Thừa Thiên Huế:
Tiện lợi thủ tục hành chính công trực tuyến thời dịch Covid-19
(Dân trí) - Với việc ứng dụng công nghệ thông tin tại Trung tâm phục vụ hành chính công (TTPVHCC), tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đảm bảo các giao dịch được diễn ra bình thường và tiện lợi.
Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ký ban hành văn bản 2573/UBND-HCC ngày 31/3 về việc tạm dừng tiếp nhận trực tiếp thủ tục hành chính, chỉ tiếp nhận thủ tục hành chính trực tuyến hoặc tiếp nhận thông qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm phòng tránh dịch bệnh Covid-19, tại TTPVHCC tỉnh ở số 2 đường Lê Lai, TP Huế hầu như không có người đến giao dịch trực tiếp.
Ngay trước cổng TTPVHCC, ngoài việc dán thông báo không giao dịch trực tiếp, TTPVHCC tỉnh bố trí cán bộ hướng dẫn, giải thích cho người dân và đề nghị mọi người nên giao dịch trực tuyến; bên trong, các quầy vẫn được bố trí đủ lực lượng giải quyết thủ tục hành chính cho những trường hợp đặc biệt, cấp bách.
Chị Lê Thị Hải Thanh, giám đốc một doanh nghiệp có trụ sở ở TP Huế có giao dịch hành chính trong mùa dịch Covid-19 cho biết: “Tôi lựa chọn hình thức giao dịch trực tuyến thông qua địa chỉ truy cập Dịch vụ công Thừa Thiên Huế để đăng ký xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư xây dựng nhà máy. Thay vì mang hàng loạt giấy tờ đến TTPVHCC tỉnh thực hiện, nay chỉ ngồi tại công ty, tôi đã giao dịch trực tuyến thành công”.
Không chỉ tiết kiệm thời gian, hoàn thành các thủ tục hành chính chính xác, chị Thanh còn yên tâm vì không cần đến chỗ đông người trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Chị Thanh nhận xét đăng ký giao dịch trực tuyến trên máy tính rất thuận tiện, ngồi một chỗ có thể làm được trong vòng 5 phút.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc TTPVHCC tỉnh cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận, giải quyết hơn 113.600 hồ sơ, trong đó có 45.716 hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến, chiếm tỉ lệ hơn 40,23% hồ sơ giao dịch trực tuyến.
Riêng trong quý I/2020, lượng hồ sơ GDTT tăng 30% so với cùng kỳ. Ngoài việc người dân đăng ký giao dịch trực tuyến, UBND tỉnh còn miễn giảm 100% cước phí khi công dân, tổ chức nộp hồ sơ qua bưu chính công ích đến hết tháng 6/2020.
Được biết không chỉ TTPVHCC tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng giao dịch trực tuyến mà hầu hết các cơ quan về hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đều bố trí phù hợp lượng cán bộ, công chức giải quyết cho những trường hợp đặc biệt, không đón khách đến giao dịch trực tiếp.
Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức cho cán bộ, công chức làm việc ở nhà trên môi trường mạng, hạn chế đến cơ quan, tụ tập đông người, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay: “Đây là dịp để tỉnh thực hiện phép thử việc thực hiện xử lý công việc trên môi trường mạng tại các cơ quan, đơn vị. Cùng với sự hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp, hướng đến gần hơn mục tiêu của Chính quyền điện tử là đưa các hoạt động của Nhà nước đi vào “điện tử hóa”, “mạng hóa” để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn”.
Trong mùa dịch Covid-19, việc chuyển từ hình thức giao dịch trực tiếp sang giao dịch trực tuyến; cắt giảm tối đa những thủ tục không cần thiết để đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính một cách thuận lợi là những việc mà tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai nhằm tránh việc tụ tập đông người, hạn chế người dân ra khỏi nhà, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Đại Dương