1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủ tướng: Ninh Bình cần tiếp tục đi đầu trong giải ngân vốn đầu tư công

(Dân trí) - Ngày 12/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Ninh Bình, kiểm tra giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng hoan nghênh Ninh Bình giải ngân được 72% vốn đầu tư công trong tổng số 3.000 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là cuộc kiểm tra đầu tiên của Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên toàn quốc.

Thủ tướng: Ninh Bình cần tiếp tục đi đầu trong giải ngân vốn đầu tư công - 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Ninh Bình về việc giải ngân vốn đầu tư công.

Báo cáo Thủ tướng, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình nêu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mọi lĩnh vực của tỉnh đều chịu hậu quả nặng nề. Đặc biệt là ngành du lịch, chỉ đạt 1,5 triệu lượt khách, giảm 72%, doanh thu giảm 66%.

Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, quy mô lớn trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp… 

Ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, từ đầu năm đến nay Ninh Bình chỉ đạt tăng trưởng 3,85%; thu ngân sách 9.194 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thủ tướng: Ninh Bình cần tiếp tục đi đầu trong giải ngân vốn đầu tư công - 2

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình báo cáo Thủ tướng về tình hình kinh tế - xã hội và giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2020.

Về đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho hay, Ninh Bình là tỉnh khó khăn, nợ xây dựng cơ bản (XDCB) nhiều, tuy nhiên, giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh đã nỗ lực cân đối nên kết quả Tổng số nợ XDCB giảm 2.030 tỷ đồng (giảm 33,7%). 

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 do tỉnh Ninh Bình quản lý đã giao là 3.036 tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách Trung ương đầu tư theo các chương trình mục tiêu: 397,6 tỷ đồng (trong đó giao đầu năm là 287,6 tỷ đồng); Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 221,635 tỷ; Vốn nước ngoài (ODA): 235,8 tỷ đồng. Vốn cân đối ngân sách địa phương: 2.181,415 tỷ đồng.

Thủ tướng: Ninh Bình cần tiếp tục đi đầu trong giải ngân vốn đầu tư công - 3

Lãnh đạo các Bộ, ngành tham gia buổi làm việc với tỉnh Ninh Bình cùng Thủ tướng và có các ý kiến để thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

Tính đến 8/7/2020, tổng số vốn kế hoạch năm 2020, tỉnh Ninh Bình đã giải ngân đạt 2.162,481 tỷ đồng, bằng 71,22% kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân của cả nước là 30,22%). Thống kê trên Cổng thông tin Quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Ninh Bình luôn đứng trong top 10 đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên toàn quốc.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cam kết với Thủ tướng, sẽ hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay, thậm chí có thể về đích sớm hơn, vào khoảng tháng 10 tới. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và hoan nghênh tỉnh Ninh Bình đã giải ngân được 72% vốn đầu tư công.

Thủ tướng: Ninh Bình cần tiếp tục đi đầu trong giải ngân vốn đầu tư công - 4

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và hoan nghênh tỉnh Ninh Bình đã giải ngân được 72% vốn đầu tư công.

Những thành tựu về kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình đạt được trong 6 tháng đầu năm 2020, giai đoạn 2016 – 2020. Thủ tướng đánh giá có tính chất nền tảng để bước vào một giai đoạn mới. Tỉnh đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội; trong đó có các chỉ tiêu quan trọng như tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, trường đạt chuẩn quốc gia… 

Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế Ninh Bình cần phát triển khá, vượt kế hoạch đề ra, quy mô nền kinh tế được mở rộng, tăng bình quân hơn 8%/năm. Công nghiệp có nhiều bước tiến với những mũi nhọn chủ lực, tạo ra tăng trưởng lớn, nhất là lĩnh vực công nghiệp ô tô, không chỉ đóng góp cho ngân sách địa phương mà còn góp phần phát triển hệ sinh thái công nghiệp ô tô Việt Nam.

Nông nghiệp của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa tiên tiến, bền vững. Giá trị sản xuất tăng, cơ cấu GDP nông nghiệp, lao động nông nghiệp giảm chỉ còn dưới 23%, là một trong những tỉnh thấp nhất Đồng bằng Bắc bộ. 

Thủ tướng lưu ý những hạn chế mà tỉnh Ninh Bình cần khắc phục như: thu nhập bình quân đầu người còn thấp; tỉnh chưa hình thành được những vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; phát triển doanh nghiệp trên địa bàn chưa đạt yêu cầu (mới chỉ đạt 8.000/10.000 doanh nghiệp theo mục tiêu đề ra); vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường...

Thủ tướng mong muốn, Ninh Bình tiếp tục đi đầu trong giải ngân vốn đầu tư công; cần trở thành một tỉnh có động lực tăng trưởng của khu vực phía Bắc và cả nước; một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách; có chất lượng, sáng tạo, đổi mới; phát triển xanh và bền vững… 

Thái Bá