Thủ tướng phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa
(Dân trí) - Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2030 cải tạo 100% các điểm đen tai nạn giao thông đường thủy nội địa trên các tuyến đường thủy nội địa chính; cải tạo các điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa ở mức cao trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia…
Chính phủ vừa Phê duyệt Đề án “Các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới”, trong đó Thủ tướng nhấn mạnh tới mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Đề án này.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là xác định, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho người tham gia giao thông và người dân sống dọc các tuyến đường thủy nội địa; tăng cường điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng, phương tiện đường thủy nội địa nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đối với kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa: Cải tạo 100% các điểm đen tai nạn giao thông đường thủy nội địa trên các tuyến đường thủy nội địa chính; cải tạo các điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa ở mức cao trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia.
Đối với phương tiện thủy: 100% phương tiện thủy nội địa được lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS, thiết bị thông tin liên lạc VHF và được đăng ký, đăng kiểm theo quy định; 100% phương tiện thủy chở khách ngang sông được trang bị đầy đủ áo phao và dụng cụ nổi cầm tay cho hành khách trên phương tiện theo quy định.
Đối với thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, người tham gia giao thông đường thủy nội địa: 100% thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa được đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; 100% người tham gia giao thông đường thủy nội địa, chủ cảng, bến thủy nội địa, chủ phương tiện, thuyền trưởng, người lái phương tiện và người dân sinh sống dọc các tuyến đường thủy nội địa được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Định hướng sau năm 2030, hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy hoạch và cơ chế chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong hoạt động quản lý về an toàn giao thông đường thủy nội địa nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy nội địa một cách bền vững.
Để đạt được mục tiêu trên, Đề án đặt ra nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu như hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch và cơ chế, chính sách; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; công tác đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; giải pháp về nguồn vốn; quản lý an toàn giao thông.
Trong đó, về công tác đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa: áp dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng đào tạo và thi, kiểm tra cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; tăng cường xã hội hóa công tác đào tạo; nghiên cứu, bổ sung các hình thức, phương pháp thi khoa học và phù hợp với một số loại, hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, người có trình độ học vấn thấp và đồng bào dân tộc thiểu số.
Về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện thủy nội địa và hoạt động của các cảng, bến thủy nội địa.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, “Cảng, bến sông an toàn”, mô hình “Cụm, khu dân cư an toàn giao thông đường thủy nội địa”.
Tập trung tuyên truyền, phổ biến về quy tắc giao thông đường thủy nội địa; các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện; các điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa, đặc biệt chú trọng tuyên truyền về điều khiển phương tiện phải có chứng chỉ chuyên môn, không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện và không chở quá tải trọng theo quy định. Tăng thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
C.N.Q