1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tiền đi lễ “thất thế”, tiền mừng tuổi “làm kiêu”

(Dân trí) - “Chợ” tiền lẻ bắt đầu rục rịch khởi động mùa làm ăn Tết. Năm nay, mức tỷ giá đổi chác xem chừng cũng đòi “ăn theo” không khí tăng giá như ở hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ. Tiền mừng tuổi “làm kiêu” trong khi tiền đi lễ có vẻ “khiêm tốn”.

“Sàn giao dịch” phố Đinh Lễ (Hà Nội) năm nay có vẻ như rút vào hoạt động… bán bí mật. Vẫn những gương mặt người bán đã có thâm niên nhưng không thấy những xấp tiền bọc túi nilon trong vung vẩy trên tay hay thu lu trước bụng như mọi năm. Tuy nhiên, chỉ cần thấy khách giảm ga, tấp vào lề đường là 2-3 người lập tức xúm lại, mời chào đon đả.

Mức giá khởi điểm phát ra nghe qua đã thấy khó… mặc cả. Các loại tiền phổ thông, 10.000đ, 20.000đ polymer xem chừng dễ chấp nhận hơn cả; tỷ lệ 100 “ăn” 80, nghĩa là 100.000đ tiền chẵn sẽ đổi được 8 tờ 10.000đ hoặc 4 tờ 20.000đ polymer.

 

Các loại tiền mệnh giá nhỏ như 500đ, 1.000đ, mức giá đã nhích lên 100 “ăn” 70, đảm bảo mới nguyên tập, cùng một sêri.

 

Hai loại tiền “hot” nhất là tiền giấy cotton loại 5.000đ và 10.000đ, lấy nhiều (cả tập) thì tỷ lệ là 1,5 triệu tiền chẵn sang ngang 1 triệu tiền mới. Nhiều khách phát hoảng, “cứng lưỡi” với tỷ suất người bán thách giá. Có người mặc cả qua lại một hồi, tỷ lệ cũng chỉ được rút xuống một giá - 1,4 “ăn” 1. Người bán có dịp làm kiêu vì các loại tiền giấy mệnh giá này hiện là của hiếm, lại rất được ưa chuộng vì màu đẹp, cứng, đáp ứng chính xác tiêu chí mới “cạo râu”.

“Chợ” tiền phủ Tây Hồ xem chừng hoành tráng hơn vì không khí mua bán hoàn toàn công khai. Mức tỷ giá được phán cũng nhẹ nhõm hơn ở phố Đinh Lễ nhiều. Tuy nhiên, “chợ” cũng phục vụ nhu cầu bình dân hơn, chủ yếu là tiền lẻ để đi lễ.

Tiền đi lễ “thất thế”, tiền mừng tuổi “làm kiêu” - 1
Một cuộc ngã giá bất thành tại "chợ" tiền Đinh Lễ.

Cả dãy quầy dịch vụ đổi tiền lẻ cùng áp dụng chung một mức giá. Tiền giấy 200đ mới tỷ lệ 100 “ăn” 80; loại giấy 1.000đ, 100 “ăn” 70; loại giấy 500đ leo giá hơn - 140 “ăn” 100, tức muốn đổi được 100.000đ giấy 500 thì phải mất 40.000đ “phí”. Các đồng tiền mệnh giá nhỏ này còn có loại đã qua sử dụng, được giặt rửa và là phẳng lại, chủ yếu phục vụ người đi lễ, để rải các cửa, các ban. Tỷ giá cũng “mềm” hơn nhiều, thường là 100 “ăn” 85.

Quan sát qua một lượt các tủ kính bày tiền cố phơi mình ra đến tận rìa đường, quả thật tiền giấy 5.000đ và 10.000đ thuộc hàng “quý tử” hiếm muộn. Tuy nhiên, các chủ hàng “chợ quê” vẫn chào giá thấp hơn hẳn “chợ phố”, đổi 1 triệu, mất 1,4 triệu, chưa tính mặc cả.

Dù thế, rất ít thượng đế còn đứng trụ lại với mức phí dịch vụ “khó nuốt” đó. Người bán cũng chẳng có ý muốn níu kéo nhiều những vị khách lảng ngay, vì không biết phải trả giá thế nào cho… phải phép. Những người quay đi chỉ nhận được vài câu vuốt đuôi mát mẻ: “Lần sau thế này thì đừng có quay lại nữa nhé, không mua nổi đâu, dăm ba ngày nữa là có muốn các thêm cũng không đến lượt đâu”.

Dịch vụ đổi tiền lẻ đã sẵn sàng ngóng Tết!

P.Thảo - C.Cường