Thủ tướng sang Nga dự Hội nghị BRICS theo lời mời của Tổng thống Putin
(Dân trí) - Sáng 23/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường sang Nga tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng, theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin.
Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng; Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Trương Quang Hoài Nam; Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang; Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng.
Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng năm 2024 diễn ra trong ngày 23-24/10 tại thành phố Kazan, Nga, với sự tham dự của lãnh đạo các thành viên BRICS và lãnh đạo hơn 30 nước khách mời, bao gồm các nước đang phát triển ở các châu lục và một số tổ chức quốc tế.
Theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nước Chủ tịch BRICS năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị với tư cách khách mời.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam tại Hội nghị BRICS lần này mang nhiều ý nghĩa quan trọng.
Theo nữ Thứ trưởng, sự tham dự của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị BRICS mở rộng với chủ đề "cùng xây dựng tương lai tốt đẹp hơn" là sự khẳng định mạnh mẽ tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề chung của nhân loại.
Cùng với việc tham gia, đóng góp tích cực tại Liên Hợp Quốc, ASEAN, các cơ chế APEC, G7, G20… và nhiều sáng kiến hợp tác, liên kết kinh tế toàn cầu, việc tham dự Hội nghị BRICS mở rộng là minh chứng cho cam kết và trách nhiệm của Việt Nam cùng đồng hành với các nước trong cộng đồng quốc tế.
Việc này cũng nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, cùng nâng cao tiếng nói của các nước phát triển trong nỗ lực góp phần vun đắp hòa bình, thúc đẩy hợp tác và phát triển trên thế giới.
Sự tham gia của Việt Nam cùng thảo luận với các nền kinh tế lớn, các nền kinh tế mới về những vấn đề đang đặt ra cũng nhằm đóng góp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò, tầm vóc của Việt Nam đối với các vấn đề phát triển của nhân loại.
Việc này, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cũng chuyển tải hình ảnh về một Việt Nam hòa bình, hợp tác, phát triển, năng động, đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.
Ý nghĩa thứ ba bà Hằng nhấn mạnh, là thông qua việc tham dự hội nghị, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với Nga và các nước. Với Nga, đây là chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
"Chuyến công tác góp phần tạo xung lực cho hợp tác song phương, thúc đẩy, mở ra các cơ hội hợp tác thực chất, hiệu quả giữa hai nước tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga", bà Hằng nhấn mạnh.
BRICS là nhóm đại diện cho các nền kinh tế mới nổi, chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và khoảng 1/4 GDP thế giới. Năm 2009, BRICS được thành lập với 4 thành viên ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và năm 2011 có thêm sự tham gia của Nam Phi.
Năm nay, 4 quốc gia gồm Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cũng chính thức trở thành thành viên BRICS. Saudi Arabia cũng đã được mời tham gia nhóm và tham gia các cuộc họp BRICS, nhưng chưa trở thành thành viên chính thức. Hơn 30 quốc gia khác, bao gồm cả thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ, đã nộp đơn xin gia nhập.
Hôm 10/10, Trợ lý Tổng thống Nga cho biết trong hơn 30 quốc gia xác nhận tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS có 24 quốc gia tham dự ở cấp nguyên thủ quốc gia.