1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Thủ tướng: Xử lý triệt để tiêu cực để chống suy thoái đạo đức xã hội

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận thực tế văn hóa, xã hội có nhiều mặt hạn chế, yếu kém, chậm được khắc phục; tác động của mặt trái cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế chưa được ngăn chặn có hiệu quả; nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc…

Gửi chất vấn đến người đứng đầu Chính phủ, đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung (TPHCM) nêu nhận xét, nhiệm kỳ khóa 13 (2011-2016) đã qua 2/3 chặng đường, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, tuy đã đạt được một số kết quả đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội chưa có nhiều chuyển biến, thậm chí có lĩnh vực giảm sút như văn hóa (đạo đức xã hội suy thoái nghiêm trọng), giáo dục, y tế (nhiều bất cập, nhân dân bức xúc)... đã và đang gây ra nhiều hậu quả xấu cho xã hội, bất an cho nhân dân.

Trước thực trạng nói trên, đại biểu Dung đề nghị người đứng đầu Chính phủ cho biết, ngay trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng sẽ có các giải pháp gì nhằm thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế... tiến triển đồng bộ hoặc theo kịp phát triển các lĩnh vực đời sống xã hội?
Thủ tướng: Xử lý triệt để tiêu cực để chống suy thoái đạo đức xã hội
Thủ tướng: "Giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên phải tiến hành đồng thời với chấn chỉnh, giải quyết kịp thời các hiện tượng tiêu cực gây bức xúc xã hội".

Ở văn bản trả lời đại biểu Dung ngày 31/1/2015, Thủ tướng nhắc lại nội dung đã báo cáo trước Quốc hội là trong điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn bố trí tăng nguồn lực từ ngân sách nhà nước đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đã đạt được những kết quả tích cực, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên, Thủ tướng xác nhận thực tế hiện nay là văn hóa, xã hội có nhiều mặt hạn chế, yếu kém, chậm được khắc phục. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn và chậm được thu hẹp.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu thực trạng, số người thiếu việc làm và việc làm không ổn định còn lớn, nhất là trong thanh niên. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân còn nhiều mặt hạn chế, việc khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện còn chậm, nhất là tại tuyến trung ương và tuyến cuối. Nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp xã hội còn hạn hẹp.

Ngoài ra, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều khó khăn. Quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, thông tin truyền thông nhiều mặt còn hạn chế. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc chưa đạt yêu cầu; tác động của mặt trái cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế chưa được ngăn chặn có hiệu quả; nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong xã hội. Tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp.

Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Theo Thủ tướng, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế..., trong đó tập trung triển khai có hiệu quả chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa 11 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Chính phủ sẽ khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp; ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích mở rộng tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, đào tạo nghề công lập.

Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh việc rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục phổ thông. Tập trung phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các vùng khó khăn, miền núi, đồng bào dân tộc.

Phê duyệt và triển khai thực hiện đề án tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên giai đoạn đến năm 2020. Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục; chấn chỉnh, giải quyết kịp thời các hiện tượng tiêu cực gây bức xúc xã hội… cũng là những giải pháp được Thủ tướng đề cập.

Giải pháp lớn tiếp theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập là tổ chức triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết Trung ương 9 khóa 11 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đẩy mạnh việc thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, phát huy tính năng động sáng tạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các hội văn học - nghệ thuật, tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện các nhiệm vụ văn hoá.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước được chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong những lĩnh vực hoạt động nhạy cảm, dễ gây bức xúc hoặc tình trạng vi phạm kéo dài: tổ chức lễ hội, hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, kinh doanh lữ hành, lưu trú du lịch...

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm