1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tiền Giang: Khổ vì công trình của PMU18

Từ năm 2001 đến nay, ngoài <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/5/117921.vip">"cây cầu lớn bắc qua... kênh nhỏ"</a> có giá trị hơn 13 tỉ đồng, người dân Tiền Giang còn nhận được nhiều công trình do PMU18 làm chủ đầu tư mà hầu hết trong số đó đều “có vấn đề”...

Cầu càng ngắn kinh phí càng… “dài”

 

Cầu Trà Tân (xã Long Trung, huyện Cai Lậy) là cầu bêtông dự ứng lực 25 tấn, chiều dài 90m, rộng 7m, kinh phí mà tỉnh Tiền Giang dự kiến là hơn 4 tỉ đồng. Sau khi xem xét, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng cầu Trà Tân, do Công ty Tư vấn xây dựng giao thông 533 thiết kế.

 

Tuy nhiên, sau đó cầu Trà Tân không được thực hiện theo thiết kế ban đầu mà bị thiết kế rút ngắn còn 58,20m, rộng 5,5m nhưng kinh phí lại đội lên tới hơn 19 tỉ đồng. Sau khi bản thiết kế thứ hai được đệ trình, Bộ GTVT tiếp tục thay đổi, quyết định sẽ xây dựng cây cầu này dài 82,28m, rộng 5,5m, đường dẫn hai đầu cầu dài 195m và cho đến nay vẫn chưa rõ kinh phí xây dựng là bao nhiêu.

 

Ngay khi thi công, công trình cầu Trà Tân đã gặp phản ứng gay gắt của dân do chuyện giải quyết đền bù có vấn đề. Vào thời điểm đó, báo cáo của cơ quan Công an Tiền Giang nêu rõ đại diện Ban giải phóng mặt bằng cầu đã giải tỏa, kiểm kê, áp giá xong theo yêu cầu của PMU18. Đồng thời cũng nêu rõ có một số gia đình phản ứng bất bình vì khung giá qui định đền bù chênh lệch quá lớn so với giá thị trường.

 

Tuy nhiên, PMU18 phớt lờ chuyện này và sau khi xây dựng cầu xong thì rút đi ngay.

 

“Bán thầu” lòng vòng một dự án... 2,5 tỉ đồng

 

Đường huyện Cổ Cò đi qua hai xã Mỹ Lợi A và Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè có chiều dài toàn tuyến 7.687m. Đây là công trình thuộc gói thầu số 6/11 của chương trình dự án giao thông nông thôn - WB2 ở tỉnh Tiền Giang, có giá trị hợp đồng hơn 2,5 tỉ đồng.

 

Công trình do Công ty cổ phần Việt Quốc (có trụ sở tại phường 11, quận Bình Thạnh, TPHCM) trúng thầu, được khởi công từ tháng 1/2002. Theo kế hoạch, chậm nhất là tháng 12/2002 công trình phải đưa vào sử dụng. Thế nhưng mãi đến năm 2005 mới... giặm vá xong.

 

Lúc đầu, Công ty Việt Quốc đã liên danh với Công ty Công trình giao thông (CTGT) Bạc Liêu để đủ điều kiện trúng thầu. Thế nhưng sau khi trúng thầu, Công ty CTGT Bạc Liêu không tham gia tiếp mà Công ty Việt Quốc không hề có văn bản nào báo cáo. Ban quản lý dự án giao thông nông thôn 2 tỉnh Tiền Giang và PMU18 cũng không kiểm tra phát hiện chuyện này.

 

Đến ngày 1/2/2002, Công ty Việt Quốc tiếp tục ký hợp đồng giao toàn bộ phần thi công cho Công ty 507 thuộc Bộ GTVT với giá trị hơn 676 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, Công ty 507 tiếp tục ký hợp đồng khoán gọn lại cho Vũ Tiến Anh (nhân viên hợp đồng của Xí nghiệp 747 thuộc Công ty 507) thi công với số tiền 527,4 triệu đồng.

 

Công ty 507 hưởng 148,7 triệu đồng chênh lệch từ “phi vụ” này. Chính vì những chuyện lòng vòng như vậy mà tiến độ dự án bị chậm, chất lượng công trình bị giảm (hơn 10 lần tổ chức nghiệm thu nhưng vẫn không đạt yêu cầu).           

 

Theo V.Trường - M.Quang

Tuổi Trẻ