1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hậu Giang:

Thủ tướng yêu cầu chăm lo chu đáo người có công thời hậu chiến

(Dân trí) - Sáng ngày 29/4, tỉnh Hậu Giang long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) và truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu tại buổi lễ.

Thủ tướng yêu cầu chăm lo chu đáo người có công thời hậu chiến
Tiết mục văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng đất nước tại tỉnh Hậu Giang sáng ngày 29/4.

Trong diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm, ông Trần Công Chánh -Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ôn lại quá trình đấu tranh kháng chiến chống Mỹ và thời khắc lịch sử cách đây 40 năm của quân dân tỉnh Hậu Giang. Lúc 11h30' ngày 30/4/1975, khi Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện đã làm cho quân địch trên chiến trường Hậu Giang hoang mang tột độ. Tại trung tâm tỉnh lỵ thị xã Vị Thanh, 5h ngày 1/5/1975, các cánh quân cách mạng nổ súng tiến công vào các mục tiêu trong thị xã. Đúng 9h30 ngày 1/5, thị xã Vị Thanh hoàn toàn giải phóng. Các huyện còn lại của Hậu Giang như Châu Thành, Phụng Hiệp, Long Mỹ…cũng được giải phóng trong ngày 1/5/1975.

Tại lễ kỷ niệm, tỉnh Hậu Giang đã trao danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng của Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng cho 252 bà mẹ trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 28 mẹ được phong tặng và 224 mẹ được truy tặng. 

Thủ tướng yêu cầu chăm lo chu đáo người có công thời hậu chiến
Thủ tướng yêu cầu chăm lo chu đáo người có công thời hậu chiến
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao danh hiệu của Chủ tịch nước phong tặng Bà Mẹ Việt anh hùng cho các mẹ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Trong sự nghiệp đấu tranh oanh liệt của quân dân ta, nhiều gia đình đã hiến dâng những người thân yêu nhất cho ấm no, hạnh phúc cho ngày hôm nay và mãi mãi mai sau. Trong những tấm gương đó, các mẹ Việt Nam anh hùng điển hình cho sự hy sinh cao cả, khát vọng tự do, hạnh phúc của một dân tộc anh hùng trong chiến tranh. Những người mẹ đã hy sinh cả tuổi xuân và những gì quý giá nhất của đời mình, đó là người chồng, người cha, những người con, người cháu yêu thương của các mẹ đã chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Những người mẹ đã nuốt nước mắt tiễn chồng con đi rồi khóc thầm lặng lẽ khi chồng con vĩnh viễn không về. Nhưng những mất mát đau thương đã không quật ngã bản chất kiên cường của người mẹ, các mẹ đã biến đau thương thành hành động, tích cực lao động sản xuất, nuôi dạy con cháu noi gương của cha anh kiên cường chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc. Các mẹ là biểu tượng cao đẹp, là tấm gương sáng ngời, sự hy sinh, cống hiến vô hình cho Tổ quốc, thật tự hào biết bao quê hương chúng ta có những người mẹ Việt Nam anh hùng.

Việc phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Bà Mẹ Việt Nam anh hùng thể hiện ý Đảng lòng dân, là sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao trời biển, sự hy sinh lớn lao của các mẹ. “Đến nay Hậu Giang có 1.438 mẹ được trao tặng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và hôm nay, Hậu Giang tiếp tục vinh danh 252 mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh. Chúng ta rất tiếc trong 252 mẹ được vinh danh hôm nay có 224 mẹ cùng với 1.244 mẹ trước đó đã mãi mãi về cõi vĩnh hằng. Các mẹ không có mặt tại buổi lễ này nhưng các mẹ luôn là hồn thiêng sông núi, luôn luôn  ở trong mỗi trái tim chúng ta. Xin được kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các mẹ, sự hy sinh của các mẹ vô cùng cao quý, là đỉnh cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng và là tài sản tinh thần vô giá, trường tồn của dân tộc”, Chủ tịch tỉnh Hậu Giang khẳng định.


