Thủ tướng nhận một số câu hỏi chất vấn về Vinashin
(Dân trí) - Tại sao có 11 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vẫn không phát hiện được các sai phạm của Vinashin?; Có sự bao che nào không?; Sai phạm như vậy trách nhiệm thuộc về ai?... sẽ là những vấn đề Thủ tướng Chính phủ trả lời đại biểu Quốc hội.
Trao đổi với báo chí chiều 12/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã cho biết như vậy.
Liên quan đến cuộc thanh tra toàn diện Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) do Thanh tra Chính phủ tiến hành, ông Trần Văn Truyền cho biết, hiện đoàn thanh tra mới kết thúc bước thanh tra tại đơn vị và đang xem xét lại các hồ sơ để đi đến kết luận cuối cùng về những sai phạm.
“Khi có kết luận, đoàn thanh tra sẽ báo cáo với tôi, tôi sẽ phải kiểm tra lại tính xác thực của kết luận này, sau đó có sự thống nhất để báo cáo lên Thủ tướng”, ông Truyền tiếp.
Trả lời câu hỏi về thời điểm có kết luận thanh tra, ông Truyền cho biết, theo luật định, trong vòng một tháng sau khi kết thúc thanh tra tại đơn vị, thanh tra phải báo cáo kết luận, còn tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng với lần này, việc báo cáo kết luận thanh tra phải tiến hành sớm, khẩn trương.
Ông Trần Văn Truyền: Chưa có chế tài để bắt buộc Vinashin thực hiện... (Ảnh: Việt Hưng)
Về việc có báo cáo Quốc hội kết luận thanh tra hay không, ông Truyền cho biết, Chính phủ chỉ đạo nếu kịp sẽ báo cáo tại kỳ họp lần này, nếu chưa kịp cũng sẽ có cách phù hợp để báo cáo Quốc hội.
Cũng theo ông Truyền, quá trình thanh tra lần này của Thanh tra Chính phủ sẽ làm rõ thêm những sai phạm cụ thể và những sai phạm này gắn liền với trách nhiệm của Vinashin, những cơ quan có nhiệm vụ giúp Chính phủ quản lý và kể cả trách nhiệm của Chính phủ.
Trên cơ sở báo cáo của Thanh tra, Chính phủ sẽ có kết luận và chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm theo đúng tinh thần của Trung ương.
“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, trên tinh thần báo cáo của Thanh tra và kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương vừa qua sẽ tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị có liên quan trong việc này”, ông Truyền nói.
Liên quan đến các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội, ông Truyền cho biết, Tổng Thanh tra Chính phủ nhận được một câu hỏi chất vấn về Vinashin và ông đã có câu trả lời gửi đại biểu với nội dung tương tự như ông đã phát biểu trong buổi thảo luận về kinh tế - xã hội.
Về các câu hỏi chất vấn Thủ tướng, ông Truyền cho hay, Thủ tướng đã chỉ đạo trả lời, với nội dung tập trung vào các vấn đề: Tại sao có 11 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vẫn không phát hiện được các sai phạm của Vinashin?; Có sự bao che nào cho Vinashin không?; Sai phạm của Vinashin như vậy trách nhiệm thuộc về ai?
Đi vào các vấn đề đặt ra trên đây, ông Truyền cho biết, qua mỗi cuộc thanh tra, kiểm toán của các cơ quan khác nhau (chưa phải thanh tra toàn diện) đều phát hiện những nội dung sai phạm cụ thể của Vinashin.
Trên cơ sở báo cáo về các việc này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý, bao gồm: tăng cường quản lý, nâng cao việc sử dụng vốn; thu hẹp vốn đầu tư, hạn chế việc khắc phục nhanh việc đầu tư ra ngoài ngành; mua sắm thiết bị phải đảm bảo đúng quy định của nhà nước, nhất là không được mua sắm tàu cũ.
Tuy nhiên, theo ông Truyền, do chưa có một cuộc thanh tra toàn diện nên không phát hiện đầy đủ, kịp thời những sai phạm của Vinashin. Thứ nữa, qua các cuộc thanh tra mặc dù Thủ tướng đã có chỉ đạo, nhưng chưa có chế tài cần thiết để bắt buộc Vianshin chấp hành, do vậy, Vinashin chấp hành không đúng, thậm chí Vinashin còn báo cáo dối, lỗ vẫn nói lãi…
“Như vậy, ở đây vừa có trách nhiệm về quản lý của các cơ quan chức năng thiếu sâu sát, thiếu kịp thời để có những giải pháp nhằm đánh giá đúng và can thiệp kịp thời, vừa có vấn đề cơ chế - chia cho nhiều cơ quan làm, nhưng không ai có đánh giá tổng thể và cuối cùng, không có cơ chế rõ ràng để chỉ ra ai là người bắt buộc Vinashin thực hiện. Do vậy, trong một thời gian dài Vinashin sai phạm và dẫn đến sai phạm nghiêm trọng.”, Tổng Thanh tra Chính phủ kết luận.
Kim Tân