1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bình Định:

Thuê đất trồng rừng để khai thác vàng

(Dân trí) - Sau khi nhận đất để trồng rừng nhằm tái tạo đa dạng sinh học và nâng cao độ che phủ rừng, nhiều hộ gia đình, cá nhân đã lợi dụng để khái thác vàng trái phép, trước sự bất lực của chính quyền địa phương.

Vừa làm trang trại vừa khai thác vàng

Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây tình trạng khai thác vàng tại núi Kim Sơn thuộc xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) lại rầm rộ. Từ ngã 3 Kim Sơn, ngay trước UBND xã Ân Nghĩa nhìn lên khu vực núi Kim Sơn có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều túp lều che bạt màu xanh được người dân dựng lên ngay lưng chừng núi.

Từ xa đã nhìn thấy nhiều lều trại dựng lên để khai thác vàng
Từ xa đã nhìn thấy nhiều lều trại dựng lên để khai thác vàng

Theo người dân cho biết, những lán trại đó chính là khu vực mà các đối tượng khai thác vàng đang hoạt động. Có thể thấy, việc khai thác vàng trái phép trên núi Kim Sơn diễn ra một cách công khai, nhưng chính quyền địa phương thì bất lực.

Qua tìm hiểu, sau khi được Nhà nước giao đất để sản xuất kinh doanh lâm nghiệp phải theo quy định. Thế nhưng, nhiều hộ gia đình, cá nhân ngoài việc trồng rừng còn sắm cả máy móc, phương tiện phục vụ cho việc khai thác vàng. Thấm chí có người thuê đất trên núi để mở trang trại chăn nuôi nhưng thực chất bên trong vẫn hoạt động khai thác vàng.

Điển hình như hộ ông Trí, theo người dân phản ánh, ông Trí là người dân địa phương thuê đất tại khu vực núi Cây Cọng để mở trang trại chăn nuôi heo rừng, dê và một số loại gia cầm. Ngoài hoạt động chăn nuôi, ông Trí còn cho một số người dân ở cùng địa phương vào khu vực trang trại khai thác vàng rồi ăn chia theo thỏa thuận.

Trang trại của ông Trí nằm ở trên núi Kim Sơn
Trang trại của ông Trí nằm ở trên núi Kim Sơn

Quả không sai, khu trang trại của ông Trí là một khu đất rộng có nhiều chuồng trại xây dựng kiên cố để nuôi heo, dê và gia cầm các loại. Tuy nhiên, vào sâu bên trong, chúng tôi phát hiện một hầm vàng được che bạt màu xanh kiên cố, có 3 – 4 người hì hục đào hầm, tiếng động cơ máy nghiền đất ầm ầm. Càng tiến vào sâu hơn, xuất hiện nhiều lán trại nằm san sát, những con đường mòn được người dân mở còn mới, đất đá ngổn ngang, nước đãi vàng đỏ lòm chảy từ các điểm xay đãi đất chảy xuống…

Một người dân ở thôn Kim Sơn cho biết: “Chuyện người dân thuê đất trồng keo nhưng lại sắm máy móc để khai thác vàng là chuyện quá phổ biến. Hầu hết, các chủ rẫy trồng keo đều bỏ vốn, hoặc anh em, bạn bè hùn vốn mua máy móc để khai thác vàng rồi cùng nhau chia lợi nhuận khi trúng vàng”.

Hệ lụy từ khai thác vàng trái phép

Việc khai thác vàng trái phép tại núi Kim Sơn không chỉ ảnh hưởng tới môi trường, diện tích rừng bị thu hẹp, gây sạt lỡ, bồi lấp mà còn đánh đổi cả mạng sống của người dân.

Theo người dân phản ánh, từ ngày người dân rậm rộ khai thác vàng tại núi Kim Sơn thì có ít nhất 3 vụ sập hầm vàng. Trong đó nghiêm trọng nhất là vụ sập hầm đào đãi vàng tại khu vực núi Hố Khế ở thôn Kim Sơn khiến 3 người tử vong và 1 người bị thương.