(Thực hiện: Huỳnh Hải)

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Hậu Giang là địa bàn có vị trí chiến lược rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mỹ, Ngụy từng coi Hậu Giang là địa bàn trọng điểm để tiến hành đánh phá và thử nghiệm các kế hoạch bình định đàn áp cách mạng. Chúng đã xây dựng khu trù mật Vị Thanh- Hỏa Lựu, sau đó chuyển thành tiểu khu Chương Thiện gồm cả vùng đất Vị Thanh, Long Mỹ, Gò Quao, Vĩnh Thuận Giồng Riềng, Hồng Dân để thực hiện mưu đồ chiến lược hết sức ác liệt, dã man, tàn bạo. Với truyền thống yêu nước và ý chí quật cường, quân và dân Hậu Giang nói riêng và khu 9 nói chung đã đoàn kết chung sức đồng lòng, huy động sức người sức của bằng cả tính mạng và xương máu của mình anh dũng chiến đấu, tiến công và nổi dậy đánh bại các âm mưu thâm độc của kẻ thù, góp phần xứng đáng cùng miền Nam, cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thủ tướng khẳng định, đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mãi mãi là một trang sử anh hùng, là một mốc son chói lọi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, trong đó có đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Hậu Giang anh hùng. “Tự hào chiến thắng 30/4/1975, mỗi người chúng ta hãy ghi nhớ, biết ơn và đề cao trách nhiệm của mình trước sự hy sinh mất mát to lớn của đồng bào, đồng chí chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Trải qua 40 năm sau ngày toàn thắng và 30 năm công cuộc đổi mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của mình và khí thế hào hùng của ngày 30/4/1975 lịch sử, cùng với Cần Thơ và cả nước, Đảng bộ, chính quyền quân dân Hậu Giang đã nỗ lực phấn đấu đoàn kết một lòng, tập trung sức xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, chăm lo cải thiện mọi mặt đời sống của nhân dân. Đặc biệt sau hơn 10 năm thành lập tỉnh, với điểm xuất phát còn rất thấp, ngày nay tỉnh Hậu Giang đã có những bước phát triển toàn diện và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều mặt. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh, bình quân hàng năm đạt trên 12,5%, GDP bình quân đầu người đạt gần 1.700 USD, tăng gấp 2 lần sau 5 năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm và cải thiện, Hậu Giang là tỉnh có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
 
Tỉnh Hậu Giang đã bước đầu hình thành những vùng nông sản chuyên canh với quy mô khá lớn; hình thành một số sản phẩm chủ lực phát triển theo chiều sâu; kết cấu hạ tầng, kinh tế- xã hội nhất là giao thông đô thị nông thôn được cải thiện rõ rệt, với việc tập trung quy hoạch xây dựng hạ tầng các khu- cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; đã hoàn thành việc xây dựng các đường giao thông đến các trung tâm xã và đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu xây dựng các cụm tuyến dân cư, nhà ở cho đồng bào vùng ngập lũ giai đoạn 2; đã hình thành các vùng thủy lợi khép kín, phát huy hiệu quả hệ thống đê bao ngăn mặn; các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, khuyến học khuyến tài được chú trọng; giáo dục đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực; các cơ sở y tế được đầu tư nâng cấp, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên; hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin tuyên truyền, phong trào xây dựng đời sống văn hóa vật chất ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh; quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Thủ tướng cũng đánh giá, Hậu Giang vẫn còn nhiều mặt hạn chế, nhất là hạ tầng kinh tế- xã hội và chất lượng nguồn nhân lực. Là tỉnh sản xuất nông nghiệp nhưng việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa nhiều; giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp; đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn; số hộ nghèo của tỉnh còn khoảng 8% là cao hơn mức bình quân của cả nước.


(Thực hiện: Huỳnh Hải)

Thủ tướng đề nghị, trong giai đoạn mới, Đảng bộ, chính quyền và quân dân Hậu Giang cần tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội; tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông sản chủ lực có lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong các khâu giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm, bảo đảm hiệu quả và lợi ích cao nhất cho người nông dân; tăng cường liên kết hợp tác thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong đó đặc biệt quan tâm nâng cao năng suất chất lượng phát triển các ngành nghề thu hút nhiều lao động góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn.

Thủ tướng cũng lưu ý, cùng phát với phát triển kinh tế phải chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; quan tâm phát triển hơn nữa giáo dục đào tạo, chủ động phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện hiệu quả các chương trình dự án giảm nghèo, các chính sách xã hội, đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ đồng bào có đời sống khó khăn; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; thực hiện tốt chính sách đối với các Mẹ Việt Nam anh hùng và những người có công với nước.


(Thực hiện: Huỳnh Hải)

Sau lời phát biểu của Thủ tướng, các đại biểu cũng được nghe nhân chứng lịch sử là ông Hồ Chí Trung- nguyên Trưởng Ban An ninh thị xã Vị Thanh kể lại thời khắc tỉnh lỵ Hậu Giang giải phóng vào ngày 1/5/2015.

                                                                                                Huỳnh Hải