Tiền tỉ… trôi theo nước bẩn!

Theo tính toán sơ bộ, chỉ với hai kỳ hóa đơn tại hai chi nhánh cấp nước Phú Hòa Tân và Tân Hòa, nếu tính giá bình quân là 4.500 đồng/m3 thì số tiền nước bẩn phải xả bỏ đã hơn 9,6 tỉ đồng. Nhưng thật kỳ lạ, nước vẫn cứ bẩn.

Ngành cấp nước TPHCM khá tốn kém cho các phương án giải quyết nước bẩn và “hậu quả” nước bẩn cũng làm thất thu cho ngành hàng tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục nước bẩn một cách triệt để.

 

Nước bẩn đang tái diễn ở nhiều khu vực, lúc trong lúc đục. Sức khỏe của khách hàng cũng đang “phập phồng” theo chất lượng nước.

 

Tính từ tháng tám đến nay, đã hơn hai tháng nước bẩn diễn ra trên diện rộng. Tại hai “vùng trũng” là quận Tân Phú và Tân Bình, khách hàng và chính quyền địa phương tiếp tục bức xúc vì nước bẩn diễn biến bất thường.

 

Một khách hàng ở phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú than: “Nước chỉ trong được vài ngày sau đó lại như cũ. Phải xả bỏ một lúc, sau đó hứng lắng lại mới dám nấu ăn uống nhưng vẫn thấy lo lo vì không còn cách nào khác. Tôi đã chịu như vậy gần nửa năm rồi”.

 

Tại một số khu vực thuộc quận 11, Chi nhánh Cấp nước (CNCN) Phú Hòa Tân cho biết nước đã hết bẩn nhưng qua kiểm tra, UBND quận 11 phát hiện nhiều nơi lượng clor dư trong nước không đảm bảo.

 

Thời gian qua, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã áp dụng hàng loạt phương án giải quyết nước bẩn. Lúc đầu, Sawaco cho súc xả đường ống cấp 1, 2, nhưng nước vẫn bẩn. Sau đó tiếp tục cho súc xả đường ống cấp 3. Thậm chí có thời điểm, CNCN Phú Hòa Tân và CNCN Tân Hòa đã huy động lực lượng trực tiếp đến nhà hơn 1.000 khách hàng để ghi nhận, xả nước bẩn theo yêu cầu.

 

Rồi các giải pháp như dùng mút thông đường ống để đẩy hết chất bẩn ra ngoài, thuê quay camera kiểm tra đường ống… cũng đã áp dụng, với chi phí khá tốn kém. Nhưng ở nhiều khu vực, nước bẩn chưa giảm. Người dân có cảm giác ngành cấp nước đang lúng túng trong việc tìm các giải pháp để giải quyết căn cơ vấn đề.

 

Chưa kể nước bẩn còn gây ra những hậu quả khác không thể đo đếm được là làm khách hàng mất niềm tin, gây thất thu cho ngành, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng... Số liệu mới nhất từ Sawaco cho thấy chỉ riêng hai CNCN Phú Hòa Tân và Tân Hòa, trong hai kỳ hóa đơn 8 và 9/2005, thất thu do nước bẩn lên đến hàng tỉ đồng.

 

Chưa kể khối lượng nước khá lớn xả qua các đường ống, hầm xả, trụ cứu hỏa... chưa được thống kê. Và một thời gian dài trước đây, một khối lượng nước bẩn khác do khách hàng xả bỏ nhưng không được ngành cấp nước ghi nhận, trừ tiền. Điều đáng nói là nguồn nước bơm vào nhà máy, tốn chi phí xử lý, vận hành, sau đó lại nhiễm bẩn chính trong đường ống.

 

Theo giải thích của Sawaco, nguyên nhân gây ra nước bẩn là do đường ống vẫn chưa thuyết phục. Có ý kiến cho rằng nước bẩn là do nước bẩn từ bên ngoài chui vào đường ống qua các điểm bể. Và một trong những nghi vấn đặt vấn đề nguyên nhân chính là 10 dự án mạng phía tây trong quá trình thi công không đảm bảo, để bùn đất lắng trong ống gây bẩn.

 

Ngay trong cán bộ ngành cấp nước, việc xác định nguyên nhân vì sao nước bẩn, vì sao nước tái bẩn nhiều lần... còn khác nhau, chưa thống nhất thì việc tìm ra phương án giải quyết nước bẩn sẽ tiếp tục kéo dài.

 

Tuy nhiên tại cuộc họp mới đây, Sawaco đề xuất lãnh đạo UBND TPHCM để giải quyết căn cơ nước bẩn, cần đầu tư kinh phí để thay 850km đường ống cũ, mục được lắp đặt từ trước năm 1975. Ước tính số tiền thay các tuyến ống này hơn 1.500 tỉ đồng. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng khi chưa xác định được nguyên nhân chính nước bẩn do đâu thì việc đầu tư khoản kinh phí quá lớn như vậy có quá vội vã, liệu sẽ giải quyết được vấn đề?

 

Theo Lan Vi
Tuổi trẻ