanh Phán 12, 13 tuổi là lấy chồng, cô nào đến 16 tuổi đã bị coi như ế...
Con gái dân tộc Dao về nhà chồng khi đang là một đứa trẻ, ở với gia đình chồng một thời gian, chỉ cần không hợp với bố mẹ chồng sẽ bị đem bán cho người khác. Năm 2003, con gái Sáng Phúc là Chíu Nhì Múi (lấy chồng lúc 14 tuổi) sau khi về ở với gia đình nhà chồng được khoảng 5 năm thì bị bán cho người khác.
Có những trường hợp lấy chồng một thời gian, dù hai đứa trẻ thích nhau, nhưng do không vừa ý bố mẹ chồng người con dâu cũng bị bán. Trường hợp này, thường bố mẹ chồng đưa cho con trai mình một ít tiền bảo đi chợ chơi, khi “người chồng” về đến nhà không thấy “vợ” đâu, hỏi ra mới biết bố mẹ đã bán rồi, thế là cũng đành chịu.
Người Dao Thanh Phán coi chuyện mua con dâu người khác về làm vợ cho con trai mình là chuyện bình thường. Ví như con gái Sáng Phúc về làm dâu nhà Vòng Tắc Sàu được một thời gian thì bị bán lấy gần 6 triệu đồng. Sau đó, chẳng hiểu sao cô lại bị bán lần nữa với giá 8 triệu đồng. Khi biết mình bị bán, chị thấy thế nào? “Không biết làm cái gì cả, thấy người ta đến đón thì phải đi thôi” - Chíu Nhì Múi trả lời bình thản và coi đó là chuyện đương nhiên không thể khác được.
Cũng theo anh Quân, trước đây, con gái Dao ở vùng này nhiều khi không khác gì một món hàng. Lần đầu lấy chồng thì được tổ chức đám cưới khá linh đình, nhưng nếu bị bán thì chỉ biết cúi đầu đi theo phía người mua mà thôi. Những người phụ nữ sống một cuộc đời cam chịu, khi còn là con gái, bố mẹ mình gả đâu thì chịu đấy. Về nhà chồng rồi phải lao động cật lực, nhưng chỉ cần không được lòng chồng hoặc bố mẹ chồng thì sẽ bị bán đi...
Nạn tảo hôn của đồng bào dân tộc ít người ở xã Phong Dụ nói riêng và huyện Tiên Yên nói chung cách vài ba năm trở về trước là “chuyện thường ngày ở huyện”. Khi cán bộ đến vận động cưới gả đúng tuổi theo quy định của pháp luật, thầy Mo Chìu Nhì hỏi “để đến 18 tuổi mới cho kết hôn thì già rồi, ai lấy? Nếu con gái bản tao ế thì chúng mày có chịu trách nhiệm được không?”. Phải đến năm 2003, khi Toà án nhân dân huyện Tiên Yên đưa ra xét xử lưu động hai vụ tảo hôn ở xã này thì thầy Mo Chìu Nhì mới bắt đầu hiểu ra và xuôi theo...
Nặng lòng hủ tục
Hiện nay, nạn tảo hôn ở Phong Dụ về cơ bản đã được xoá bỏ, tuy nhiên nó vẫn có thể tái diễn bất cứ lúc nào nếu việc công tác vận động không được quan tâm đúng mức. Vì vậy, các cán bộ địa phương vẫn luôn luôn “cảnh giác”. Chỉ cần nghe nhà nào rục rịch cưới vợ, gả chồng cho con chưa đến tuổi là ngay lập tức hội viên Hội Phụ nữ, đoàn viên thanh niên đến nhà vận động và đề nghị gia đình viết bản cam kết...
Bên cạnh nạn tảo hôn đã được giải quyết, các cán bộ xã Phong Dụ và huyện Tiên Yên vẫn đang đau đầu về một số hủ tục khác của đồng bào dân tộc ít người. Đó chính là việc trọng nam khinh nữ, nhà nào chưa có con trai thì phải “phấn đấu” cho bằng được. Hầu hết các gia đình trong độ tuổi sinh đẻ ở Phong Dụ đều sinh đến con thứ 3, thậm chí một số cặp vợ chồng còn trẻ mà đã có đến 6, 7 đứa con.
Chị Nông Thị Dương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã tâm sự: Vấn đề này chúng tôi cũng đã vận động nhiều rồi, nhưng rất khó nên chưa thể thực hiện được ngay. Tâm lý trọng nam khinh nữ vẫn đè nặng trong quan niệm của người dân nơi đây, nhà nào không có con trai thì người chồng hay bị bạn bè trêu chọc là “không biết đẻ”... vậy là họ lại “quyết tâm”...
Ngoài ra, người dân tộc ở Phong Dụ còn duy trì một tập quán lạc hậu khác về chuyện vệ sinh. Có thể nói là tiện đâu họ “giải quyết” ở đấy, chỉ cần một vài bụi cây che khuất là xong. Chị Nông Thị Dương kể, khi có công việc đi vào các làng bản này, chị sợ nhất là vướng phải “mìn”, vì xung quanh nhà gần như chỗ nào cũng có. Lần đầu tiên chị vào bản, gặp ngày nắng nóng thế là đủ các thứ mùi bốc lên, đến lúc này chị mới hiểu được nỗi vất vả của những người làm công tác Hội...
Các đoàn thể đến vận động bà con làm nhà vệ sinh thì nhận được câu trả lời chỉ còn biết mếu: “không có tiền”. Chị Phạm Thị Huyền - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Tiên Yên nói rằng, dẫu biết sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn mới có thể xoá bỏ hết được các hủ tục ở vùng quê này, đặc biệt là quan niệm phải có con trai bằng được và khâu vệ sinh trong cuộc sống nhưng Hội Phụ nữ huyện cũng sẽ “làm bằng được”.
Chỉ hi vọng “chiến dịch” thanh toán hủ tục tại Phong Dụ nói riêng và Tiên Yên nói chung sẽ bắt đầu từ việc giúp dân làm kinh tế. Thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, các hủ tục sẽ không còn đất sống.
Phương Thảo