Tiền thu được từ thi hành án đủ mua... văn phòng phẩm
(Dân trí) - Ở TPHCM, có năm số tiền UBND cấp xã thu được từ thi hành án chỉ đủ để chi trả cho tập huấn, văn phòng phẩm... Còn ở Lạng Sơn, cán bộ tư pháp cấp xã nhận hồ sơ thi hành án xong rồi... để đấy.
Đó là một trong những thực trạng của việc chuyển giao một số vụ việc thi hành án có giá trị không quá 500.000 đồng cho UBND cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành, mà Bộ Tư pháp nêu ra.
Chính vì thế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa có đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ Tư pháp chỉ đạo các cơ quan thi hành án địa phương dừng việc chuyển giao này.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, sau khi nhận án được chuyển giao, hầu hết các UBND cấp xã đã tích cực thực hiện việc đôn đốc thi hành án, đạt gần 59% số vụ việc được chuyển giao, thu được hơn 25,5 tỉ đồng.
Tại thời điểm những năm đầu thực hiện chuyển giao, kết quả đôn đốc đạt được tương đối khá, nhưng càng về sau càng thấp dần.
Theo Bộ trưởng Cường, một trong những nguyên nhân là do người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành; ngoài ra còn do sự quá tải công việc của nhiều cán bộ tư pháp cấp xã.
Do tính chất của công việc “đôn đốc”, UBND cấp xã không phải là cơ quan thi hành án, khi nhận chuyển giao thì chỉ được đôn đốc, báo cáo kết quả đôn đốc về cơ quan thi hành án cấp huyện.
Cơ quan thi hành án thực hiện thủ tục chuyển giao thông qua nhiều khâu: rà soát, phân loại án, lập kế hoạch chuyển giao, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ Tư pháp cấp xã, ra quyết định chuyển giao, photo hồ sơ thi hành án, cung cấp sổ sách, biểu mẫu, biên lai thu tiền thi hành án, quyết toán thu chi với cơ quan thuế, kiểm tra, báo cáo, sơ kết, tổng kết... Những chi phí cho hoạt động này khá lớn, trong khi số tiền thu được không nhiều.
Ví dụ: Ở TP Hồ Chí Minh đến năm 2005, UBND cấp xã thu được 398 triệu đồng từ thi hành án; trong khi riêng tiền chi cho tập huấn, in sổ sách, biểu mẫu, mua biên lai, văn phòng phẩm phục vụ cho việc này lên đến 286 triệu đồng!
Ở nhiều nơi, như Lạng Sơn, cán bộ Tư pháp cấp xã nhận hồ sơ thi hành án xong rồi... để đấy; cơ quan thi hành án phải cử cán bộ đến tận nơi trực tiếp cùng đi đôn đốc, đôn đốc xong lại phải hướng dẫn các thủ tục hoàn tất hồ sơ thi hành án, nên tốn kém nhiều thời gian, công sức và kinh phí, mà số tiền đôn đốc thu được nhiều trường hợp rất nhỏ.
Dưới đây là thống kê của Bộ tư pháp về các con số nổi bật về thi hành án dân sự trong việc thi hành án dân sự dạng có giá trị không quá 500.000 đồng tại một số địa phương:
8 địa phương “mạnh tay” nhất
1. Phú Yên 85,53% về việc, 83% về tiền;
2. Đắc Lắc 84,65% về việc, 80% về tiền;
3. Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang 100 % về việc và tiền;
4. Huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai 99,85 về việc, 99,88% về tiền;
5. Hà Tây 88,88% về việc, 78,41% về tiền;
6. Bắc Ninh 79,86% về việc, 76,21% về tiền;
7. Bắc Giang 80,97% về việc, 73,32% về tiền;
8. Hòa Bình 78,24% về việc, 77,94% về tiền;
5 địa phương “nương tay” nhất:
1. Ninh Bình 13,94 về việc, 9,87% về tiền;
2. Cao Bằng 15,97% về việc, 13,34% về tiền;
3. Ninh Thuận 24,74% về việc, 37,49% về tiền;
4. Nam Định 24,19% về tiền, 20,94% về tiền;
5. Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 41,63% về việc, 27% về tiền.
Lê Châu