1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủ tướng: Trăn trở vì 33% hộ dân thoát nghèo sớm… tái nghèo

(Dân trí) - “Bình quân cứ 3 hộ ra khỏi diện nghèo thì 1 hộ trở lại nghèo, tức tỷ lệ tái nghèo tới 33%. Thoát danh sách nghèo mà nhà nước không tiếp tục có chính sách hỗ trợ, đồng bào… nghèo lại. Đây là điều hết sức trăn trở” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Chiều 5/2/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác giảm nghèo năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015.

Tỷ lệ tái nghèo cao
Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo vẫn còn chồng chéo, dàn trải, chưa phát huy hiệu quả.
Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo vẫn còn chồng chéo, dàn trải, chưa phát huy hiệu quả.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền khái quát, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8-2%/năm (năm 2014 đã giảm từ 7,8% xuống còn 5,8-6%). Riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,2%) năm 2013 xuống còn 33,2% năm 2014, đạt kế hoạch đề ra đầu năm.

Theo Bộ trưởng Hải Chuyền, khả năng, đến hết 2015, tỷ lệ nghèo chung cả nước sẽ hạ xuống dưới 5%, các huyện nghèo xuống dưới 30%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Cũng theo các số liệu thống kê, năm 2014, ngân sách đã chi hơn 12.800 tỷ đồng để mua cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng, trong đó có gần 10 triệu người nghèo và cận nghèo được hỗ trợ; gần 2 triệu lượt học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số được miễn giảm học phí, hỗ trợ học bán trú… với số tiền gần 7.100 tỷ đồng. Ngân hàng chính sách xã hội đã cho hơn 433.000 lượt hộ nghèo vay vốn sản xuất, 61.500 học sinh nghèo được vay vốn học tập.

Ngân sách Trung ương đã bố trí 6.200 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó chương trình 135 là 3.100 tỷ đồng, chương trình 30A (huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo) là 3.000 tỷ đồng…

Tính chung nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2014 là 34.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo là 30.800 tỷ đồng và vốn huy động là 3.800 tỷ đồng.

Dù cơ bản đạt kế hoạch đề ra, Bộ trưởng LĐ,TB&XH cũng thẳng thắn đánh giá, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Khoảng cách chênh lệch có xu hướng tăng.

Ngoài ra, dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi tới 60-70%. Thu nhập của các hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân cả nước.

Nữ Bộ trưởng cũng nhận định, chính sách giảm nghèo tương đối toàn diện, báo trùm mọi mặt đời sống của người nghèo nhưng còn dàn trải, phân tán, khó thực hiện, hiệu quả chưa cao.

Nguồn lực tại chỗ cho hoạt động giảm nghèo chưa phát huy được trong dân và trong chính nhóm người nghèo. Quan điểm trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách được Bộ trưởng Hải Chuyền chỉ rõ là vẫn còn tồn tại không ít ở các địa phương và người nghèo.

Mục tiêu Bộ LĐ,TB&XH xác định cho năm 2015 là tiếp tục đẩy mạnh các chính sách, dự án giảm nghèo theo hướng bền vững, tăng cường khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo. Phương hướng cho giai đoạn 2016 -2020 là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo. Cụ thể, cả nước phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo mới, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân 3-4%/năm.

Khuyết điểm lớn nhất là lãnh đạo thiếu quyết tâm, trách nhiệm

Thảo luận các nội dung được báo cáo, đại diện UBND tỉnh Quảng Bình nhận xét thẳng thắn, các chính sách giảm nghèo hiện còn manh mún, chồng chéo trong thực hiện dẫn đến phân tán nguồn lực. Nhiều đầu tư không phù hợp, dẫn đến lãng phí, không phát huy hiệu quả. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng không bền vững, thực tế, một hộ dân vừa thoát nghèo không lâu nhưng chỉ cần một trận ốm đau, hay bão lụt là lại trở thành nghèo ngay.

