Thực hư chuyện rắn hổ chúa báo thù ở Quảng Ngãi
Mấy ngày qua, người dân xã xã Ba Nam, huyện Ba Tơ rất hoang mang, có nhiều người còn hoảng sợ vì chuyện rắn hổ chúa kéo về báo thù cho đồng loại.
Từ câu chuyện bắt rắn bán lấy tiền...
Mọi chuyện bắt đầu vào khoảng 18h ngày 17/4, khi cả gia đình ông Phạm Văn Linh (55 tuổi) ở thôn Xà Râu, xã Ba Nam, đang ở nhà thì bất ngờ thấy một con rắn hổ chúa to từ bên ngoài bò thẳng vào nhà. Các anh Phạm Văn Lương và Phạm Văn Mập (con trai ông Linh) liền bắt con rắn, đem cân thấy nó nặng 2,5kg. Họ bán cho một thương lái lấy 3 triệu đồng.
Cách tiếp sau đó 2 ngày, sau khi các con ông Linh bắt con rắn hổ chúa thứ 2, tự dưng một con rắn hổ chúa thứ 3 tiếp tục bò vào nhà ông Linh. Người nhà ông Linh nghe tiếng loạt xoạt trên mái nhà lấy làm lạ nên xem thử, phát hiện một con rắn hổ, chưa kịp đánh thì con rắn trốn mất. Sau đó nhiều người thấy con rắn tiếp tục xuất hiện, nhưng có người là nó bò nhanh vào núi.
Sau đó mấy ngày, con rắn lại xuất hiện. Lần này, các con nhà ông Linh hoảng sợ thật sự, vì con rắn quá to, dài gần 3m. Nó có biểu hiện rất hung dữ, cổ ngước lên cao, phồng mang rộng hơn 2 gang tay, vừa tiến vào nhà, vừa phun phì phì.
Ông Linh vội vàng kêu cứu và thanh niên trong làng đổ xô tới, song chẳng ai dám bắt rắn. Họ chỉ dùng đá và cây xua đuổi con rắn bò ra rừng. Lúc này, ông Linh mới kể rằng, sau khi bắt được 2 con rắn hổ chúa, gia đình ông đã phát hiện một ổ trứng rắn hổ gồm 48 trứng ở dưới bụi tre cách nhà ông khoảng 50m. Ông đã lấy hết số trứng rắn đem về luộc cho con cháu ăn.
Những tưởng con rắn hổ chúa bỏ đi, song gần một tuần sau đó, nó lại bò vào nhà của người láng giềng, bên cạnh nhà ông Linh. Người láng giềng thấy con rắn cứ chực lao vào cắn hoảng hốt kêu cứu, dân làng lại kéo tới đuổi rắn bò ra rừng, nhưng bà con càng thêm lo lắng.
Đến ngày 29/4, khi đang nấu ăn, chị Nguyễn Thị Liên, chủ tiệm tạp hóa ở thôn Xà Râu thấy con rắn bò vào. Chị liền gọi chồng là anh Quỳnh ra xem thì thấy con rắn hổ chúa nọ đang ngước cổ, phồng mang rất đáng sợ. Họ liền kéo nhau bỏ chạy. Đến khi gọi được mọi người tới tiếp ứng thì con rắn đã bò đi mất. Thấy có chuyện chẳng lành và sợ hãi, gia đình ông Linh đã lập giàn cúng 3 lần để trừ giải điều xấu...
Có hay không chuyện rắn thần báo thù?
Chuyện rắn hổ chúa “báo thù” làng Rêu, thôn Xà Râu (Ba Nam, Ba Tơ) đang xôn xao dư luận, cũng như trước đây từ có rát nhiều câu chuyện rắn báo thù khác ở An Giang, ở Hải Dương. Để rồi mỗi người lý giải một cách. Thậm chí có nhiều người còn thêu dệt những chuyện hết sức hoang đường đầy màu sắc mê tín dị đoan, hòng trục lợi.
Theo ông Hồ Văn Vân, làng Xà Râu, xã Ba Nam, trên vùng núi Ba Tơ này chuyện các loài rắn xuất hiện trong sân nhà, trên mái bếp là bình thường. Tuy nhiên đã có không ít người bị rắn cắn nên khi phát hiện chúng lẩn trốn trong nhà, người dân đều đập chết rồi mang đi chôn xác hoặc ăn thịt. "Có lẽ do những con rắn này xuất hiện liên tục trong nhà ông Linh nên người ta đồn đại chúng là rắn thần, khi bị đánh chết oan nên quay lại báo thù", ông Vân nói.
Nhiều người cũng dự đoán, những con rắn này làm hang tại bụi tre gần nhà ông Linh nhưng lâu nay không ai thấy. Sau đó hai con rắn kia bị chết, con còn lại vẫn ra vào hang nhưng bị gia đình ông Linh tìm cách bắt nên người dân đồn đại lên phải phùng mang lên để tự vệ (?).
Trong khi đó, vì thấy có điều chẳng lành và sợ hãi, cả gia đình ông Linh đã lập “đàn” cúng 3 lần để trừ giải điều xấu. Ngày đầu gia đình ông Linh cúng 2 con gà trắng, ngày thứ 2 ông cúng 1 con chó, ngày thứ 3 ông cúng 2 con heo, 1 con gà đen. Theo ông Linh, mổ gia súc để cúng là đền lại xác 2 con rắn mà gia đình ông đã bắt. Còn vợ chồng chị Liên cũng đã mời thầy về cầu cúng, mong rắn hổ chúa không quay trở lại nhà.
Trước những thông tin gây hoang mang dư luận về việc rắn trả thù người và những lời đồn xung quanh câu chuyện từ rắn, chúng tôi đã đi tìm rất nhiều tư liệu, cả những ý kiến nhận định một số nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng, nhà khoa học để có thêm những chứng cứ xác thực khẳng định những câu chuyện về rắn gây xôn xao dư luận thời gian qua chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Đó là chuyện rắn thần hay chỉ là lời đồn nhảm?.
TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội và Truyền thông đại chúng, Viện Xã hội học Việt Nam cho rằng, trong tín ngưỡng dân gian nhiều nơi có miếu thờ tử xà, mãng xà vì rắn là một loài động vật được cho là thiêng. Tục thờ rắn với tư cách là thủy thần không chỉ phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ mà còn có ở miền Trung, Tây Nguyên và cả miền Tây Nam Bộ.
Theo GS.TS. Ngô Đức Thịnh thì việc rắn báo thù cho đồng loại hiện không có một cơ sở khoa học nào để khẳng định. Nó cũng như linh hồn, người ta không biết nó có thật hay không, hiện hữu hay không không ai có thể trả lời được. Chính vì không chứng minh được nên người ta cho là có thật. Những sự việc được cho rằng rắn trả thù xôn xao thời gian qua chỉ là tin đồn nhảm nhí, nhưng vì không chứng minh được nên người dân vẫn cho rằng nó có thật và tin tưởng vào điều đó.
Thiết nghĩ, điều cần nhất hiện nay là các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, vận động để người dân không tin vào những chuyện nhảm nhí, đồn đoán làm ảnh hưởng đến đời sống, đến an ninh trật tựu tại địa phương.
Theo Bùi Hữu Cường
VOV online