Thường trực Chính phủ nêu yêu cầu về xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp
(Dân trí) - Với nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp, Thường trực Chính phủ lưu ý nghiên cứu quy định về cơ chế giá, phí truyền tải và các chi phí phát sinh.
Đây là yêu cầu của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về tình hình xây dựng, trình ban hành và nội dung chính của Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA); cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG.
Theo Thường trực Chính phủ, nghị định này là cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là các nguồn điện sạch và bền vững; huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện, góp phần giảm áp lực phát triển nguồn điện lên Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Bên cạnh đó, các cơ chế này cũng góp phần làm cho thị trường điện lực trở lên công khai, minh bạch, cạnh tranh và lành mạnh hơn.
Cho biết việc xây dựng các quy định đang chậm tiến độ, Thường trực Chính phủ lưu ý với Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, trong quá trình xây dựng nghị định cần nghiên cứu về cơ chế giá, phí truyền tải và các chi phí phát sinh khác; đánh giá tác động đến các chủ thể, nhất là EVN.
Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước 15/5.
Với 2 nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG, Thường trực Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu khuyến khích một cách thực chất, khả thi trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thường trực Chính phủ lưu ý rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo việc đề xuất chính sách không được sơ hở dẫn đến việc lợi dụng chính sách.
Cụ thể, đối với Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, cần khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này nhưng phải đi kèm điều kiện.
Với Nghị định quy định cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG, Thường trực Chính phủ yêu cầu xác định rõ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước trong đầu tư xây dựng và cung cấp hạ tầng dùng chung cho sản xuất, nhập khẩu, lưu trữ, phân phối khí và tác động của các chính sách, nhất là với giá và sản lượng…
Thường trực Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương hoàn thiện 2 nghị định trình Chính phủ trong tháng 5.