Núi rừng bị bới tung
Núi rừng bị bới tung để tìm vàng

Ông Nguyễn Cảnh người dân thôn Kim Sơn kể lại: “Ngày đó tôi nhớ là ngày lễ 30/4, một số người, trong đó có 3 nạn nhân bị chết cùng ngồi dưới hầm vàng đào vàng uống rượu thì bất ngờ khối đất đá xung quanh sập xuống vùi lấp 4 người. Sau đó, mọi người cố gắng moi lớp đất đá cứu người nhưng chỉ cứu được 1 người, 3 người còn lại bị đã bị chết. Trong số, 3 nạn nhân tội nhất là có một người là giáo viên ngày đó lên chơi với anh em rồi uống rượu chứ có phải đi đào vàng đâu”.

Cơn sốt tìm vàng không chỉ cướp đi sinh mạng của những người dân vô tội mà còn xảy ra tình trạng tranh chấp đất rừng giữa người dân với nhau.

Nước thải từ việc đãi vàng chảy liên tục ngày đêm
Nước thải từ việc đãi vàng chảy liên tục ngày đêm

Trường hợp, anh Ngô Văn Long (ở thôn Nhơn Sơn, xã Ân Nghĩa) bị một số người ở thôn Kim Sơn chiếm dụng một phần diện tích đất ở khu vực núi Cây Cọng để khai thác vàng. Sau khi phát hiện, ông Long nhiều lần yêu cầu các đối tượng trả lại đất, đồng thời báo lên cấp chính quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Địa phương bất lực hay làm ngơ

Theo người dân địa phương cho biết, khu vực núi Kim Sơn là mỏ vàng ở xã Ân Nghĩa được phát hiện từ thời Pháp thuộc.

Năm 2000, UBND tỉnh Bình Định mới cho phép Công ty Khoáng sản Bình Định khai thác vàng tại thôn Kim Sơn nhưng đến năm 2003 thì công ty này rút lui thì hoạt động đào đãi vàng trái phép bắt đầu diễn ra rầm rộ tại địa phương này.

Một người dân thôn Kim Sơn bức xúc nói: “Trước đây người dân khai thác thô sơ nhưng giờ sắm cả máy mọc để đào đãi vàng thì không biết số phận những quả đồi kia sẽ thế nào. Việc rõ như ban ngày, chính quyền nắm hết cả nhưng sao không giải quyết được…”.

Việc các đối tượng khai thác vàng tại khu vực núi Kim Sơn rõ như ban ngày, ai cũng nhận ra. Trong khi PV Dân trí đề cập về vấn trên, thì ông Trương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa tỏ ra ngạc nhiên: “Người dân nào phản ánh? Tôi chưa nắm rõ thông tin này”.

Tuy nhiên, sau đó ông Hải cũng khẳng định: “Đủ thứ ở trên đó, trồng keo có, chăn nuôi có, khai thác vàng có nhưng chúng chưa nắm rõ bao nhiêu người tham gia khai thác vàng. Trước đây, địa phương cũng đã phối hợp với các ban ngành liên quan truy quét, đập phá hầm vàng nhưng người dân vẫn lén lút khai thác”.

Đề cập đến vấn đề về trang trại của ông Trí tại khu vực núi Cây Cọng, ông Hải cho biết: “Trang trại được ngành chức năng cấp phép nhưng diện tích bao nhiêu, do ai làm chủ. Việc chủ trang trại có cho người vào khai thác vàng hay không thì tôi cũng không rõ”.

Với cách trả lời của vị chủ tịch xã Ân Nghĩ thì không biết chính quyền ở đây thực sự bất lực hay cố tình làm ngơ trước tình trạng các đối tượng khai thác vàng công khai rõ như ban ngày.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm