1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thượng tá Đào Trung Hiếu chia sẻ về 10 năm từ lính hình sự chuyển nghề báo

Hải Nam

(Dân trí) - Theo nhà báo Đào Trung Hiếu, nghề báo hiện nay phải cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội, nhiều anh chị em phóng viên phải nỗ lực vượt lên khó khăn trong đời sống để tận tụy với nghề.

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với nhà báo Công an nhân dân, Thượng tá Đào Trung Hiếu (Tiến sĩ Tội phạm học) về những trải lòng, suy tư của ông về nghề báo và nghề điều tra.

"Trong những năm tháng làm cảnh sát hình sự, trong tôi vẫn luôn cháy bỏng niềm đam mê với từng con chữ", ông Hiếu nói về cơ duyên đưa ông đến với nghề "phu chữ" khi bản thân là một người lính cảnh sát hình sự 10 năm trước.

Nhớ lại những ngày còn "đánh án", Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết cứ mỗi tối, ông lại đắm chìm vào những cảm xúc trận mạc. Từng con chữ được ông Hiếu viết ra thấm đẫm hơi thở của cuộc chiến trên thực địa. 

Thượng tá Đào Trung Hiếu chia sẻ về 10 năm từ lính hình sự chuyển nghề báo - 1

Thượng tá, nhà báo Công an nhân dân Đào Trung Hiếu (Ảnh: Hải Nam).

"Tôi viết để tự cân bằng lại mình, sau bao gian truân, vất vả của đời lính", Thượng tá Đào Trung Hiếu nói và cho biết những thứ viết được khi đó, ông ghép chúng thành 2 cuốn sách "Chuyện ngoài hồ sơ" và "Tiếng súng lạc bầy", xuất bản năm 2012, 2013.

Tính đến 2024, nhà báo Đào Trung Hiếu đã cho ra đời 8 cuốn sách, gần nhất là bút ký "Hành trình giải mã tội ác".

Chia sẻ về nghề báo, ông Hiếu cho rằng "Nghề báo nghèo nhưng sang trọng".

"Sau 10 năm làm nghề báo, tôi trưởng thành lên nhiều. Cơ quan tôi, báo Công an nhân dân, là nơi hội tụ của rất nhiều anh tài trong làng văn, làng báo như: Hữu Ước, Như Phong, Hồng Thanh Quang...

Được làm việc cùng họ, tôi học được nhiều thứ. Nếu như trước đây, hiểu biết của tôi chỉ giới hạn trong lĩnh vực an ninh trật tự, thì khi làm việc ở báo Công an nhân dân, được tiếp xúc với những "bộ óc" ấy đã giúp tôi từng bước nâng tầm mình lên.

Tôi đã học ở họ cách tư duy, sáng tạo, cách làm việc. Hơn cả, họ là những người truyền cảm hứng để tôi cố gắng vượt qua giới hạn của bản thân, phát huy tốt nhất năng lực sáng tạo", ông Hiếu chia sẻ.

Theo Thượng tá Hiếu, thiên chức của một nhà báo, phóng viên là truyền đạt đến xã hội những thông tin mà dư luận quan tâm; dũng cảm đấu tranh, vạch mặt cái xấu, cái tiêu cực để lành mạnh hóa đời sống xã hội; phát hiện biểu dương những tấm gương sáng nhằm lan tỏa cách sống nhân văn, tạo cảm hứng thiện lương, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, an toàn cho tất cả mọi người.

Ông Hiếu nhận định, từ khi mạng xã hội lên ngôi, nghề báo bước vào cuộc cạnh tranh thông tin quyết liệt, nhiều ấn phẩm báo giấy đã bị "khai tử" vì in ra không ai đọc. Nghề bán báo dạo đã biến mất từ lâu. Một số ấn phẩm đình đám một thời giờ vắng bóng trên sạp, muốn mua được có khi cũng rất khó khăn.

Thượng tá Đào Trung Hiếu chia sẻ về 10 năm từ lính hình sự chuyển nghề báo - 2

Người lính cảnh sát hình sự Đào Trung Hiếu (phải) thời còn đánh án (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh đó, nhiều tòa soạn không nuôi được quân bởi thu không đủ chi. Báo giấy không bán được, báo điện tử lượng đọc thấp, hợp đồng truyền thông quảng cáo càng lúc càng khó kiếm do kinh tế suy thoái sau đại dịch... 

Tuy nhiên, nhà báo Hiếu cho rằng vẫn có rất nhiều anh chị em phóng viên vượt lên khó khăn trong đời sống để tận tụy với nghề. Họ vẫn "cháy" hết mình cho tác phẩm báo chí của mình, không sợ nguy hiểm khi đấu tranh trực diện với tiêu cực, dũng cảm đưa ra công luận những khuất tất, nhũng nhiễu, hoặc bảo vệ kẻ yếu trước bạo lực, cường quyền…

"Những đề tài mà họ phản ánh, thường gây được hiệu ứng xã hội sâu sắc, mang lại cho cuộc sống những giá trị nhân văn cao cả. Họ được xã hội nể trọng vì đã sống đúng lương tâm, đạo đức nghề nghiệp", ông Hiếu nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm