1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thủ tướng quyết định thành lập Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng

(Dân trí) - Ngày 11/3, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 20/2014/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng với tổng diện tích tự nhiên hơn 30.130 ha, bao gồm 37 xã và 3 thị trấn.

Theo Quyết định, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng là khu vực có ranh giới địa lý xác định thuộc lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, có không gian kinh tế riêng biệt. Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng gồm diện tích (một phần hoặc toàn bộ) các xã biên giới của các huyện Thạch An, Phục Hòa, Hạ Lang, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Hà Quảng, Thông Nông.

Khu kinh tế này được xác định có vị trí địa lý: Phía Bắc giáp huyện Nà Po, Tịnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc); Phía Đông giáp huyện Long Châu, Đại Tân (Quảng Tây, Trung Quốc); Phía Nam giáp huyện Thạch An (Cao Bằng); Phía Tây giáp huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).

Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng tỉnh Cao Bằng
Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng tỉnh Cao Bằng

Được tổ chức thành khu phi thuế quan và các khu chức năng, khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng sẽ gồm có: Khu cửa khẩu quốc tế, các khu công nghiệp, trung tâm tài chính, khu đô thị, khu trung tâm hành chính, khu dân cư và các khu chức năng khác.

Hoạt động và các cơ chế, chính sách đối với Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng được thực hiện theo Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 và các văn bản khác có liên quan.

Ngoài Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng, Cao Bằng còn có các cửa khẩu chính là Trà Lĩnh, Sóc Giang, Lý Vạn, nhiều cửa khẩu phụ và cặp chợ biên giới. Với đường biên dài, tiếp giáp với nước láng giềng Trung Quốc, Cao Bằng đang tập trung nguồn vốn để đầu tư, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng. Từ đó, mở rộng quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hoạt động thương mại, du lịch, xuất khẩu hàng hóa và khai thác lợi thế các cửa khẩu một cách hiệu quả nhất.

Quốc Cường - Xuân Thái