1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thuyền thúng xuất ngoại

(Dân trí) - Hơn 30 năm trong nghề, ông Phan Liêm (68 tuổi, phường Thọ Quang, Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã đan không biết bao nhiêu chiếc thuyền thúng cho ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh lận cận. Mấy năm gần đây, thuyền thúng của ông còn xuất ngoại qua Nhật, Úc, Philippines, Tây Ban Nha…

Gia đình ông là hộ ít ỏi còn lại gắn bó với nghề đan thuyền thúng thủ công ở Đà Nẵng.

Nghề “cha truyền con nối”

Trong chiếc chòi dựng tạm bên đường trước nhà, khuôn mặt nhăn nheo vì năm tháng, đôi bàn tay chai sạn sau nhiều năm gắn bó với nghề, ông Liêm cặm cụi vót những thanh nan đầu tiên để bắt đầu đan một chiếc thuyền thúng mới.

Ông kể, nhà ông ba đời đều làm nghề đan thuyền thúng, từ đời bố ông đến ông rồi các con ông. Bố ông là thợ đan thuyền thúng có tiếng ở Đà Nẵng lúc bấy giờ, sản phẩm của ông rất được ngư dân ưa chuộng. Bản thân ông không theo nghiệp bố từ nhỏ mãi đến khi ông cụ già, ông mới học nghề để nối nghiệp cha. Cũng như nhiều chàng trai miền biển khác, 14 tuổi ông đã theo bạn thuyền đi biển. Hơn 20 năm lênh đênh với biển cả rồi ông mới quyết định bỏ biển lên bờ làm nghề này. Ông bảo, so với nghề đi biển, nghề đan thuyền ổn định hơn, đỡ vất vả hơn, cứ ngày làm tối nghỉ. Hiện giờ hai con trai ông là anh Phan Minh (40 tuổi) và anh Phan Ánh (37 tuổi) cũng nối nghiệp bố và cùng làm với ông.

Ông Liêm đang vót những thanh nan
Ông Liêm đang vót những thanh nan

Theo ông Liêm, để đan được một chiếc thuyền thúng, một người thợ phải làm cật lực 5 ngày (loại thuyền nhỏ) và 7 ngày (loại thuyền lớn).

Ông bảo, nghề này làm quen rồi thấy công đoạn nào cũng dễ dàng nhưng việc vót nan rất quan trọng. Nan phải vót cho đều thì khi đan nó mới đều chứ cái cứng cái mềm thuyền sẽ không bằng nhau. Tre được ông đặt mua ở tận Hòa Phong, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) rồi thuê xe chở về. Phải chọn loại tre già thuyền mới bền. Cứ 5 - 7 cây tre thì đan được một chiếc thuyền.

Tre cạo cho sạch rồi chẻ thành những nan nhỏ cỡ phân rưỡi, vót bỏ ruột chỉ lấy cật đem phơi 5 ngày cho khô rồi mới bắt đầu đan. Xong công đoạn đan là đến công đoạn lận rồi cạp cước, quét phân bò.  

Thấy chúng tôi ngạc nhiên khi nghe ông nói đến chuyện quét phân bò, ông cười bảo: “Đây là kinh nghiệm dân gian truyền lại. Phân bò quét vào sẽ chui vào các kẻ hở, khi xuống nước nở ra và tạo thành một lớp bảo vệ chống thấm hoàn hảo cho thúng”.

Thuyền thúng của ông Liêm không chỉ gắn bó với ngư dân trong nước mà ra cả nước ngoài.
Thuyền thúng của ông Liêm không chỉ gắn bó với ngư dân trong nước mà ra cả nước ngoài.

Quét xong thì hong khô hai ngày rồi bắt đầu quét dầu. Ông cho biết, những năm gần đây trên thị trường xuất hiện một loại dầu composite cũng được ông áp dụng để quét thuyền nên tuổi thọ của mỗi chiếc thuyền thúng cũng tăng lên.

Ông bảo nghề này không khó, chỉ cần sự tỉ mỉ, kiên trì và dẻo dai. Kể về sự tỉ mỉ, vất vả của nghề, ông nói: “Thợ cơ khí, thợ may, thợ xây, thợ mộc đều dùng thước để đo và có máy móc hỗ trợ. Còn thợ đan thuyền thúng thì phải tự tay mình làm tất. Đo, vẽ cũng chỉ bằng mắt thường. Sau nhiều năm tay nghề cứng một thợ đan thuyền thúng mới tránh được những lần chảy máu vì tre nứa đâm. Còn lúc học nghề thì bị tre đâm như cơm bữa, vết sẹo này chưa lành vết khác lại chồng lên. Ngồi lâu đau lung, nhức mỏi”.

“Vì thế mà nhiều bạn trẻ đến học nghề được đôi ba bữa thì bỏ hết vì không chịu nổi vất vả. Không biết khi thế hệ cũng chúng không còn, còn được mấy ai theo nghề này”, ông thở dài.

Thuyền thúng xuất ngoại

Ông Liêm không nhớ nổi có bao nhiêu chiếc thuyền thúng đã được đan từ bàn tay của ông để phục vụ cho ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Tiếng lành đồn xa nên ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang… cập cảng Đà Nẵng cũng tìm hỏi mua sảm phẩm của ông. Không chỉ dùng để đánh bắt gần bờ, thuyền thúng còn được các ngư dân bỏ lên thuyền lớn chở ra khơi đánh bắt.

Bình quân, mỗi tháng gia đình ông đan khoảng 15 cái thuyền, loại lớn đường kính 2,2m có giá 2,5 triệu đồng, loại nhỏ đường kính 1,8m có giá 2 triệu đồng. Tính ra, mỗi ngày công, một người thợ thu được 200 ngàn đồng. “Tức là mình lấy công làm lãi”, ông giải thích thêm.

Ông Liêm bên những chiếc thuyền chuẩn bị được xuất ngoại
Ông Liêm bên những chiếc thuyền chuẩn bị được xuất ngoại

Mặt trời vừa lên tới đỉnh đầu, cha con ông Liêm bắt đầu tất bật hoàn thiện một số chiếc thuyền vừa đan xong. Ông bảo, cần làm gấp để giao hàng đúng hẹn cho một vị khách người Nhật, họ đặt mua mười cái.

Ông kể, năm 2000, trong một lần có một nhóm du khách nước ngoài đi tham quan, họ thấy mình đan thuyền nên ghé vào xem. Họ nói "xi lô xi lăng" gì đó với nhau rồi có anh phiên dịch lại bảo với ông là cần mua 10 cái thuyền. Ông bảo họ ở bên Tây thì làm sao biết chèo thuyền, anh phiên dịch bảo họ mua về để làm du lịch chứ không phải đi biển.

Từ lần đó, nhiều khách du lịch ghé vào đặt hàng của ông. Một số khách nước ngoài đến TPHCM du lịch biết chuyện cũng ra chỗ ông đặt hàng. Hiện ông Liêm đã đan thuyền bán cho các khách hàng ở các nước như Nhật, Úc, Philippines, Tây Ban Nha…

“Nghề này cũng như nhiều nghề khác, chỉ là công việc mưu sinh hàng ngày của mình thôi. Nhưng tôi cũng thấy vui vì sản phẩm của mình được xuất ngoại”, ông Liêm chia sẻ.

Khánh Hồng