Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng cao Đà Bắc

CTV

(Dân trí) - Đà Bắc là huyện vùng cao, địa bàn đồi núi, chia cắt mạnh, nguồn lực đầu tư đòi hỏi lớn, nhưng khả năng đáp ứng còn rất thấp.

Xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, huyện Đà Bắc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tranh thủ các nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án, các chính sách như: hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, ưu đãi giáo dục, ưu đãi tín dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... từng bước tạo việc làm, ổn định đời sống nhân dân, đã góp phần thực hiện một cách có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo.

Đà Bắc là huyện vùng cao, địa bàn đồi núi, chia cắt mạnh, nguồn lực đầu tư đòi hỏi lớn, nhưng khả năng đáp ứng còn rất thấp. Diện tích đất gieo trồng bình quân đầu người thấp so với nhiều vùng khác trong tỉnh.

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng cao Đà Bắc - 1

Huyện Đà Bắc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên khu vực hồ  Hòa Bình (Ảnh: Lê Chung).

Diện tích đất rừng phòng hộ xung yếu chiếm phần lớn diện tích đất vùng hồ sông Đà. Trên 80% dân số sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; thu nhập từ lâm nghiệp chiếm hơn 50% tổng thu nhập của hộ dân. Hạ tầng chia cắt, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng đáp ứng nhu cầu sản xuất, phát triển KT-XH rất hạn chế.

Mức thu nhập bình quân, chất lượng cuộc sống người dân còn thấp, mới đạt khoảng 70% so với mặt bằng chung của toàn tỉnh… Vì vậy, huyện Đà Bắc được coi là " rốn nghèo của tỉnh Hòa Bình.

Bên cạnh đó, huyện Đà Bắc luôn đối mặt với thiên tai, mưa lũ, trượt sạt ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất và cuộc sống của người dân. Kết quả rà soát mới đây, có hàng trăm điểm có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét với xấp xỉ 900 hộ gia đình năm trong vùng nguy cơ trượt sạt đất, đá; 200 hộ nằm trong khu vực nguy cơ 190 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét.

Thiên tai mưa lũ gây hậu nặng nề tới hạ tầng, sản xuất, đời sống của nhân dân, huyện phải tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng các khu tái định cư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.

Huyện Đà Bắc đã tranh thủ các nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án, các chính sách đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, ưu đãi giáo dục, ưu đãi tín dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... từng bước tạo việc làm, ổn định đời sống nhân dân.

Cùng với các chương trình tập huấn, đào tạo, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, huyện cũng đã bước hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, năm 2022 và 2023 huyện đã hỗ trợ và đưa 26 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN triển khai trên địa bàn huyện Đà Bắc được phân bổ giai đoạn 2021-2023 là: 204.144 triệu đồng (vốn đầu tư 110.950 triệu đồng, vốn sự nghiệp 93.194 triệu đồng). Đến thời điểm 31/10/2023 đã thực hiện giải ngân được 33.295/62.140 triệu đồng đạt 53.58% vốn kế hoạch giao (Vốn đầu tư giải ngân đạt 59,07%, vốn sự nghiệp giải ngân đạt 43,79%). Năm 2023 tổng mức vốn được phân bổ là 142.004 triệu đồng (vốn đầu tư 71.150 triệu đồng, vốn sự nghiệp 70.854 triệu đồng). Đến thời điểm 31/10/2023 đã thực hiện giải ngân được 16.081/142.004 triệu đồng đạt 11,30% vốn kế hoạch giao (Vốn đầu tư giải ngân đạt 20,88%, vốn sự nghiệp giải ngân đạt 1,72%).

Huyện đang triển khai 75 công trình đầu tư hạ tầng thiết yếu cho nhân dân ( năm 2022 thực hiện 39 công trình; năm 2023 thực hiện 36 công trình. Các công trình đầu tư hướng đến mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Từ việc triển khai Chương trình kết hợp với các nguồn lực đầu tư khác đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29,8 triệu đồng năm 2021 lên đến 37,5 triệu đồng năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 41,56% năm 2021 xuống còn 34,94% năm 2022.

Huyện Đà Bắc đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030, số xã đặc biệt khó khăn còn dưới 6 xã. 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100 xã, thị trấn có trạm y tế, trong đó có 15/17 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 28/47 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 59,6%, có 594/655 số phòng học được kiên cố, đạt tỷ lệ 90,7%; 99,9% hộ dân được sử dụng điện; 90% số hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt tập hợp vệ sinh; đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc không ngừng được cải thiện.

Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Đà Bắc đang tổ chức lồng ghép các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện điều kiện sản xuất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, khai thác lợi thế vùng hồ để phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới.

Quan tâm tổ chức, bố trí dân cư vùng nguy cơ sạt lở; hỗ trợ người dân phát triển sinh kế bền vững như: trồng rừng sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, phấn đấu hoàn thành mục tiêu ổn định và cải thiện đời sống người dân vùng hồ sông Đà, phấn đấu đưa huyện Đà Bắc thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV.

Bên cạnh đó phối hợp với các sở ngành triển khai các dự án đầu tư chiến lược như cao tốc Mộc Châu- Sơn La, đường ven hồ, đường Vầy Nưa, Tiền Phong… hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nông lâm nghiệp giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người dân.