Lãnh đạo Quảng Bình đề nghị giảm các khoản hỗ trợ trực tiếp, tăng các khoản gián tiếp như đào tạo nghề, đầu tư cho con em học hành để làm đòn bẩy cho các hộ vươn lên thoát nghèo. Tỉnh cũng mong giao quyền chủ động chi cho địa phương để hỗ trợ giống cây, con với người dân cho phù hợp.

Cùng nhận xét, từ điểm cầu Tây Ninh, người đại diện UBND tỉnh than nguy cơ người dân tái nghèo cao, nhất là đối với chính sách tín dụng. Người dân vừa thoát nghèo là bị cắt chế độ vay vốn ưu đãi, vốn vay bị thu hồi và nhanh chóng… trở lại mức nghèo. Tây Ninh kiến nghị kéo dài thời hạn cho vay, tăng định mức hỗ trợ với cả khu vực hộ nghèo và cận nghèo.
Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo vẫn còn chồng chéo, dàn trải, chưa phát huy hiệu quả.
Thủ tướng: "Hạn chế đáng nói nhất, khuyết điểm lớn nhất trong công tác giảm nghèo là nhận thức về tầm quan trọng của nhiệm vụ chưa đúng mức dẫn tới trách nhiệm chỉ đạo chưa cao".

Đại diện ngân hàng chính sách xã hội xác nhận hiện tượng có thật, với nhiều hộ gia đình vừa thoát nghèo, việc bị thu hồi vốn khiến họ khó khăn hơn và lại lâm vào tái nghèo. Phía ngân hàng đề nghị rà lại chính sách theo hướng thống kê hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo và giữ danh sách trong 5 năm. Trong thời gian đó, hộ nào thoát nghèo thì chính sách hỗ trợ, ưu đãi vẫn được duy trì để giúp mỗi gia đình củng cố hơn điều kiện kinh tế. Đại diện ngân hàng chính sách xã hội cũng đồng tính với quan điểm tăng các ưu đãi cho vay, giảm các hỗ trợ cho không.

Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng khái quát, các đoàn giám sát đã đưa ra công thức chung “3 ra 1 vào” nghĩa là hàng năm, cứ 3 hộ thoát nghèo thì lại có 1 hộ dân tái nghèo hoặc phát sinh hộ nghèo mới. Tâm lý trông chờ ỷ lại là sự thực nên phải đặt vấn đề chuyển mạnh sang các chính sách hỗ trợ có điều kiện, như cho vay tín dụng ưu đãi, người dân sẽ sử dụng sáng tạo, hiệu quả, có trách nhiệm hơn. Chính sách tín dụng, theo ông Hùng, phải là trụ cột trong các chính sách giảm nghèo.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại con số khái quát về tỷ lệ tái nghèo (33,3%) như ông Đỗ Mạnh Hùng nêu ra để xác nhận, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, một vấn đề hết sức trăn trở. Các chính sách, Thủ tướng cũng chỉ rõ là còn tình trạng chồng chéo, trùng lắp, thiếu, sót dẫn đến mất cân đối nguồn lực trong khi ngân sách nhà nước có hạn.

Thủ tướng nghiêm khắc nhận định, hạn chế đáng nói nhất, khuyết điểm lớn nhất trong công tác điều hành công việc này là nhận thức, quan tâm về tầm quan trọng của công tác giảm nghèo chưa đúng mức dẫn tới trách nhiệm chỉ đạo chưa cao, chưa sâu sát, quyết liệt. Thực tế nơi nào cấp uỷ quan tâm, chính quyền quan tâm chỉ đạo, tình hình chuyển biến, có kết quả rõ ràng hơn. Đây là vấn đề cần nghiêm túc thừa nhận.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở, các cấp ngành, địa phương cần xác định giảm nghèo là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phải được coi là một tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các cấp uỷ đảng.

Hướng triển khai nhiệm vụ năm 2015, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tăng thêm dư nợ tín dụng người nghèo so với chỉ tiêu 10% hiện nay để tăng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng hộ nghèo được hỗ trợ tín dụng chính sách.

Thủ tướng cũng nhắc việc xây dựng Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với những tiêu chuẩn, tiêu chí cao hơn, gắn với việc xây dựng, ban hành và thực hiện chuẩn nghèo mới.

P.Thảo