Thủ tướng: Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới...

Tiếp tục Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sáng 28/3, các đại biểu đã nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 10 năm 2021-2030 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Thủ tướng: Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng - 1

Quang cảnh Hội nghị tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chủ đề chiến lược phát triển đất nước trong thời gian tới là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng nêu rõ, 3 thành tố trọng tâm trong chủ đề chiến lược gồm: Thứ nhất, động lực và tinh thần quyết tâm: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại.

Thứ hai, cách thức và phương tiện chủ yếu là: Huy động mọi nguồn lực phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi số.

Thứ 3 về mục tiêu phấn đấu: Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Những nội hàm mới trong các đột phá chiến lược

Thủ tướng: Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng - 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược phát triển KT-XH hội 10 năm 2021-2030 và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021-2025).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ những nội hàm mới trong các đột phá chiến lược.

Theo đó, đột phá thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nâng cao chất lượng thể chế, bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập (trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, thị trường khoa học, công nghệ).

Huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất và phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Đột phá thứ hai là tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị, văn hóa, con người Việt Nam.

Đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh (có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội).

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Đột phá thứ ba là tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại. Trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số; Nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, tận dụng hiệu quả các cơ hội mới.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tập trung xây dựng, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển. Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm.

Xây dựng và thực hiện các giải pháp chính sách khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, tận dụng hiệu quả các cơ hội mới.

Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực một cách thực chất để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh (thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, sản xuất thông minh…).

Đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.

Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.

Chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng (chú trọng thu hút các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực tài chính, công nghệ cao, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả kinh tế).

Phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số

Thủ tướng: Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng - 3

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu chính - Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội).

Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bảo đảm an ninh lương thực; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu.

Phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu. Khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn.

Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại.

Ưu tiên chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên môi trường, sản xuất công nghiệp.

Phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, doanh nghiệp số chủ lực thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ số, làm nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số.

Phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới....

Bên cạnh đó, cần giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường. Tập trung xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực,…

Đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị. Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế...