Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường sang châu Âu
(Dân trí) - Hành trình đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác 3 nước châu Âu là Thụy Sỹ, để dự Hội nghị lần thứ 54 của WEF tại Davos. Sau đó, Thủ tướng thăm chính thức Hungary và Romania.
Rạng sáng 16/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời sân bay Nội Bài (Hà Nội) lên đường sang Zurich, Thụy Sỹ. Đây là điểm dừng chân đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trong chuyến công tác 3 nước châu Âu.
Trước khi có chuyến thăm chính thức Hungary và Romania, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sỹ).
Với chủ đề "Tái thiết lòng tin", WEF Davos lần thứ 54 là hội nghị có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch Covid-19, ghi nhận sự tham dự của gần 100 lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế, khoảng 3.000 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, việc Thủ tướng lần đầu tiên tham dự Hội nghị WEF Davos có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện.
Bà Hằng cho rằng đây là cơ hội giá trị để nắm bắt những tư duy, ý tưởng, mô hình phát triển, mô hình quản trị và các xu thế phát triển của thế giới, hay nói cách khác là trao đổi, lắng nghe "nhịp đập" của thế giới, từ đó tranh thủ, tận dụng kịp thời những thời cơ, xu thế mới, ứng phó hiệu quả với những thách thức đặt ra, thu hút tối đa nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho rằng đây là thời điểm lý tưởng để Việt Nam chia sẻ, quảng bá những thành tựu, định hướng, chiến lược phát triển đất nước, chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam năng động, đổi mới, là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu.
Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Thomas Gass ghi nhận Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể trong việc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu; thúc đẩy ổn định và hợp tác khu vực; tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới.
"Diễn đàn năm nay sẽ mang đến cho Việt Nam một cơ hội tuyệt vời để thể hiện cam kết với các giải pháp cụ thể và giành được sự ủng hộ của cộng đồng các nhà đầu tư cho những nỗ lực của mình", theo ông Thomas Gass.
Ông nhấn mạnh vai trò của Việt Nam ngày càng quan trọng và Hội nghị lần này sẽ là cơ hội để Việt Nam tìm kiếm nguồn đầu tư, nguồn lực từ các công ty, tập đoàn kinh doanh và quỹ đầu tư quốc tế, trong đó có Thụy Sỹ.
Ngày 18/1, sau khi kết thúc lịch trình tại Thụy Sỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường sang Hungary để thăm chính thức quốc gia này.
Việt Nam và Hungary thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện năm 2018, trong chuyến thăm chính thức Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong hợp tác kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hungary tăng dần từng năm, đạt hơn 354 triệu USD vào 2017 và tăng lên hơn 1.200 triệu USD vào 2022, theo thống kê của Tổng cục Hải quan.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước duy nhất xuất khẩu sang Hungary với sản lượng lớn, đạt mức gần 1 tỷ USD trong năm 2020. Điều này cho thấy thị trường Hungary rất tiềm năng và có nhiều cơ hội phát triển.
Về đầu tư, tính đến nay, Hungary có 15 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 50,66 triệu USD - đứng thứ 55 trong tổng số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo cho rằng chuyến thăm của người đứng đầu Chính phủ cũng sẽ góp phần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực nhiều tiềm năng như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, lao động, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Trong chuyến thăm này, hai Thủ tướng sẽ trao đổi biện pháp hỗ trợ thúc đẩy hợp tác Việt Nam - EU, ASEAN - EU, khẳng định Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối cho Hungary vào thị trường ASEAN và mong muốn Hungary làm cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường khu vực.
Romania sẽ là điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình tới 3 nước châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông sẽ thăm chính thức nước này theo lời mời của người đồng cấp Ion-Marcel Ciolacu.
Việt Nam và Romania thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950. Từ năm 1950 đến 1989, quốc gia này đã viện trợ và cho Việt Nam vay để phát triển một số ngành kinh tế.
Từ sau 1990, Việt Nam và Romania đã ký nhiều văn kiện tạo khung pháp lý cho sự hợp tác trong giai đoạn mới.. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là cà phê, hải sản, hồ tiêu, dệt may, giày da, linh kiện máy tính.
Trong khi đó, Romania chủ yếu xuất khẩu hóa chất, phân bón, sắt thép xây dựng, hạt nhựa, thiết bị khoan dầu khí, sản phẩm gỗ…
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 425 triệu USD, riêng 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 184 triệu USD.
Về đầu tư, tính đến hết năm 2022, Romania có 5 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký 1,56 triệu USD, đứng thứ 42/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Đại sứ Romania tại Việt Nam Cristina Romila chia sẻ chuyến thăm được kỳ vọng trở thành cột mốc quan trọng trong hợp tác giữa hai quốc gia trên các lĩnh vực, góp phần tăng cường hiểu biết, ưu tiên và lợi ích của nhau.
"Romania có thể trở thành cửa ngõ đưa hàng hóa Việt Nam vào châu Âu, tương tự Việt Nam tạo điều kiện cho Romania tiếp cận thị trường ASEAN. Chúng ta cần tận dụng hiệu quả EVFTA để mở cửa thị trường của nhau và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm", bà Cristina Romila nhấn mạnh.