1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thủ tướng yêu cầu bảo tồn nguyên trạng khu di tích bãi cọc Bạch Đằng

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu yêu cầu tại lễ khởi công xây dựng tuyến đường vào khu bảo tồn bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng sáng 3/5.

Thủ tướng yêu cầu bảo tồn nguyên trạng khu di tích bãi cọc Bạch Đằng - 1

Thủ tướng dự Lễ khởi công tuyến đường vào Bãi cọc Cao Qùy

Cùng dự lễ khởi công có lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo TP Hải Phòng.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vào và Khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê do UBND huyện Thủy Nguyên làm Chủ đầu tư. Tuyến đường có chiều dài 3,488 km, nối QL.10 tới khu vực bãi cọc thuộc các xã: Lưu Kỳ, Liên Khê; chiều rộng từ 18-22m, trong đó mặt đường rộng 12m và vỉa hè đoạn rẽ vào bãi cọc rộng 5m. Khu vực có bãi đỗ xe rộng 1 ha, dọc tuyến đường bố trí hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh bóng mát là lim xanh, long não, xà cừ.

Trước đó, vào tháng 2, một hộ dân sinh sống ở thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng trong quá trình bơm nước để thu hoạch cá đã phát hiện tổng cộng 13 cọc gỗ dưới đáy ao. Theo một số chuyên gia cũng như một số nhà nghiên cứu, việc phát hiện bãi cọc trên mang ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu chiến trận Bạch Đằng năm 1288.

Thủ tướng yêu cầu bảo tồn nguyên trạng khu di tích bãi cọc Bạch Đằng - 2

Thủ tướng nhấn mạnh, luôn hướng tới mục tiêu bảo tồn nguyên trạng khu di tích, tuyên truyền giá trị của di tích tới công chúng, xây dựng công trình phát huy giá trị di tích.

Ngay sau khi bãi cọc Cao Quỳ phát lộ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương thực hiện việc bảo vệ bãi cọc và phối hợp với các nhà khoa học, lịch sử nghiên cứu, bảo tồn bãi cọc để phát huy giá trị lịch sử. Đồng thời, thành phố cũng đã triển khai xây dựng khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ và tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hải Phòng, của huyện Thủy Nguyên, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã quan tâm đến việc quy hoạch phát triển di tích lịch sử này. Đặc biệt, có thể thấy sự đóng góp quan trọng, có ý nghĩa lớn của các nhà sử học, các nhà khảo cổ học với công trình có ý nghĩa lịch sử quan trọng này.

Thủ tướng yêu cầu bảo tồn nguyên trạng khu di tích bãi cọc Bạch Đằng - 3

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo TP Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên cần quan tâm đến công tác tái định cư cho người dân di dời để hoàn thành đồng bộ dự án, sớm đưa vào khai thác

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng ghi nhận việc nỗ lực chuẩn bị khởi công Tuyến đường vào và Khu Bảo tồn Bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên của các ban ngành Trung ương, thành phố Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên, trong bối cảnh thành phố đang dồn toàn lực cho công tác ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời, nhiệt liệt biểu dương nhân dân vùng dự án đã có ý thức trách nhiệm xã hội rất cao, đã ủng hộ, đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư xây dựng công trình.

Thủ tướng nhấn mạnh, quần thể di tích khảo cổ học Cánh đồng Cao Quỳ cùng những di tích bãi cọc đời Trần đã phát hiện tại các khu vực lân cận thuộc tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương là những tư liệu, sử liệu vật chất vô giá, là hiện vật độc đáo…

Đồng thời, phát hiện này cũng mở ra hướng nghiên cứu mới tổng thể, toàn diện, bao quát hơn về quy mô không gian và các địa điểm diễn ra trận chiến của quân và dân nhà Trần năm 1288 trên địa bàn Hải Phòng.

Thủ tướng yêu cầu bảo tồn nguyên trạng khu di tích bãi cọc Bạch Đằng - 4

Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có diện tích khoảng 30.680m², bao gồm các hạng mục: cổng chính và mái cổng kiểu kiến trúc cổ, cánh cổng là gang đúc chi tiết hoa văn...

Thủ tướng đánh giá, trong 5 năm qua, cùng với thành tựu đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, TP Hải Phòng đã dành sự quan tâm đầu tư có hiệu quả cho công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, thể hiện trách nhiệm của thành phố trước lịch sử, trước thế hệ mai sau. Việc bảo tồn, phát huy giá trị Di chỉ khảo cổ Cánh đồng Cao Quỳ góp phần củng cố, nâng cao giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Thủy Nguyên nói riêng và Hải Phòng nói chung; hình thành nên điểm du lịch văn hóa hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, nhiệm vụ này đòi hỏi một kế hoạch lâu dài, triển khai thực hiện cẩn trọng theo từng giai đoạn, hướng tới mục tiêu bảo tồn nguyên trạng khu di tích, tuyên truyền giá trị của di tích tới công chúng, xây dựng công trình phát huy giá trị di tích; không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống to lớn cả trước mắt và lâu dài.

Thủ tướng yêu cầu bảo tồn nguyên trạng khu di tích bãi cọc Bạch Đằng - 5

Bãi cọc Cao Qùy thời điểm mới được khai quật

Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo TP Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên cần quan tâm đến công tác tái định cư cho người dân di dời để hoàn thành đồng bộ dự án, sớm đưa vào khai thác. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố cần bám sát tiến độ tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án. Chủ đầu tư dự án, Nhà thầu thi công và Đơn vị Tư vấn - Giám sát… phải đề cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc thi công xây dựng các hạng mục công trình theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật, mỹ thuật như đã cam kết.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị cần đặc biệt lưu ý: Dự án Tuyến đường vào và Khu Bảo tồn Bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên không chỉ đơn thuần là một dự án xây dựng cơ bản đơn thuần mà còn là một Công trình văn hóa, lịch sử; việc xây dựng các công trình là để làm nổi bật di sản; do vậy trong toàn bộ quá trình thi công, đòi hỏi các đơn vị phải tôn trọng và tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc về giá trị, yếu tố gốc và tính nguyên vẹn của di chỉ.

Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có diện tích khoảng 30.680m², bao gồm các hạng mục: cổng chính và mái cổng kiểu kiến trúc cổ, cánh cổng là gang đúc chi tiết hoa văn; hệ thống tường bao xây gạch, mái mũ tường ngói giả cổ; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện; khu bảo tồn bãi cọc xây dựng mái nhà che khung cột giả cổ. Cũng với đó là hệ thống đường dẫn đi xuống bãi cọc cho khách tham quan nằm trong phạm vi nhà mái che, toàn bộ mặt bằng bãi cọc phát lộ được bảo tồn theo hướng lấp đất, xây dựng hình tượng cọc 3D lộ thiên cho khách tham quan…

An Nhiên