Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Tokyo, bắt đầu chuỗi hoạt động tại Nhật Bản
(Dân trí) - Đặt chân xuống sân bay quốc tế Haneda (Tokyo), Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay lập tức bắt đầu cho chuỗi hoạt động đầu tiên trong chuyến công tác đến Nhật Bản dự Hội nghị ASEAN - Nhật Bản.
Chiều 15/12 theo giờ địa phương, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay quốc tế Haneda của Tokyo, Nhật Bản.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại đây, theo lời mời của người đồng cấp Kishida Fumio.
Ngay khi đặt chân xuống sân bay, Thủ tướng sẽ đến làm việc và có một số hoạt động tại một địa phương của Nhật Bản.
Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản 2023 sẽ diễn ra ngày 17/12, với chủ đề "Tình bạn vàng, Cơ hội vàng". Theo Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, Nhật Bản và ASEAN trong nhiều năm qua đã đồng hành trên con đường phát triển và hội nhập với tư cách là những đối tác quan trọng.
Hai bên đã chung tay giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn hoạn nạn như thời điểm xảy ra thảm họa động đất sóng thần miền Đông Nhật Bản hay đại dịch Covid-19 và cùng hợp tác như những người bạn chân thành trên tinh thần gắn kết "từ trái tim đến trái tim".
Với định hướng lớn cho quan hệ và hợp tác hai bên dự kiến được đưa ra, ông Yamada Takio kỳ vọng hội nghị cấp cao đặc biệt mang tính lịch sử này sẽ trở thành một "cơ hội vàng" để trao truyền "tình hữu nghị vàng" giữa Nhật Bản và ASEAN cho thế hệ tiếp theo.
Với mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam, ông Yamada Takio nhận định thông qua các hoạt động hợp tác kinh tế (ODA), đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào ASEAN trong nhiều lĩnh vực, Nhật Bản đã và đang hỗ trợ cho sự phát triển của khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Nhật Bản và ASEAN là đối tác thương mại quan trọng của nhau, Nhật Bản đứng thứ hai sau Mỹ về đầu tư trực tiếp tại ASEAN. Trong những năm gần đây, vốn đầu tư trực tiếp trung bình hàng năm của Nhật Bản vào các nước ASEAN đạt khoảng 2.800 tỷ yên, và có khoảng 15.000 cơ sở kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đặt tại các nước ASEAN.
Về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam, Nhật Bản mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đào tạo nhân lực để Việt Nam tiếp tục thực hiện được việc phát triển kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng mong muốn làm sôi động trở lại viện trợ ODA, đặc biệt là hỗ trợ trong xây dựng hạ tầng quan trọng cho phát triển của Việt Nam.
Đại sứ Yamada Takio kỳ vọng hy vọng chuyến công tác Nhật Bản lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đạt được nhiều thành quả tốt đẹp để Nhật Bản và Việt Nam có thể cùng nhau đóng góp cho sự phát triển của khu vực và thế giới.
Quan hệ ASEAN - Nhật Bản phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực.
Về chính trị - an ninh, Nhật Bản là một trong những đối tác cùng ASEAN sáng lập các diễn đàn như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM Plus)…
Nhật Bản ủng hộ đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời cũng chủ động, đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác an ninh biển, an ninh mạng, tội phạm kinh tế…
Trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, đất nước mặt trời mọc là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của ASEAN. Nhật Bản giữ vị trí đối tác thương mại lớn thứ 4 và đầu tư FDI đứng thứ 2 của ASEAN trong năm 2022.
Về hợp tác văn hóa - xã hội, Nhật Bản có nhiều dự án hỗ trợ thực chất cho ASEAN trong các lĩnh vực như giao lưu nhân dân, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, y tế và phòng chống dịch bệnh, già hóa dân số.
Đất nước này cũng hỗ trợ y tế cộng đồng ASEAN thông qua Sáng kiến Y tế ASEAN - Nhật Bản; cam kết ứng phó với các thách thức xuyên biên giới và toàn cầu như biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, quản lý thiên tai, y tế và phòng chống dịch bệnh.
Đặc biệt, hai bên cũng thúc đẩy hợp tác ứng phó Covid-19 và thúc đẩy phục hồi. Nhật Bản và ASEAN ủng hộ phối hợp duy trì đà hợp tác, nhất là tập trung kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm chuỗi cung ứng thương mại và đầu tư và thúc đẩy phục hồi.
Nhật Bản dành 50 triệu USD hỗ trợ ASEAN thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi, đồng thời khẳng định tiếp tục hỗ trợ Trung tâm này đi vào hoạt động bền vững.
Quốc gia này cũng đã hỗ trợ gói trang thiết bị y tế trị giá hơn 200 triệu USD song phương cho các nước ASEAN, hỗ trợ 16 triệu liều vaccine cho các nước ASEAN trong tổng số 30 triệu liều cung cấp ra nước ngoài; dành 2,5 tỷ Yên thiết lập kho lạnh bảo quản và vận chuyển vaccine, hỗ trợ vật tư, công nghệ y tế, máy tạo oxy cho nhiều nước ASEAN.
Trong thúc đẩy phục hồi toàn diện, hai bên nhất trí tăng cường thương mại và đầu tư, ủng hộ việc duy trì chuỗi cung ứng khu vực, đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực trong nền kinh tế số, quản lý thiên tai, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh…
Nhật Bản tích cực hỗ trợ ASEAN triển khai Khung Phục hồi tổng thể với khoản cho vay trị giá 192 tỷ Yên với lãi suất thấp nhất.
Hoài Thu (Từ Tokyo, Nhật Bản)