Thủ tướng nói về định hướng phát triển thành phố phía Đông Sài Gòn
(Dân trí) - Đề cập tới 24 chỉ tiêu phát triển, 7 nhiệm vụ, giải pháp lớn, 4 chương trình phát triển của TPHCM, Thủ tướng quan tâm những nội dung mới như trung tâm tài chính, thành phố phía Đông…
Ngày 23/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc của Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) để góp ý dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025.
Đối diện già hóa dân số trong 15 năm tới
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập 24 chỉ tiêu phát triển, 7 nhiệm vụ, giải pháp lớn chủ yếu, đặc biệt là 4 chương trình phát triển bao quát sự tăng trưởng, phát triển, hội nhập quốc tế của TPHCM, trong đó có nhiều điểm nội dung mới như trung tâm tài chính, thành phố phía Đông…
Thủ tướng đánh giá, việc chuẩn bị riêng dự thảo báo cáo tập trung chuyên sâu về kinh tế - xã hội là một đặc sắc riêng so với các địa phương. Đây là sự vận dụng sáng tạo của thành phố với vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước trên tinh thần “TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM”. Bên cạnh đó, việc TPHCM xây dựng riêng 4 đề án chuyên đề cũng là đặc thù so với địa phương khác.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, kỳ vọng của cả nước đối với sự phát triển của TPHCM là rất lớn. Thủ tướng đề nghị Thành phố rà soát kỹ, bổ sung một nội dung về chủ đề Đại hội. Chẳng hạn, về huy động sử dụng mọi nguồn lực, Thủ tướng cho rằng không chỉ huy động mà phải sử dụng có hiệu quả. TPHCM cũng phải đặt vấn đề đổi mới sáng tạo gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với vai trò là trung tâm, đầu tầu kinh tế của cả nước, có vị thế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á, TPHCM phải áp dụng các tiêu chí về phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc.
Nhất trí với đánh giá tình hình như trong dự thảo báo cáo của TPHCM, Thủ tướng cho rằng Thành phố đạt được những thành quả lớn lao nhưng cũng có những điểm nghẽn. Tăng trưởng GRDP chưa tương xứng với tiềm năng. Văn hóa, xã hội còn bất cập, khoảng cách phát triển, chênh lệch mức sống ở một thành phố lớn là vấn đề đặt ra.
Nếu TPHCMcứ đi theo mô hình cũ thì khó có thể phát triển, nếu không đổi mới cách làm, không có sự tăng năng suất lao động cần thiết thì GRDP của các địa phương khác có thể bắt kịp và vượtqua.
Do đó, Thủ tướng mong muốn với vị thế của mình, TPHCM cần dẫn đầu về vấn đề này. Môi trường đầu tư cần thông thoáng, cởi mở, thu hút hơn nữa. Một nguy cơ nữa là với cơ cấu dân số và tỷ lệ sinh hiện nay thì trong khoảng 15 năm nữa TPHCM sẽ đối mặt tình trạng già hóa dân số, mất cân bằng giới tính. Đội ngũ cán bộ, năng lực quản trị một thành phố 15 triệu dân là điểm then chốt để TPHCM có thể thành công. Lựa chọn cán bộ giỏi, vừa có đức, vừa có tài để gánh vác sứ mệnh của thành phố là vô cùng quan trọng; phải vừa vận dụng đúng pháp luật và giải quyết được bài toán phát triển của Thành phố.
Theo Thủ tướng, với một thành phố lớn, không chỉ vấn đề phát triển kinh tế mà phải chú trọng giải quyết vấn đề xã hội như an ninh trật tự, ùn tắc giao thông… Bên cạnh lo lâu dài thì cũng phải quan tâm vấn đề trước mắt.
Thu nhập bình quân chưa xứng tầm vóc số 1
Trong năm nay, việc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra đối với TPHCM là rất khó khăn, nhất là tăng trưởng, thu ngân sách Nhà nước. Thủ tướng mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố cố gắng nhiều hơn nữa, với những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt quan tâm tháo gỡ cho các doanh nghiệp của Thành phố, xây dựng hệ thống doanh nghiệp phát triển. Thành phố phải thực hiện kết luận thanh tra một cách chặt chẽ, thu hồi tài sản, đất đai vi phạm về cho Nhà nước.
Về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025, Thủ tướng đề nghị Thành phố phân tích, đánh giá rõ hơn yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố để có giải pháp, nhất là vấn đề khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực, hạ tầng, thách thức về biến đổi khí hậu…
Nhắc lại phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 2018 về việc 3 thành phố của Việt Nam tham gia Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN (gồm Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng), Thủ tướng cho rằng phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông phải đúng hướng, cần đề cập điều này ngay trong văn kiện đại hội chứ không chỉ đề án riêng. Xây dựng thành phố xanh, thành phố số, xã hội số, kinh tế số… là những vấn đề đặt ra trực tiếp đối với TPHCM.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, Thủ tướng cho rằng cần tính toán phù hợp hơn, trong đó chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người mà thành phố đưa ra là thấp so với tầm vóc và định hướng phát triển của mình.
Thủ tướng bày tỏ ủng hộ 4 đề án đột phá của TPHCM, gồm: Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách Nhà nước cho TPHCM để Thành phố có “chiếc bánh ngân sách” lớn hơn; Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM; Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức (Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với TPHCM, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện đề án, chú ý các yếu tố quy hoạch, huy động nguồn lực, phương thức quản lý, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định); Đề án phát triển trung tâm tài chính TPHCM (Thủ tướng đề nghị TPHCM và các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động ảnh hưởng, đặc biệt lưu ý các điều kiện cần thiết, công cụ, phương pháp tổ chức quản lý, huy động nguồn lực quốc tế và trong nước để phát triển trung tâm tài chính TPHCM).