1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thủ tướng thúc giải phóng mặt bằng làm đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM

(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu UBND TP.Hà Nội, UBND TPHCM quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đáp ứng tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại 2 thành phố.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội và TPHCM khẩn trương phê duyệt quy hoạch chi tiết các tuyến, các ga đường sắt đô thị trên địa bàn theo quy hoạch chung xây dựng đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và kết nối không gian đô thị. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị theo thứ tự ưu tiên bảo đảm phát huy hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chủ quản dự án đường sắt đô thị cần chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư; đánh giá, so sánh suất đầu tư giữa các dự án và với các dự án tương tự trên thế giới trước khi phê duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư, hạn chế điều chỉnh dự án trong quá trình thực hiện.
 
Đồng thời tăng cường tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường sắt đô thị; thường xuyên rà soát, kiên quyết thay thế các nhà thầu yếu, không đủ năng lực để bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án.
Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đang được đốc thúc tiến độ.
Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đang được đốc thúc tiến độ.

Các cơ quan chủ quản dự án đường sắt đô thị chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng cho dự án, trong đó ưu tiên vốn đối ứng để thực hiện GPMB, làm rõ các nguồn vốn, việc huy động và phân bổ theo từng giai đoạn đối với từng loại vốn cho từng hạng mục công trình.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, phê duyệt danh mục các hạng mục đầu tư có khả năng thu hồi vốn trực tiếp để làm cơ sở xác định cơ chế tài chính đối với các dự án đường sắt đô thị.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát tổng thể các tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài đang hoặc sẽ được áp dụng đối với từng dự án đường sắt đô thị; trên cơ sở đó đưa ra kế hoạch cụ thể để xây dựng mới hoặc chuyển đổi đồng bộ sang hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam phù hợp với yêu cầu triển khai dự án.

Thủ tướng giao các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản dự án đường sắt đô thị để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để bảo đảm tiến độ, hiệu quả các dự án đường sắt đô thị.

Cũng trong ngày 24/12, Thủ tướng quyết định phê duyệt sửa đổi, bổ sung danh mục Dự án "Xây dựng cầu Thịnh Long, thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định", sử dụng vốn ODA của Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế Chính phủ Hàn Quốc (EDCF).

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản, chủ dự án. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 - 2019.

Tổng kinh phí thực hiện dự án là 54,9 triệu USD, trong đó vốn vay ODA 46 triệu USD, tương đương 970,31 tỷ đồng; vốn đối ứng 8,909 triệu USD tương đương 187,92 tỷ đồng (trong đó Bộ Giao thông vận tải 5,24 triệu USD và UBND tỉnh Nam Định 3,699 triệu USD từ ngân sách địa phương).

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Nam Định nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lưu ý việc bố trí vốn đối ứng để thực hiện dự án; tiến hành thẩm định và phê duyệt văn kiện Dự án theo đúng quy định hiện hành; bảo đảm sử dụng viện trợ ODA hiệu quả, dự án đạt mục tiêu đề ra.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao thay mặt Chính phủ Việt Nam trao đổi công hàm Chính thức với phía Hàn Quốc về việc sửa đổi, bổ sung danh mục Dự án. Giao Bộ Tài chính chuẩn bị việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay cụ thể đối với dự án.

P.Thảo