1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tiền tỷ bị hủy hoại trên quốc lộ 5

Hàng loạt các công trình đảm bảo giao thông trên QL 5 bị xe gây tai nạn hủy hoại. Hàng ngàn thanh rào sắt cũng bị trộm sắt phá để... bán sắt vụn. Nhà nước đang bị thiệt hại tiền tỷ, nguy cơ tai nạn giao thông ở mức báo động đỏ.

Xe phá công trình

 

Không chỉ gây thiệt hại về người, phương tiện, hầu hết các vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên QL 5 đã hủy hoại nghiêm trọng đến các công trình đảm bảo giao thông.

 

“Chỉ một chiếc xe container cũng có thể làm bẹp cả trăm  mét rào sắt và bẻ gập cả hàng cột điện” - ông Nguyễn Đức Phong - Hạt trưởng Hạt Quản lý đường bộ số 2 (QL 5) cho hay. Và vì QL5 là con đường của xe “quá khổ” nên mức độ thiệt hại cho các công trình sau tai nạn là rất lớn.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó phòng Quản lý giao thông Công ty Quản lý sửa chữa đường bộ 240 (Công ty 240): Nửa đầu tháng 6/2006, QL 5 đã có 6 vụ tai nạn, gây thiệt hại gần 100 triệu đồng. Cụ thể, ngày 2/6/2006 xe 16H-5264 đã đâm hỏng 22 tôn sóng và cuốn phăng 22 trụ bê tông. Vụ tai nạn gây thiệt hại cho Nhà nước 23 triệu đồng. Ngày 7/6, tại Km 20+250 một vụ tai nạn cũng san phẳng 11 tôn sóng và 10 trụ bê tông gây thiệt hại trên 14 triệu đồng...

 

Số liệu của Công ty 240 cho thấy 6 tháng đầu năm 2006 đã có 295 vụ TNGT gây thiệt hại cho công trình giao thông gần 2 tỷ đồng. Số vụ TNGT không bắt được thủ phạm gây tai nạn là 133 vụ, gây thiệt hại 288 triệu đồng.

 

Theo đánh giá của Công ty 240, đây là dấu hiệu đáng lo ngại vì cả năm 2005 trên QL này cũng chỉ có 534 vụ TNGT gây thiệt hại 2,6 tỷ đồng.

 

Dân phá rào sắt đem bán

 

Để đảm bảo an toàn cho phương tiện tham  gia giao thông, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để lắp đặt hệ thống rào sắt trên dải phân cách giữa của QL 5. Do thói quen, nhiều người dân địa phương đã phá rào để qua đường. Nhiều đối tượng còn phá hàng trăm mét rào để lấy sắt đem bán.

 

Ông Phong chỉ ra 3 địa điểm vừa bị phá rào đầu năm 2006: Km 63+500 (xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, Hải Dương) có điểm bị phá (dài 4m) đến lần thứ 5; tại Km 65 (xã Cổ Dũng, Kim Thành) cũng bị phá 4m.

 

Theo tính toán của Công ty 240, từ khi đầu tư rào sắt, toàn tuyến QL 5 có hàng chục điểm bị phá rào rải khắp toàn tuyến từ Hưng Yên đến Hải Dương và Hải Phòng. Trung bình thiệt hại tại mỗi điểm này từ 4 triệu đồng đến cả chục triệu đồng.

 

Đặc biệt, phải kể đến hàng loạt các vụ phá hoại công trình giao thông trắng trợn diễn ra cuối năm 2005 như: Trên địa bàn quận Hồng Bàng (Hải Phòng) trong tháng 9 và 10/2005 đã xảy ra 5 vụ phá rào sắt. Kẻ gian lấy đi 1.042 thanh thép (3,8 tấn), trị giá 43 triệu đồng.

 

Tháng 9 và 10/2005, tại huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), có 956 thanh thép (3 tấn) bị tháo trộm đem bán. Cùng thời gian trên, tại huyện An Dương (Hải Phòng) cũng có 84 thanh thép (209kg) bị “bốc hơi”...

 

Theo Công ty 240 thì chỉ tính trong năm 2005 đến nay, số thép bị mất trộm lên đến gần chục tấn, thiệt hại kinh tế lên đến cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là ngay tại những chỗ bị phá rào, người dân qua lại tùy tiện nên nguy cơ gây TNGT là rất lớn.

 

Bao giờ cơ quan chức năng mới vào cuộc thực sự?

 

Trong số 295 vụ TNGT gây thiệt hại gần 2 tỷ đồng đến công trình giao thông, Công ty 240 chỉ “bắt đền” được nhà xe 111 vụ (35%). Nguyên nhân, theo ông Sơn, nhiều vụ TNGT xảy ra trong đêm, sáng nhân viên tuần đường đến thì chỉ là hiện trường tan nát. Mặc dù Công ty có cơ chế thưởng cho xe ôm khi báo số xe gây tai nạn nhưng không phải lái xe ôm nào cũng chịu làm việc này. Ngay cả khi báo cảnh sát, thì lực lượng này cũng không mấy mặn mà. Nhiều khi công ty phải tự truy tìm chủ xe gây thiệt hại nên gặp rất nhiều khó khăn.

 

Trong việc xử lý các vụ trộm rào sắt, hiện việc khó khăn nhất là ngăn ngừa từ cơ sở. Nếu như chính quyền sở tại có biện pháp giáo dục cũng như hình thức xử lý nghiêm khắc chắc hẳn sẽ giảm thiểu các vụ trộm. Rất tiếc, việc bảo vệ công trình giao thông dường như chỉ thuộc ngành... giao thông. Năm 2005, đã 2 lần cơ quan pháp luật xử lý các vụ trộm rào sắt nhưng theo quan điểm của Công ty 240 thì các bản án còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

 

Theo Phùng Sưởng

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm