Quảng Nam:
Thực hư việc Bí thư thị trấn “khai man tuổi để nhận Huy chương”
(Dân trí) - Thời gian gần đây, dư luận có nhiều ý kiến về việc Bí thư thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) khai man tuổi để làm hồ sơ nhận Huy chương kháng chiến hạnh Nhì. Thực hư vụ việc như thế nào?
Để tìm hiểu, chiều ngày 11/5, PV Dân trí đã gặp ông Đặng Ngọc Dũng - Bí thư thị trấn Ái Nghĩa (người bị “tố” là khai man tuổi) cùng những người liên quan.
Ông Dũng chia sẻ, ông sinh ra, lớn lên ở quê ngoại Xóm Nổ, xã Điện Tiến, Điện Bàn, Quảng Nam - một trong những vùng tranh chấp ác liệt và là căn cứ cách mạng giáp ranh 3 xã Điện Tiến – Điện Hồng – Đại Hiệp.
Đơn trình bày của ông Dũng gửi các cấp xem xét việc ông nhận Huy chương kháng chiến hạng Nhì
Lên 7, 8 tuổi ông được mẹ, những người lớn và các anh, chị du kích hướng dẫn đi xóa dấu chân cán bộ đi tránh càn của địch vào mỗi sáng sớm; sau đó được giao công việc đếm số lượng địch càn lên, số lượng địch rút đi để báo lại cho người lớn.
Năm 1973, ông được kết nạp vào Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và tiếp tục được giao nhiệm vụ trông chừng, cảnh giới địch để báo cho cách mạng; tham gia nhặt mảnh đạn, vỏ lon bia nộp cho các anh du kích làm mìn đánh địch.
Những ngày địch không càn, ông cùng các bạn tham gia vót chông với người lớn; mang chông tre và dụng cụ cho các anh gài chông đánh địch cả ban ngày lẫn ban đêm; làm công tác giao liên giữa thôn trong ngoài, xóm trên dưới. Mang cơm tiếp tế cho bộ đội địa phương và du kích tại trận địa bố phòng ở Điện Tiến trong đợt lấn đất giành dân năm 1974…
Sau 1975, gia đình ông chuyển về quê nội xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc và được vào học phổ thông. Lúc này, do thất học trong chiến tranh nên gia đình khai lại năm sinh của ông là 1967 để phù hợp với tuổi đi học. “Thời gian trôi đi, tôi không hề nghĩ gì đến việc báo công của mình”, ông nói.
Ông kể, khoảng trước năm 1995, có đợt khai báo thành tích trong kháng chiến. Lúc này, ông Hồ Hữu Hùng (quê ở Điện Tiến, Điện Bàn) đã gọi ông về khai báo về thành tích giúp đỡ cách mạng. "Tôi đã thực hiện việc kê khai thành tích đó. Đồng thời ông Hùng cũng đề nghị tôi khai tăng năm sinh so với tuổi thật, vì nếu ghi theo giấy tờ (1964) thì sợ Nhà nước sẽ không mấy quan tâm đến thành tích của tuổi thiếu nhi (trừ những thiếu nhi có thành tích xuất chúng) và như vậy là sẽ thiệt thòi cho những đóng góp của tôi", ông nói.
Ông bảo, nghe vậy ông cũng thực tình ghi vậy chứ không suy nghĩ gì khác; rồi việc xét duyệt của các cấp lúc bấy giờ cũng không đối chiếu với chứng minh hoặc hộ khẩu. Sau đó một thời gian, ông được gọi lên xã để nhận Huy chương kháng chiến Hạng nhì với niềm vui, một chút tự hào và vinh dự vì cái tuổi thơ của mình tuy không được học hành nhưng không uổng phí.
Ông tâm sự: “Thành tích của tôi ở tuổi thiếu niên trong chiến tranh là vậy, tôi không hề có một chút gì gian dối, vì nhân chứng sống đã giao công việc và biết việc làm của tôi hiện nay vẫn còn hàng chục người đang sinh sống ở Điện Tiến, Điện Hồng và Đại Hiệp. Tấm Huy chương hạng Nhì đó là một chút vinh dự về những đóng góp của bản thân, chứ đâu có hưởng chính sách nào của Nhà nước; cũng không đem lại lợi ích gì cho bản thân trong cuộc sống”.
Ông nói, đến bây giờ ông mới được biết là lúc đó mình đã khai năm sinh lớn hơn tuổi thật trong tờ báo cáo thành tích. Ông nhận thấy việc chấp nhận lời đề nghị khai tăng tuổi của mình lúc bấy giờ là không đúng.
Vì những lý do đó, ông đã làm đơn gửi Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp xem xét, nếu thấy việc khai báo tăng tuổi của ông là không hợp lệ và không công nhận được thành tích đó thì cho ông được giao nộp lại Nhà nước tấm Huy chương mà ông đã nhận. Còn nếu như với tuổi thật của ông và những thành tích đó vẫn được chấp nhận tặng Huy chương thì mong các cấp xem xét.
Vì sao trong hồ sơ, giấy tờ lại có đến 4 năm sinh khác nhau? Ông Dũng thừa nhận tuổi sinh thực tế là 1962 nhưng giấy tờ khai sinh 1964 và giấy tờ đi học khai 1967, còn hồ sơ khai sinh 1956 để nhận Huy chương.
Ông Dũng cũng cho biết, hiện giấy tờ có 2 năm sinh, trong đó sinh 1964 gồm hộ khẩu và Chứng minh nhân dân, còn sinh năm 1967 là bằng tốt nghiệp THPT và trong hồ sơ cán bộ công chức, kể cả hồ sơ bảo hiểm xã hội.
Để tìm hiểu thêm vụ việc, PV đã gặp ông Phan Chí Hòa (SN 1958, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đại Hiệp, Đại Lộc) để trao đổi. Ông Hòa nói, giai đoạn này (1965-1970), Mỹ ồ ạt đổ quân vào càn quét liên tục vùng Tích Phú, xã Đại Hiệp. Lúc đó ông là Đội trưởng Đội Thiếu niên Tiền phong; trong đó ông Dũng là một trong những thành viên trong đội có nhiệm vụ lượm mảnh bom, cảnh giới địch, xóa dấu vết bộ đội đi qua… Đến năm 1973, ông Dũng được vào Đội.
Theo ông Hòa, những hoạt động của ông Dũng trong chiến tranh là sự thật, không thổi phồng thành tích…
Cũng trong chiều 11/5, PV liên lạc với ông Hồ Hữu Hùng – nguyên Bí thư xã Điện Tiến (Điện Bàn), người đã ký hồ sơ để ông Dũng nhận huy chương.
Theo trình bày của ông Hùng, ông là người trực tiếp cùng một số đồng chí trong ban chỉ huy xã đội giao nhiệm vụ cho anh Đặng Ngọc Dũng làm giao liên, liên lạc, phục vụ các anh chị du kích đánh địch, tham gia vót chông, xóa dấu chân của cán bộ…
Ông Hùng xác nhận: “Sau khi đất nước thống nhất, Nhà nước có chủ trương kê khai thành tích có công kháng chiến chống Mỹ, tôi có hướng dẫn, xác nhận và đề nghị anh Dũng khai tăng năm sinh 1956 để Hội đồng thi đua khen thưởng xã Đại Hiệp xét xứng đáng với công lao đóng góp của anh”.
Tiếp xúc với PV Dân trí chiều ngày 11/5, ông Phạm Lương – Trưởng phòng Nội vụ huyện Đại Lộc – xác nhận, việc ông Dũng khai tuổi để làm Huy chương so với tuổi thực hiện nay không trùng khớp, việc này là khai man. Tuy nhiên, ông Lương cho rằng công lao của ông Dũng là có thật.
Ông Lương khẳng định, thực tế tuổi của ông Dũng là sinh 1962, theo tuổi của gia đình cung cấp là đúng vì lúc đó không có khai sinh. “Đa số những người như tôi khai không đúng tuổi thật, mục đích khai là để đi học nên khai nhỏ lại. Hồ sơ của ông Dũng hiện đang lưu tại Phòng Nội vụ sinh 1967. Lý do ông Dũng khai tuổi nhỏ để đi học, trốn lính ngụy”, ông Lương nói.
“Tóm lại, ông Dũng nhận Huy chương kháng chiến hạng Nhì là đúng công lao nhưng lúc đó theo ông Dũng nói là để có đủ điều kiện làm hồ sơ thì năm sinh phải lớn hơn, do đó ông Hùng xác nhận hồ sơ cho ông Dũng đề nghị ông khai năm sinh lớn hơn trong tờ khai để làm thành tích”, ông Lương nói.
Ông Lương cũng khẳng định, Huy chương kháng chiến hạng Nhì không có tiền bạc gì mà Huân chương kháng chiến mới có. Do đó ông Dũng nghĩ đơn giản, vả lại ông Dũng cũng không có ý đồ gì xấu.
Công Bính